Thủ Thiêm cỏ mọc um tùm...

Thủ Thiêm cỏ mọc um tùm...
TP - Đã 10 năm kể từ ngày anh Lê Hồng N., 44 tuổi, di dời đến nhà mới để nhường đất cho dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, ngày ngày anh vẫn quay trở lại nơi mình ở trước đây để mưu sinh.

> Sài Gòn phát triển theo mô hình chùm đô thị
> Nhiều dự án BĐS tỷ đô 'bỏ của chạy lấy người'

Trước khi giao lại căn nhà 70m2 của mình ở phường Thủ Thiêm, quận 2, TPHCM, anh N. làm nghề đánh bắt cá. Bây giờ ngư phủ ấy sống trong một căn hộ tại chung cư Mỹ Thủy, phường Thạnh Mỹ Lợi, quận 2. Ngày nào anh cũng trở lại nơi ở cũ, nhưng không phải đánh cá mà chạy xe ôm.

Hộ bà Nguyễn Thị L. đến nay vẫn chưa chịu di dời đến nơi ở mới vì theo bà giá đền bù chưa hợp lý. Vậy là nhiều năm nay trên con đường qua phà Thủ Thiêm cũ, bà L. vẫn bám trụ lại để mở một quán nước nhỏ trước nhà. Ở phường Thủ Thiêm chỉ còn lại một vài hộ chưa chịu di dời như bà L. Bà L. bảo ban ngày còn có vài người qua lại, nhưng chiều xuống nơi đây như bãi hoang. Bà cũng không rõ sẽ còn ở đây đến khi nào.

4 tỷ đồng/ngày

Người đàn ông này đã di dời nhà để đất cho dự án Thủ Thiêm nhưng mấy năm nay vẫn trở lại nơi bến phà cũ để mưu sinh
Người đàn ông này đã di dời nhà để đất cho dự án Thủ Thiêm nhưng mấy năm nay vẫn trở lại nơi bến phà cũ để mưu sinh.
 

Báo chí nói mỗi ngày TPHCM phải chi trả trên dưới 4 tỷ đồng tiền lãi từ số tiền vay đổ vào dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, chi cho giải phóng mặt bằng, phát triển hạ tầng trong khi vẫn phải đôn đáo tìm nhà đầu tư hiện thực hóa các hạng mục tiếp theo.

Theo phó trưởng ban Nguyễn Lê Dũng, Thủ Thiêm “không phải là dự án”, bởi theo ông, chủ đầu tư là “nhà nước” (TPHCM).

Ông Dũng cho biết, đến nay đã hoàn tất chi bồi thường được 14.313/14.320 hồ sơ, tổng diện tích bồi thường là 713/719ha. Số chưa bồi thường, chưa thu hồi mặt bằng là 202 hồ sơ, trong đó có 185 hồ sơ bồi thường dù thành phố đã giải quyết hết mức, nhưng bà con vẫn chưa chấp nhận.

Ông Dũng nói rằng, các nhà đầu tư nhà tái định cư được UBND TPHCM chỉ định. Hiện khu tái định cư 38 ha đã có năm dự án (bốn dự án nhà ở và một dự án hạ tầng kỹ thuật đã được phê duyệt đầu tư), ba dự án đã khởi động, theo phương thức nhà đầu tư bỏ vốn ra xây dựng quỹ nhà, sau đó chuyển giao lại cho thành phố.

Nhưng đó mới chỉ là những dự án tái định cư. Những hợp phần quan trọng cấu thành hình hài một khu đô thị được so sánh với phố Đông của Thượng Hải, là trung tâm tài chính-thương mại-dịch vụ mới của TPHCM vẫn còn dở dang trong khâu kêu gọi đầu tư.

Khu đô thị (khác với khu tái định cư) gồm các dự án khu dân cư của Tập đoàn G.S E&C (Hàn Quốc) với diện tích khoảng 4ha, dự án công viên tri thức Việt - Nhật với diện tích trên 5,5ha và dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm.

Theo ông Dũng, do khó khăn về tài chính nên dự án tri thức Việt - Nhật cũng đang “cầm chừng”, tiếp tục “thương thảo”.

Về dự án công viên phần mềm Thủ Thiêm, đại diện Ban Quản lý khu đô thị mới Thủ Thiêm cho biết, dự án 15,9 ha này có vốn đầu tư 1,2 tỷ USD, được UBND TPHCM cấp giấy chứng nhận đầu tư ngày 11/6/2008, do Cty TNHH TA Associates Việt Nam đầu tư.

Đây là liên doanh giữa Cty CP Công nghệ viễn thông Sài Gòn (góp 20% vốn) và Cty TA Associates International, Pte. Ltd - Singapore. Tại thời điểm đó, đây là dự án công viên phần mềm lớn nhất Việt Nam. Ngày 19/7/2008, Cty TA Associates Việt Nam tổ chức lễ khởi công rầm rộ, nhưng sau đó liên doanh này “biến mất”.

