Nhiều dự án chỉ định thầu thiếu minh bạch

Nhiều dự án chỉ định thầu thiếu minh bạch
Tạm ứng gấp năm lần khối lượng hoàn thành; các dự án chỉ định thầu chủ yếu từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
Dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình được chỉ định thầu từ mức đầu tư 450 tỉ nâng lên 1.500 tỉ đồng trong vài tháng
Dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình được chỉ định thầu từ mức đầu tư 450 tỉ nâng lên 1.500 tỉ đồng trong vài tháng.

Thanh tra Chính phủ vừa tiến hành thanh tra trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trong thực hiện Luật Đấu thầu, liên quan đến hàng loạt dự án thuộc diện Thủ tướng quyết định đầu tư hoặc thẩm định theo yêu cầu của Thủ tướng.

Thanh tra đã phát hiện một số dấu hiệu bất thường trong chỉ định thầu: ưu ái dự án lớn cho một vài nhà thầu, tạm ứng tiền lớn gấp nhiều lần giá trị thực tế đã thi công. Có những dự án lẽ ra có thể áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi nhưng lại xin chỉ định thầu…

Ưu ái cho vài doanh nghiệp

Điển hình là dự án xây dựng quảng trường và tượng đài Đinh Tiên Hoàng tại Ninh Bình (Sở Văn hóa-Thông tin Ninh Bình làm chủ đầu tư). Dự án này vào tháng 5-2009 tỉnh phê duyệt tổng mức đầu tư là 450 tỉ đồng. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, tỉnh đã điều chỉnh nâng lên hơn ba lần (hơn 1.500 tỉ đồng). Gói thầu xây lắp chính thuộc dự án này giá trị hơn 1.000 tỉ đồng được chỉ định thầu cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Xuân Trường).

Không biết lý do gì mà trong năm 2010, chủ đầu tư đã tạm ứng cho nhà thầu Xuân Trường hơn 747 tỉ đồng, trong khi đến hết tháng 10-2011, khối lượng hoàn thành mới đạt 145 tỉ đồng. Cũng với “lòng tốt” ấy, trong dự án này, ở gói thầu tư vấn kiểm định chất lượng được chỉ định thầu cho Công ty TNHH Tư vấn Kiểm định xây dựng Đông Dương và năm 2010 đã giải ngân 3,4 tỉ đồng, trong khi khối lượng thực hiện mới đạt 2,8 tỉ đồng. Với gói thầu tư vấn giám sát thi công chỉ định cho Công ty TNHH Hương Giang, năm 2010 đã giải ngân 4,6 tỉ đồng, trong khi đến nay giá trị khối lượng mới đạt 1,7 tỉ đồng.

Cũng tại Ninh Bình, dự án xây dựng cơ sở hạ tầng Khu du lịch Tràng An được tỉnh phê duyệt năm 2004 với tổng mức đầu tư gần 580 tỉ đồng. Đến nay, sau nhiều lần điều chỉnh, bổ sung các dự án thành phần, tổng mức đầu tư dự án đã tăng gấp hơn 15 lần (gần 9.000 tỉ đồng). Dự án này, Xuân Trường cũng được ưu ái chỉ định thầu hạng mục công trình thủy lợi giá trị hơn 560 tỉ đồng.

Ở hạng mục này, chủ đầu tư đã giải ngân cho nhà thầu gần 400 tỉ đồng trong khi khối lượng thực hiện đến hết năm 2010 mới đạt 239 tỉ đồng. Xuân Trường còn được chỉ định thầu hạng mục giao thông, trị giá hơn 302 tỉ đồng và được giải ngân trước 185 tỉ đồng trong khi khối lượng thực hiện hết năm 2010 mới hơn 99 tỉ đồng…

Cái tên Xuân Trường còn xuất hiện trong nhiều dự án được thực hiện theo phương thức chỉ định thầu thuộc sự quản lý của Bộ GTVT. Chẳng hạn, lấy lý do cấp bách phục vụ đại lễ 1.000 năm Thăng Long, dự án điều chỉnh tuyến QL32C đoạn qua TP Việt Trì, do Sở GTVT Phú Thọ làm chủ đầu tư, được chỉ định thầu gói thầu xây lắp số 1 cho doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường, trị giá 554 tỉ đồng. Khởi công tháng 11-2009 nhưng hết hạn hợp đồng, sau hai năm thi công mới thực hiện được 27,2% khối lượng.

Tương tự, gói thầu 5.1 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng QL1A đoạn dốc Xây - Thanh Hóa, do Sở GTVT Thanh Hóa làm chủ đầu tư được chỉ định thầu cho Xuân Trường, giá trị 537 tỉ đồng, tiến độ thi công cũng đang rất chậm. Hai gói thầu xây lắp khác, một nằm trên QL1A đoạn cửa Bắc và phía Nam TP Ninh Bình, một nằm trên QL10 đoạn Ninh Phúc - cầu Điền Độ, đều do Sở GTVT Ninh Bình làm chủ đầu tư cũng được chỉ định thầu cho Xuân Trường. Tổng giá trị hai gói thầu hơn 675 tỉ đồng nhưng sau khi chỉ định thầu lại được chỉ định bổ sung, tăng gấp hơn hai lần, thêm hơn 800 tỉ đồng.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư có khuyết điểm

Tìm hiểu các dự án trên cũng như nhiều dự án khác được chỉ định thầu, Thanh tra Chính phủ kết luận: Nhiều gói thầu, dự án thuộc trường hợp không áp dụng chỉ định thầu nhưng vẫn được các bộ, ngành, địa phương đề nghị Thủ tướng cho chỉ định thầu. Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư khi thẩm định đã không phát hiện, tham mưu, đề xuất Thủ tướng chấn chỉnh. Chưa kể năm 2009, Bộ có văn bản hướng dẫn không chặt chẽ khiến một số dự án chưa có quyết định đầu tư, chưa được bố trí vốn, chưa có thiết kế kỹ thuật và dự toán được duyệt… nhưng vẫn được trình Thủ tướng xin chỉ định thầu. Các dự án này cũng không được bộ phân tích, làm rõ, kiến nghị Thủ tướng hướng xử lý.

Cũng theo kết luận thanh tra, các dự án nằm trong danh mục chỉ định thầu chủ yếu thuộc diện dùng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ và hầu hết chỉ được bố trí 20%-60% giá trị gói thầu. Khi trình văn bản xin phép chỉ định thầu, các bộ, ngành, địa phương đều cam kết về bố trí vốn nhưng khi đi triển khai lại không thực hiện đúng. Một số dự án vượt quá khả năng thực tế, không thể tập trung đủ nguồn lực từ trung ương và địa phương khiến dự án không thể thực hiện được hoặc bị kéo dài quá lâu nhưng lại lấy đó làm căn cứ xin chỉ định thầu, rồi yêu cầu nhà thầu ứng vốn thi công là sai quy định.

Thanh tra Chính phủ kết luận: Các khuyết điểm, vi phạm nói trên liên quan đến nhiều bộ, ngành, địa phương, trong đó có trách nhiệm của bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư và cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu thuộc Bộ.

Thanh tra Chính phủ kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành đã chỉ định thầu sai chỉ đạo của Thủ tướng tiến hành kiểm điểm; rà soát lại các gói thầu có dấu hiệu không minh bạch trong chỉ định thầu, tạm ứng sai quy định, bất hợp lý, gây thiệt hại ngân sách để báo cáo Thủ tướng.

Theo Nghĩa Nhân
Pháp luật Việt Nam

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG