Sổ đỏ cũ có phải đổi sau quy định ghi tên thành viên gia đình?

Sổ đỏ cũ có phải đổi sau quy định ghi tên thành viên gia đình?
TPO - Theo thông tư của Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT), từ ngày 5/12/2017, trên sổ đỏ phải ghi đầy đủ tên thành viên gia đình. Quy định này khiến nhiều người đặt dấu hỏi liệu sổ đỏ cấp trước ngày 5/12 có phải đổi lại?

Cụ thể, Thông tư số 33/2017 đã sửa đổi, bổ sung Điểm c Khoản 1 Điều 5 Thông tư số 23/2014 của Bộ TN&MT quy định: “Hộ gia đình sử dụng đất thì ghi “Hộ gia đình, gồm ông” (hoặc “Hộ gia đình, gồm bà”), sau đó ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình… 

Trường hợp chủ hộ gia đình không có quyền sử dụng đất chung của hộ gia đình thì ghi người đại diện là thành viên khác của hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất của hộ gia đình. 

Dòng tiếp theo ghi “Cùng sử dụng đất, cùng sở hữu tài sản gắn liền với đất (hoặc Cùng sử dụng đất hoặc Cùng sở hữu tài sản) với … (ghi lần lượt họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất). 

Trước việc Thông tư 33/2017 đã bổ sung thêm đối tượng là “những thành viên còn lại trong hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất” vào trong sổ đỏ, nhiều người đặt câu hỏi, những trường hợp sổ đỏ đã làm trước đó và chỉ đứng tên một người trong gia đình thì sao, có bắt buộc đổi sang sổ mới theo quy định của Thông tư mới?. 

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 23/11, một lãnh đạo Sở TN&MT Hà Nội cho biết, sau khi Thông tư 33 có hiệu lực pháp luật, những hộ dân được cấp sổ đỏ trước ngày 5/12/2017 không phải đi làm thủ tục đổi sổ đỏ, mọi giao dịch vẫn được thực hiện bình thường và không bị ảnh hưởng. Dự kiến, trong tuần tới, Bộ TN&MT sẽ có hướng dẫn cụ thể đối với các Sở TN&MT về việc thực hiện Thông tư 33. 

Trước đó, ông Mai Văn Phấn, Phó Cục trưởng Cục Đăng ký Đất đai (Tổng cục Quản lý đất đai- Bộ TN&MT) cho rằng, quy định ghi tên các thành viên sẽ giúp khắc phục những tồn tại trong thực tế triển khai thi hành Luật đất đai như tranh chấp, mâu thuẫn về quyền sử dụng đất giữa các thành viên trong hộ gia đình khi thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất; do khi xác lập quyền sử dụng đất của hộ gia đình chưa xác định rõ các thành viên có chung quyền sử dụng đất nên không có đầy đủ cơ sở pháp lý để xử lý tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất, cũng như giải quyết các quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến đất đai của hộ gia đình.... 

Quy định nêu trên sẽ bảo đảm chặt chẽ về mặt pháp lý, cụ thể hơn về mặt chủ thể có quyền sử dụng đất. Điều này không tạo ra các khó khăn hay rào cản mà còn giảm những rủi ro cho người sử dụng đất, minh bạch về tài sản, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của các thành viên có chung quyền sử dụng đất trong hộ gia đình.

MỚI - NÓNG