Siêu dự án Happy Land bán một phần để trả nợ

TPO - Đại diện dự án Happyland cho rằng, số tiền dự án bán một số hạng mục cho đối tác lớn hơn rất nhiều số tiền nợ. Do đó, dự án vẫn đủ tiềm lực kinh tế để xây dựng siêu dự án lớn nhất Đông Nam Á.

Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Điệp - Giám đốc truyền thông Tập đoàn Khang Thông cho rằng: “Các hạng mục mà dự án khởi động đều nằm trong danh mục được phê duyệt xây dựng. Tháng 7/2017, Tập đoàn Vina Oscar Hotel ký hợp đồng mua lại 88% cổ phần hạng mục khu giải trí 305 ha trong dự án Happyland với mức giá 668 triệu USD, số tiền bán cho đối tác lớn hơn rất nhiều so với khoản tiền phải thi hành án. Các thủ tục pháp lý, nghĩa vụ thuế, bồi thường giải phóng mặt bằng, đóng tiền sử dụng đất 1 lần cho 50 năm, san lấp mặt bằng hơn 318 ha… đã hoàn thành. Thời gian tới chúng tôi sẽ giải quyết dứt điểm khoản tiền trên và hoàn thiện các hạng mục để đưa dự án vào hoạt động”.

Siêu dự án Happy Land bán một phần để trả nợ ảnh 1 Happyland khởi công các công trình trọng điểm

Thông tin về khoản nợ 800 tỷ đồng do Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng và phát triển hạ tầng Phú An (Công ty Phú An) thuộc Công ty Cổ phần Tập đoàn Khang Thông nợ ngân hàng và các tổ chức, ông Nguyễn Văn Gấu - Cục trưởng Cục thi hành án Dân sự tỉnh Long An, hiện các chấp hành viên đang kiểm tra và nắm lại thông tin về việc chủ đầu tư khởi công dự án. Còn tài sản đang kê biên có bị thay đổi hay không thì phải qua quá trình kiểm tra mới có thể biết được. Có thông tin thì sẽ trả lời cho báo chí.

Như Tiền Phong đưa tin, tháng 5 vừa qua, Chi cục Thi hành án tỉnh Long An ra thông báo cưỡng chế tài sản tại Happy Land. Sau đó doanh nghiệp này có đơn xin hoãn với lý do đã tìm được đối tác sang nhượng cổ phần của doanh nghiệp lấy tiền trả nợ.

Ngày 18/11, chủ đầu tư dự án Happyland cho biết hiện đang cùng các đơn vị tư vấn tên tuổi như Steelman Partners, Meinhardt, Savills, PWC để hoàn thành chặng đường còn lại của siêu dự án lớn nhất Đông Nam Á.           

Nằm bên bờ sông Vàm Cỏ Đông với lối đi dọc bờ sông dài 3.700m, thuộc huyện Bến Lức, tỉnh Long An, cách trung tâm TPHCM 20 phút lái xe, cách cửa khẩu biên giới Campuchia khoảng 30 km. Dự án được Thủ tướng chính phủ phê duyệt năm 2009, thiết kế cho khoảng 14 triệu lượt khách đến tham quan mỗi năm.

Các công trình đa dạng như trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao hơn 1.000 phòng, khu resort, công viên nước, khu văn hóa Việt Nam…

Siêu dự án Happy Land bán một phần để trả nợ ảnh 2

Bà Phan Thị Phương Thảo (phải) chủ đầu tư dự án Happyland cùng đại diện đơn vị hợp tác

Các hạng mục đã hoàn thành phần như: Khu văn hóa Việt Nam (40ha), giới thiệu khách du lịch trong và ngoài nước với kiến trúc, văn hóa dân gian, ẩm thực 3 miền đất nước, với chợ nổi đặc trưng sông nước Tây Nam bộ, điệu hò Huế, quan họ Bắc Ninh. Ngoài ra, khu trường đua xe mô tô, ô tô theo tiêu chuẩn quốc tế đầu tiên ở Việt Nam (hơn 30 ha) với 12 loại hình đua xe khác nhau. 

Ông Nguyễn Thanh Cang - Phó Chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Long An cho biết: “Dự kiến các hạng mục sẽ được đưa vào sử dụng vào năm cuối 2018 và khi dự án hoàn thành chắc chắn sẽ tăng nguồn ngân sách của tỉnh, tạo sự chuyển biến kinh tế vùng và giải quyết việc làm cho hơn 10 ngàn lao động tại chỗ. Happyland Việt Nam, tiếp tục xây dựng các hạng mục trọng điểm”.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.