Quyền lực trong quản lý quy hoạch thuộc về ai?

Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT “vênh nhau” trong Dự thảo Luật Quy hoạch. Ảnh minh họa internet
Bộ Xây dựng và Bộ KH&ĐT “vênh nhau” trong Dự thảo Luật Quy hoạch. Ảnh minh họa internet
TPO - Tại hội thảo về Luật quy hoạch mở rộng tổ chức sáng 4/4, Thứ trưởng Đặng Huy Đông cho biết, một số ý kiến cho rằng Bộ KH&ĐT xây dựng Luật Quy hoạch để kéo lợi ích từ quy hoạch về cho Bộ. Hơn nữa, đâu đó còn nổi lên câu chuyện “quyền lực trong quản lý quy hoạch sẽ thuộc về ai?”

“Chúng tôi lên tiếng chia sẻ, giải trình những thắc mắc để làm rõ bản chất việc xây dựng Luật Quy hoạch cho người dân và dư luận hiểu rõ hơn. Xây dựng Luật quy hoạch vì lợi ích quốc gia, sự phát triển của đất nước”, ông Đông nói.

Theo lãnh đạo Bộ KH&ĐT, xây dựng Luật Quy hoạch nhằm giải quyết tình trạng lãng phí, chồng chéo và loại bỏ những quy hoạch không cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, trong quá trình xây dựng Luật Quy hoạch “đụng chạm” đến lợi ích của nhiều bộ ngành, dẫn đến sự “vênh” nhau giữa các bộ ngành.

Một trong những điểm “vênh” nhau đó là việc Bộ Xây dựng có văn bản gửi Thủ tướng Chính Phủ báo cáo rõ hơn một số vấn đề trong Dự thảo Luật Quy hoạch. Trong đó, cho rằng Dự thảo không quy định về quy hoạch xây dựng là thiếu sót lớn.

Theo Kiến trúc sư Trần Trọng Hanh, nguyên Vụ trưởng quy hoạch và kiến trúc (Bộ Xây dựng), trên thế giới từ xưa đến nay không có quy hoạch xây dựng. Quy hoạch xây dựng ra đời ở nước ta từ những năm 1990 là hệ quả của thể chế quy hoạch quá độ từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu, bao cấp, chuyển sang nền kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa. Vì vậy đến nay không còn phù hợp.

Phân tích về đề nghị bổ sung quy hoạch xây dựng vào Dự thảo Luật Quy hoạch, TS Phạm Sĩ Liêm cho rằng, Luật Quy hoạch đã kế thừa Luật xây dựng và không gây xáo trộn không cần thiết.

“Tôi nghĩ có thể đáp ứng đề xuất của Bộ Xây dựng bằng cách bổ sung mục tiêu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vào định nghĩa quy hoạch”, ông Liêm nói.

Theo TS Phạm Sỹ Liêm, Bộ xây dựng đề cập đến kết quả quy hoạch xây dựng do Luật Xây dựng đem lại nhưng chỉ là số lượng quy hoạch đã lập chứ chưa phải là hiệu lực và hiệu quả của các quy hoạch đó. Trong khi đó từ đại biểu Quốc hội đến báo chí và người dân đều lên tiếng về quy hoạch treo, về băm nát quy hoạch đô thị, nhà siêu mỏng, siêu méo, cao ốc gây tắc nghẽn giao thông đô thị…

MỚI - NÓNG