Thừa Thiên – Huế: Quy hoạch khu đô thị 3.400ha

Thừa Thiên – Huế: Quy hoạch khu đô thị 3.400ha
TPO - Ban quản lý dự án Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô vừa công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/2.000 khu đô thị Chân Mây, huyện Phú Lộc, tỉnh Thừa Thiên Huế.
Phối cảnh khu đô thị Chân Mây
Phối cảnh khu đô thị Chân Mây.

Quy hoạch Khu đô thị Chân Mây có diện tích khoảng 3.440 ha, với mục tiêu hướng đến xây dựng Khu đô thị hiện đại mang tầm quốc gia, quốc tế, hoàn chỉnh về cơ cấu chức năng, đồng bộ về hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội nhưng vẫn mang bản sắc riêng của kiến trúc, văn hóa Huế và vùng sinh thái tự nhiên ven biển. Bên cạnh đó, đây còn là một đô thị sinh thái, an toàn và thân thiện với môi trường.

Toàn bộ Khu đô thị được phân thành 2 khu vực lớn nằm về phía Bắc và Nam quốc lộ 1A. Trong đó, khu trung tâm của khu đô thị nằm về phía Bắc quốc lộ 1A có diện tích 2.095 ha gồm khu hành chính, phức hợp các tòa nhà thương mại, văn phòng, khu nhà ở và tái định cư. Khu đô thị kết hợp với khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao nằm về phía Nam quốc lộ 1A, có diện tích 1.344 ha.

Theo quy hoạch, đến năm 2025 dân số của khu đô thị là 130.000 người.

Toàn bộ khu đô thị Chân Mây được phân thành 2 khu vực lớn nằm về phía Bắc và Nam quốc lộ 1A. Trong đó, khu trung tâm của khu đô thị nằm về phía Bắc quốc lộ 1A có diện tích 2095 ha sẽ gồm khu hành chính, phức hợp các tòa nhà thương mại, văn phòng và khu nhà ở và tái định cư. Khu đô thị kết hợp với khu công nghệ cao, công nghiệp sạch và công nghiệp kỹ thuật cao nằm về phía Nam quốc lộ 1A, có diện tích 1344 ha.

Ý tưởng quy hoạch của Khu đô thị Chân Mây hướng đến là xây dựng Chân Mây trở thành một Đô thị sinh thái an toàn - an tâm, giàu có về con người và cây xanh. Đô thị thu hút được nguồn nhân lực ưu tú và các doanh nghiệp lớn, tăng sự năng động của khu kinh tế Chân Mây – Lăng Cô.

Điểm nổi bật của quy hoạch này là cấu trúc không gian đô thị không theo hướng dàn trải mà được phát triển theo mô hình nhiều khu chức năng liên kết hữu cơ trên cơ sở hệ thống đường đô thị được phân thứ bậc rõ ràng cùng với mạng lưới giao thông công cộng hiện đại, hiệu quả và mạng lưới đường đi bộ kết nối thuận tiện.

Đan xen giữa các khu chức năng và dọc theo các dòng sông, các kênh đào mới, thiết lập nhiều khu vực không gian xanh thông thoáng để đưa thiên nhiên vào trong đô thị. Trong đó, chú trọng hình thành môi trường tự nhiên với nhiều cây xanh, mặt nước, đặc biệt khai thác tầm nhìn đẹp hướng ra sông, biển.

Theo Viết
MỚI - NÓNG