Phải minh bạch ngay từ khi mua nhà

Phải minh bạch ngay từ khi mua nhà
TP - Tranh chấp cũ chưa được giải quyết, lại bùng phát khiếu kiện mới. Hàng chục vụ việc được khiếu nại lên nhiều cấp, ngành mà chưa biết bao giờ mới được xử lý. Hàng trăm toà nhà cao tầng diện tích chung-riêng cực kỳ tù mù đang đẩy mâu thuẫn tại đây lên cao mà vẫn rối cách xử lý.

> Quản lý chung cư cao tầng-thực trạng và giải pháp

Quản lý, vận hành khu căn hộ Keangnam từng gây tranh chấp kéo dài. Ảnh: M.Tuấn
Quản lý, vận hành khu căn hộ Keangnam từng gây tranh chấp kéo dài. Ảnh: M.Tuấn.

“Ngấm đòn” chung cư

Nói về thực trạng quản lý nhà chung cư tại Hội nghị Quản lý chung cư cao tầng-thực trạng và giải pháp diễn ra hôm qua tại Hà Nội, ông Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng VN thừa nhận bản thân và nhiều nhà lãnh đạo ngành xây dựng đã thật sự ngấm đòn.

Ông Liêm dẫn ra câu chuyện hàng trăm khu nhà chung cư cũ trước đây bị cơi nới, lấn chiếm, biến dạng khắp nơi có nguyên nhân từ kiểu quản lý sai lầm.

“Nhà đi thuê của nhà nước nên mấy ai quan tâm đến quản lý, bảo trì. Nhìn những khu nhà xuống cấp tôi thấy đau lắm” - ông Liêm nói.

Cũng theo ông Liêm, đang có tình trạng thiếu rõ ràng, minh bạch trong xác định sở hữu với diện tích đất chung trong khuôn viên dẫn đến tình trạng nhiều chủ đầu tư tự ý quây rào khai thác kinh doanh . Tuy nhiên, quản lý chung cư dường như vẫn đang hết sức bối rối với hàng loạt vấn đề thực tiễn đặt ra.

Ông Nguyễn Thế Hùng, Giám đốc Sở Xây dựng cho biết, tranh chấp tại chung cư đang tập trung vào một số nội dung như: xác định diện tích sở hữu chung - riêng; chất lượng nhà ở; phí dịch vụ quản lý vận hành chung cư; bảo hành, bảo trì nhà; các dịch vụ độc quyền cung cấp cho chung cư.

Ông Nguyễn Trọng Hiền, Trưởng phòng quản lý nhà (Sở Xây dựng) cho hay, mô hình nhà chung cư đang phát triển hết sức đa dạng, không chỉ có nhà ở mà có cả siêu thị, văn phòng cho thuê, nhà mẫu giáo và nhiều dịch vụ khác trong khi rất thiếu các văn bản hướng dẫn quản lý cụ thể.

Trong một khu đô thị mới cũng có rất nhiều hạng mục khác nhau, nhiều hình thức sở hữu. “Bên cạnh chung cư thương mại, thành phố đang phát triển mạnh quỹ nhà xã hội, nhà thu nhập thấp, nhà cho cán bộ công chức thuê nhưng quy định về vận hành, xử lý những tình huống phát sinh chưa có”- ông Vũ Ngọc Đạm, Trưởng phòng Phát triển nhà (Sở Xây dựng) phản ánh.

Ngoài ra, kết quả nghiên cứu của Sở Xây dựng cho thấy, nhiều thông tin chưa rõ ràng khi giao dịch mua bán nhà. Nhiều người không hiểu rõ những nội dung của hợp đồng...

Khẩn trương sửa Luật Nhà ở

Để giảm tình trạng tranh chấp leo thang tại nhiều khu chung cư, ông Phạm Sỹ Liêm kiến nghị cần phải rõ ràng, minh bạch giữa người mua nhà và chủ đầu tư ngay từ khi đặt bút ký hợp đồng mua nhà, nhất là diện tích sở hữu chung riêng, quản lý khai thác.

Ông Nguyễn Mạnh Hà, Cục trưởng Cục quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng cho biết) Bộ Xây dựng sẽ đề nghị sửa đổi ngay Luật Nhà ở trong năm 2013.

Cần sửa đổi, bổ sung vào Luật Nhà ở vấn đề minh bạch thông tin khi mua nhà, quy định rõ về nơi đỗ xe như bán hẳn hoặc cho thuê. Sẽ có nhiều mô hình quản lý, vận hành để người dân lựa chọn.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.