Tiến độ rùa, nhà bỏ hoang

Những công nhân trẻ đầu tiên của KCN Bắc Thăng Long được ở khu nhà dành cho công nhân tại Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) Ảnh: Minh Tuấn
Những công nhân trẻ đầu tiên của KCN Bắc Thăng Long được ở khu nhà dành cho công nhân tại Kim Chung (Đông Anh, Hà Nội) Ảnh: Minh Tuấn
TP - Ông Nguyễn Xuân Chính – Trưởng Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Hà Nội cho biết, mặc dù nhu cầu nhà ở của công nhân rất cao nhưng đến nay dự án xây nhà cho công nhân mới triển khai được rất ít.

> Thị trường bất động sản: Sẽ có thêm những đợt hạ giá?

Theo ông Chính, đến nay nếu “tính cả cua trong lỗ” tức là gộp cả các dự án đang đầu tư thì tổng cộng Hà Nội mới có 11 dự án tương đương vỏn vẹn khoảng 6% khối lượng so với yêu cầu phải xây dựng 1,6 triệu m2 nhà ở dành cho công nhân tại các khu công nghiệp và chế xuất tại Hà Nội.

Theo Chương trình 06 của Thành ủy Hà Nội phê duyệt, giai đoạn 2011-2015, Hà Nội phải phát triển được 28.750 căn hộ, tương đương 1,6 triệu m2 nhà ở cho công nhân thuê nhưng đến nay các nhà đầu tư đã và đang đăng ký mới được 536.306 m2, đạt 33,5%.

Mặc dù nhu cầu thuê nhà của công nhân tại các KCN rất cao và số lượng dự án hoàn thành đưa vào sử dụng mới chỉ đếm trên đầu ngón tay nhưng lại có nghịch lý là nhiều căn hộ tại KCN Phú Nghĩa nằm trên huyện Chương Mỹ lại đang bị bỏ hoang!

Cụ thể, khu nhà đầu tiên (trong tổng số 5 toà nhà được chấp thuận đầu tư) dành cho công nhân KCN Phú Nghĩa đã hoàn thiện đưa vào sử dụng nhưng dù được mời chào ra rả, công nhân vẫn không mặn mà thuê 30% số căn hộ hiện còn trống.

Lý do công nhân không thuê là khu nhà nằm lọt thỏm giữa cánh đồng, thiếu đủ mọi tiện ích dịch vụ thiết yếu.

Nguyên nhân dự án xây nhà cho công nhân được triển khai chậm và quá nhiều vướng mắc, theo bà Tô Thị Hạnh, Tổng giám đốc Quỹ Đầu tư Phát triển thành phố Hà Nội, đó là vì cơ chế chính sách phát triển quỹ nhà công nhân còn quá nhiều bất hợp lý, doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư.

Bà Hạnh phân tích: Doanh nghiệp tham gia đầu tư được vay tối đa 70% vốn đầu tư xây lắp, lợi nhuận định mức là 10% là khá rủi ro! Vì dù doanh nghiệp bỏ ra 30% vốn cho cả dự án thì đây là số tiền không nhỏ mà lại phải thu hồi từ tiền thuê kéo dài hàng chục năm sau.

Một vướng mắc khác phải kể đến đó là đa số các địa điểm dự kiến xây dựng nhà ở công nhân đều chưa được phê duyệt quy hoạch chi tiết làm cơ sở lập dự án, thu hồi đất tạo quỹ đất sạch để đầu tư xây dựng. Quy hoạch chi tiết, quy hoạch phân khu còn thiếu tại nhiều nơi.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG