Ồ ạt phát mại bất động sản

Ồ ạt phát mại bất động sản
Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất, các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản.

Ồ ạt phát mại bất động sản

Ồ ạt phát mại bất động sản ảnh 1

Thị trường đóng băng, ngân hàng thúc nợ, không chỉ chủ đầu tư dự án mệt mỏi mà nhiều nhà đầu tư bất động sản (BĐS) thứ cấp cũng lâm vào tình cảnh khó khăn và buộc phải bán tháo ra sản phẩm, thậm chí nhân viên ngân hàng tự rao bán luôn tài sản BĐS thế chấp.

Bỏ cọc

Một thông tin râm ran trong giới môi giới BĐS là tháng trước, hàng loạt nhà đầu tư phía Bắc đã bỏ tiền đặt cọc khi không tham gia mua nền đất một dự án ở Đồng Nai.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS cho biết các chủ đầu tư hiện nay khi bán hàng, nhất là sản phẩm nền đất thường cho khách hàng đặt cọc giữ chỗ. Đây cũng là cách để chủ đầu tư kiểm tra sức mua thị trường. Khi thấy khách hàng xuống tiền giữ chỗ đông thì chủ đầu tư mới tổ chức bán sản phẩm.

“Vừa qua có một dự án đất nền ở Đồng Nai dù có nhiều khách hàng xuống tiền (khoảng 50 triệu đồng) đặt cọc giữ chỗ nhưng khi mở bán, nhiều người không tham gia và chấp nhận mất tiền cọc. Lý do là khách hàng khó khăn về dòng vốn và cảm nhận lướt sóng không có lãi” - ông này cho biết.

Tổng giám đốc một công ty BĐS ở khu Nam nói sức mua thị trường hiện suy giảm do phần lớn các nhà đầu tư thứ cấp (mua đi bán lại) không tham gia vì họ cũng quá khó về thanh khoản.

“Trước đây một dự án căn hộ, nền đất nào đưa ra thị trường chủ đầu tư cũng ưu tiên bán đợt 1 cho các nhà đầu tư thứ cấp. Có nhiều nhóm đầu tư mua sỉ nguyên sàn hay mấy chục lô đất để bán lại. Nhưng giờ đây nhóm các nhà đầu tư này không còn nữa do khó khăn về nguồn vốn và mua vào phải ôm vì bán ra không được” - vị tổng giám đốc cho biết.

Không chỉ căn hộ, đất nền dự án mà nhiều nhà đầu tư các sản phẩm BĐS khác như nhà phố, nhà riêng lẻ cũng ôm trái đắng đang tìm mọi cách bán ra bằng mọi giá.

Giám đốc một sàn giao dịch BĐS ở quận 3, TP.HCM cho biết chỉ cần nhìn vào việc ngưng hoạt động, giải thể của các sàn môi giới thời gian gần đây là biết khách hàng đang chán BĐS như thế nào và ít người nghĩ mua vào lúc này.

Ngân hàng gia tăng siết nợ

Thị trường đang chứng kiến làn sóng nhà đầu tư bán tháo BĐS ra và nguồn cơn chủ yếu là do ngân hàng đẩy mạnh thu hồi nợ.

Thông tin với phóng viên, bộ phận pháp chế nhiều ngân hàng cho biết đang đẩy mạnh hoạt động thanh lý hợp đồng vay quá hạn, bán phát mại tài sản thế chấp là BĐS khi người vay không còn khả năng thanh toán.

Trên nhiều trang mua bán, rao vặt về nhà đất các cụm từ trả nợ vay, đáo hạn, nợ ngân hàng cần bán gấp BĐS… được đăng nhan nhản. Thực tế không chỉ đợi ngày phát mại tài sản mà hiện nhiều chi nhánh ngân hàng còn cho nhân viên tự định giá các tài sản thế chấp bằng nhà đất và rao bán giùm cho người vay để thu hồi vốn.

Ngày 8-12, nhân viên một chi nhánh ngân hàng ở huyện Nhà Bè, TP.HCM kể rằng mấy hôm nay anh phải tự bỏ tiền túi đăng báo để bán một căn nhà ở xã Phước Kiển, Nhà Bè cho khách hàng. Căn nhà này diện tích khoảng 170 m2 trước đây giá khoảng 2 tỉ đồng giờ bán 1,3 tỉ đồng và anh đăng nội dung bán là nợ quá hạn ngân hàng, cần tiền bán gấp chứ không đăng thông tin mua bán chung chung.

Ông Lưu Trường Hận, Trưởng phòng Pháp chế Ngân hàng Phương Đông, cho hay hiện nay bộ phận của ông phụ trách đang xử lý nhiều hợp đồng vay thế chấp bằng BĐS đến ngày đáo hạn. Số lượng hợp đồng kiểu này đến hạn phải xử lý đang gia tăng nhiều. Đây là thực tế vì năm nay thị trường BĐS, kinh tế vĩ mô quá khó khăn nên nợ quá hạn gia tăng.

“Tôi cho rằng ngân hàng phát mại tài sản thế chấp bằng BĐS là phương án hợp lý nhất. Dù cho giá bán không như kỳ vọng nhưng việc này giúp ngân hàng thu hồi khoản cho vay, còn người vay thoát khỏi việc trả lãi suất cao” - ông Hận nói.

Theo PL TPHCM

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
Ngừng phiên tòa tranh chấp liên quan đến Hoa hậu Lê Hoàng Phương
TPO - Sau khi xuất hiện bằng chứng mới, Hội đồng xét xử quyết định tạm dừng phiên tòa  tranh chấp Hợp đồng quảng bá thương hiệu giữa Ban tổ chức cuộc thi Miss Grand Vietnam 2023 (BTC) và Công ty Cổ phần Bệnh viện Phẫu thuật thẩm mỹ Nam An (Bệnh viện Nam An), trong đó Hoa hậu Lê Hoàng Phương tham gia tố tụng với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.