Phát triển nhà ở HN: Nhiều doanh nghiệp vay tiền để làm gì?

Phát triển nhà ở HN: Nhiều doanh nghiệp vay tiền để làm gì?
Ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội liên tục “soi” và chỉ ra các lỗi cơ bản, các vấn đề trong các báo cáo của một số sở, ngành.
Tòa nhà TNT ở KĐT Kiến Hưng đã được bán hết nhưng chủ đầu tư đề xuất vay hàng trăm tỷ đồng
Tòa nhà TNT ở KĐT Kiến Hưng đã được bán hết nhưng chủ đầu tư đề xuất vay hàng trăm tỷ đồng.

Cuộc họp bàn của Hà Nội mới đây về phát triển nhà ở đến năm 2020, tiến độ đầu tư xây dựng nhà ở tái định cư, nhà thu nhập thấp và nhà ở xã hội – đã bộc lộ hàng núi vướng mắc liên quan đến xây dựng các loại nhà chung cư ở Thủ đô. Đến độ, ông Nguyễn Văn Khôi – Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội liên tục “soi” và chỉ ra các lỗi cơ bản, các vấn đề trong các báo cáo của một số sở, ngành.

Nhanh “ế” hàng, chậm kêu “đói” vốn

Đó là thực trạng lần lượt của hai loại nhà ở xã hội và nhà tái định cư trên địa bàn Hà Nội. Khu đô thị Việt Hưng (quận Long Biên) được xây dựng theo đề án thí điểm nhà ở xã hội giai đoạn 2007 – 2010. Hai dự án trong khu đô thị này gồm nhà cho thuê tại ô đất CT19 (BQL dự án nhà tái định cư – Sở Xây dựng làm chủ đầu tư) và nhà cho thuê mua tại CT21 (Công ty TNHH MTV Quản lý và phát triển nhà Hà Nội làm chủ đầu tư), đều được hoàn thành khá sớm (năm 2011) để đưa vào sử dụng.

Nhu cầu nhà ở của người dân đang rất cao, song, đến nay, trong tổng số 515 căn ở CT19 mới có 270 căn được bàn giao cho các hộ gia đình, còn 178/300 căn tại CT21 còn đang trong giai đoạn trình, xét duyệt của các cơ quan quản lý. Nghĩa là nhà vẫn bỏ không cả năm trời, dù nhu cầu chỗ ở thì rất lớn.

Theo báo cáo của Sở Xây dựng, Hội đồng xét duyệt thành phố đã có văn bản đề nghị thành phố chấp thuận cho phép phân bổ số căn hộ còn lại của CT19 cho các Sở, ngành vì “một số đơn vị không có nhu cầu” và được UBND TP Hà Nội đồng ý trong tháng 4-2012. Ngoài ra, để giải quyết vướng mắc chuyện đóng tiền lần đầu rồi… thôi đang xảy ra với 52 hộ gia đình thương binh liệt sĩ, thành phố đã có văn bản tăng tỷ lệ nộp tiền lần đầu lên 80% giá trị nhà ở, số tiền còn lại trả dần trong 10 năm.

Đối với 53 dự án nhà tái định cư đang triển khai, Sở Xây dựng cho biết, các chủ đầu tư lấy lý do chậm thanh toán vốn, giá cả vật tư thay đổi, phải điều chỉnh lại tổng mức đầu tư để kéo dài thời gian hoàn thiện và bàn giao. Đa số các dự án theo đúng tiến độ phải bàn giao nhà từ năm… 2006, 2007, nhưng đến nay nhiều dự án vẫn chưa hoàn thành. Hiện Hà Nội đã hoàn thành 12.073 căn hộ tái định cư. Quỹ nhà ở này chậm phát triển ảnh hưởng nhiều đến vấn đề giải phóng mặt bằng các dự án khác, gây tâm lý bất ổn trong đời sống của người dân.

Ít tiền cũng làm chủ đầu tư?

Vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp (nhà TNT) còn “hâm nóng” cuộc họp hôm 9/5 hơn nữa, đặc biệt khi đại diện Sở Xây dựng thông tin về việc các chủ đầu tư đề xuất vay vốn năm 2012 với mục tiêu đều na ná nhau là “đảm bảo tiến độ dự án”. Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội gần như phản ứng tức thì với chuyện vay vốn này, yêu cầu các sở, ngành làm rõ về vốn đối ứng tối thiểu của chủ đầu tư (20%) và kiểm tra năng lực tài chính của họ. Và quả nhiên, vấn đề ông Nguyễn Văn Khôi nghi ngại là hoàn toàn có lý. Với kiểu đầu tư “làm 1 đồng, vay 1 đồng” thì không biết tiền đi đâu?

Cụ thể, Hà Nội hiện có 10 dự án nhà TNT, trong đó có dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2012, nhiều dự án đã ký hợp đồng bán căn hộ với khách hàng, một vài dự án vẫn trong giai đoạn triển khai. Hầu hết các chủ đầu tư đều đề xuất vay số lượng tiền khá lớn so với tổng mức đầu tư, chưa kể đến việc họ đã bán được nhà – cũng là một hình thức huy động vốn phục vụ dự án. Ví dụ, dự án 3 tòa nhà TNT ở lô CT02 – KĐT Kiến Hưng (Hà Đông) do Vinaconex Xuân Mai làm chủ đầu tư với tổng mức 565 tỷ đồng. Hiện họ đã bán hết cả 864 căn hộ nhưng vẫn đề xuất vay vốn tới 300 tỷ đồng cho năm 2012.

Chưa hết, dự án nhà TNT của Tổng công ty Viglacera tại Đại Mỗ (Từ Liêm) với tổng mức đầu tư hơn 96 tỷ đồng chỉ 3 tháng nữa hoàn thành. Công ty này đã bán được 118/124 căn hộ cho khách hàng và hiện đề xuất vay vốn tới hơn 58 tỷ đồng cho năm 2012. Nhiều dự án khác cũng vay cả trăm tỷ đồng trở lên. Trường hợp như Tổng công ty ĐT&PT nhà Hà Nội (Handico) thì như “món lạ” khi chỉ đề xuất vay 30 tỷ/1.400 tỷ đồng tổng mức đầu tư, một phần vì họ mới ở giai đoạn GPMB.

Trước vấn đề này, ông Nguyễn Văn Khôi đã chỉ đạo Sở Xây dựng phối hợp với Sở Tài chính kiểm soát từng dự án của các chủ đầu tư để kiểm tra khối lượng công việc, tiến độ thực hiện, tương ứng với số vốn nhằm minh bạch các khoản vay, kiểm tra năng lực của chủ đầu tư dự án.

Theo Việt Nguyễn
giadinh.net

Theo Đăng lại
MỚI - NÓNG