Nhà cao tầng đua mọc sau ngày ban hành Luật Thủ đô

Nhà cao tầng đua mọc sau ngày ban hành Luật Thủ đô
TP - Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa cho rằng, từ ngày ban hành Luật Thủ đô tới nay, nhà cao tầng đua nhau mọc lên, dẫn đến tăng dân số cơ học... là vấn đề nhức nhối.

Ngày 17/5, Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đi giám sát tại huyện Hoài Đức, quận Đống Đa về vấn đề dân cư sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô.

Sau 5 năm thực hiện Luật Thủ đô, đến nay trên địa bàn huyện Hoài Đức có 14 khu đô thị mới, chung cư cao tầng và 4 khu chung cư mini được đưa vào sử dụng. Số lượng người dân các tỉnh về sinh sống chủ yếu tập trung tại đây, với hơn 12 nghìn nhân khẩu đăng ký cư trú. Trong khi đó, tại địa bàn quận Đống Đa, một trong 4 quận nội thành có mật độ dân số cao nhất của thủ đô, trong giai đoạn từ 1/7/2013 đến hết năm 2017, có tới gần 700 nghìn lượt lưu trú.

Đánh giá sau 5 năm triển khai Luật Thủ đô, Ủy viên Ủy ban Pháp luật Phạm Văn Hòa cho rằng, tình trạng tăng dân số ở hai thành phố lớn Hà Nội và TPHCM tiếp tục diễn ra, dẫn tới ùn tắc, ngập úng, ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt của người dân. Vấn đề nhức nhối, theo ông Hòa, từ ngày ban hành Luật Thủ đô tới nay, nhà cao tầng đua nhau mọc lên, dẫn đến tăng dân số cơ học. Ông Hòa đề nghị thành phố Hà Nội phải có đánh giá, tổng kết xem kết quả thế nào, hạn chế ra sao để tìm cách tháo gỡ.

Ông Ngô Sách Thực, thành viên đoàn giám sát cũng cho rằng, tình trạng tăng dân số cơ học tạo áp lực lớn đối với các dịch vụ khác và hạ tầng, nhất là tình trạng ùn tắc giao thông. Ông Thực đặt câu hỏi, việc thực hiện chủ trương dừng xây nhà cao tầng theo chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện ra sao trên địa bàn quận? Ông đề nghị Hà Nội phải đánh giá, xem việc thực hiện giãn dân ra ngoại thành đạt kết quả ra sao.

Đại biểu Bùi Văn Xuyền, thành viên đoàn giám sát đặt câu hỏi: Với mật độ dân cư nơi đông nhất khu vực nội thành hiện đã gấp 63 lần Sơn Tây (nơi mật độ thấp nhất) gây áp lực lên hạ tầng giao thông, quản lý dân cư cũng như đời sống kinh tế xã hội của người dân thế nào? Theo ông Xuyền, tất cả những vấn đề bức xúc dân sinh cần phải được tổng kết, đánh giá, để trên cơ sở đó xem xét, sửa Luật Thủ đô thế nào cho hiệu quả.

“Mật độ dân cư ở quận Đống Đa đã thực sự quá tải chưa? Mật đô dân số ở khu vực nội thành Hà Nội cao so với thế giới, luôn xảy ra ùn tắc, ngập úng. Chúng ta có chính sách giãn dân từ nội thành ra ngoại thành, vậy mục tiêu này có đạt được không? Thực tế cho thấy, chung cư cao tầng cứ mọc lên, làm sao giảm được quá tải, làm sao dân lại ra ngoại thành ở?”, đại biểu Trần Hồng Hà, thành viên đoàn giám sát nêu.

Giải đáp các vấn đề đoàn giám sát đặt ra, Phó chủ tịch UBND quận Đống Đa Phan Hồng Việt không trả lời câu hỏi “đã thực sự quá tải hay chưa”, nhưng theo ông, đến nay trên địa bàn quận đã có trên 41 vạn dân. Ông Việt lý giải, quận Đống Đa có rất nhiều làng, nhiều đất, và họ xây nhà trọ cho sinh viên thuê ở rất nhiều nên mật độ dân số cũng tăng cao.

Tại phiên làm việc, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Lê Hồng Sơn cho rằng, cần phải nghĩ ra giải pháp cho vấn đề quy hoạch nội đô, xem cách tiếp cận nhà cao tầng như thế nào cho hợp lý. Theo ông Sơn, ở nhiều nước như Nhật Bản, Hồng Kông, Singapore, mật độ nhà cao tầng ở nội đô rất khủng khiếp, dân ở kín mít, nhưng họ có hệ thống giao thông tốt với tàu điện ngầm, nổi.

Chính vì thế, ông Sơn cho rằng, vấn đề quan trọng nằm ở bài toán giao thông chứ không phải nhà cao tầng. Nhưng Hà Nội lại chưa có được hạ tầng giao thông tốt như các nước, ngay tuyến đường sắt trên cao làm mãi không song. Theo ông Sơn, nếu có tiền, làm xong các tuyến giao thông ngầm, nổi thì vấn đề giao thông sẽ cơ bản được giải quyết.

MỚI - NÓNG
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
Cải tạo chung cư cũ: 'Hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi'
TPO - “Nếu cán bộ quan tâm đến công việc, hay như tôi nói ở hội nghị Ban Chấp hành là có tình yêu với Hà Nội thì tự khắc đứng dậy, khắc có trách nhiệm với nhân dân, khắc giải quyết các vướng mắc, tồn tại. Nếu cứ chung chung, hời hợt, vô cảm thì 5-10-15 năm sau vẫn thế thôi, không làm được” - Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nói.