TPHCM thu hồi dự án này năm 2011 và nay vẫn đang kêu gọi các nhà đầu tư khác đầu tư vào dự án.

Không dễ dàng

Trong bối cảnh kinh tế ảm đạm và thị trường bất động sản đóng băng, việc kêu gọi đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm không dễ dàng, nhiều chuyên gia nhận định. Trong khi đó, tiền đầu tư cho Thủ Thiêm được nói đến từ hai nguồn: ngân sách thành phố và tiền vay.

Ông Dũng cho hay, đến nay, ngân sách TPHCM tạm ứng và cấp cho Thủ Thiêm khoảng 9.000 tỷ đồng. Tiền vay khoảng 10.000 tỷ nữa. “Vay thì đương nhiên phải chịu lãi. Hiện nay chúng tôi vay ở các ngân hàng thương mại cổ phần mà nhà nước chi phối như Vietinbank và BIDV.

Tuy nhiên, lãi suất của chúng tôi vay thấp hơn các đơn vị khác”, ông Dũng nói. “Thấp hơn” ở đây là 8%/năm. Tất cả lãi vay, vốn vay phải được hạch toán phân bổ vào chi phí của khu đô thị Thủ Thiêm. Nguồn vay này phải lấy nguồn từ khai thác quỹ đất của Thủ Thiêm để hoàn trả. “Mỗi năm lãi gốc phải trả vài nghìn tỷ vì số lượng mình vay lớn. Lãi suất cũng là áp lực của khu đô thị Thủ Thiêm”, ông Dũng nói.

Theo ông Dũng, tổng thu đến thời điểm hiện nay khoảng 2.700 tỷ đồng, từ tiền sử dụng đất. Ông cho biết, nguồn vay để phục vụ bồi thường, xây dựng tái định cư và công trình trọng điểm. Tất cả nguồn vốn này mới đem lại hạ tầng để kêu gọi các nhà đầu tư.

Các nhà quản lý khu đô thị đang hy vọng sẽ sớm tìm được các nhà đầu tư đủ năng lực và một trong những nỗ lực giải quyết áp lực của dự án là hội nghị xúc tiến đầu tư, mở ra hôm 8/5. Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TPHCM, người có mặt tại hội nghị, tình hình kinh tế khó khăn, đặc biệt là bất động sản cũng có thể xem là cơ hội để các nhà đầu tư vào khu Thủ Thiêm vì dự án “đang đi đúng giá trị thực”.

Tuy nhiên, theo ông Châu, Thủ Thiêm vẫn chưa thu hút được đầu tư vì có những lý do chủ quan, lẫn khách quan. Ông cho rằng, hệ thống hạ tầng, đặc biệt là trục chính chưa hoàn chỉnh khiến rất khó thu hút đầu tư. Trong khi đó, mặc dù có cầu Thủ Thiêm, hầm vượt sông Sài Gòn được kỳ vọng làm cho thị trường nhà đất ở quận 2 sôi động lên, nhưng thực tế khi cầu và hầm đi vào hoạt động, thị trường đất vẫn chưa thể “nóng”.

Ngoài ra, giá đất để mời gọi đầu tư chưa hấp dẫn. “Để thu hút được đầu tư vào khu đô thị mới Thủ Thiêm, tôi kiến nghị nên giảm giá đất hợp lý. Chúng ta có thể chịu lỗ để lấy lời cho mục đích lâu dài”, ông Châu nói.

Không rõ sau hội nghị, sẽ có bao nhiêu nhà đầu tư quyết định đổ tiền vào Thủ Thiêm hay TPHCM sẽ có quyết sách gì để mang lại đột phá. Nhưng tại bến phà cũ, anh N. cùng mấy người bạn chạy xe ôm vẫn ngồi chờ khách cho đến tối.

Anh nói, từ ngày có hầm qua sông Sài Gòn, bến phà Thủ Thiêm ngưng hoạt động, chạy xe ôm cũng ế ẩm. “Đất thì chúng tôi giao từ nhiều năm nay, nhưng mỗi khi về lại nhà cũ, vẫn thấy bãi đất trống bỏ hoang, cỏ mọc um tùm”, anh bảo.

Đại diện Ban quản lý Khu đô thị mới Thủ Thiêm cho hay, những năm 1990, Thủ tướng chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng mặt bằng TPHCM đến năm 2020, trong đó có quy hoạch chung và định hướng phát triển về phía đông thành phố, có Thủ Thiêm và Thủ Đức. Khi làm quy hoạch, thành phố chọn một số nhà đầu tư triển khai dự án khu đô thị phía đông. Năm 2001, Ban quản lý Đầu tư-xây dựng khu đô thị Thủ Thiêm ra đời.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG