Tư nhân đầu tư 40.000 tỷ vào các dự án nhà tái định cư Hà Nội

Một dự án nhà tái định cư tại Hà Nội
Một dự án nhà tái định cư tại Hà Nội
TPO - Chủ tịch Hà Nội cho biết về lĩnh vực đầu tư tư nhân vào nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư của các dự án trên địa bàn, Hà Nội đã kêu gọi được số vốn 40.000 tỷ đồng.

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến tổng kết năm 2018 và triển khai nhiệm vụ năm 2019 của Bộ KH&ĐT sáng 16/1, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung cho biết, tháng 6 hàng năm, Hà Nội đều tổ chức hội nghị xúc tiến đầu tư, riêng năm 2018 Hà Nội đã thu hút các nhà đầu tư lớn, nhà đầu tư công nghệ cao, công nghệ sạch. Nguồn vốn FDI của Hà Nội đạt 7,5 tỷ USD cao nhất trong vòng 30 năm qua.

Đặc biệt, lãnh đạo Hà Nội cũng đồng tình với các cơ chế chính sách thực hiện kêu gọi xã hội hóa, các dự án mà đầu tư tư nhân có thể thực hiện được góp phần phát triển kinh tế, giảm bớt áp lực cho ngân sách.

Cũng theo Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đang kêu gọi chuyển đổi sang đầu tư tư nhân. Ví dụ như, toàn bộ hạ ngầm cáp viễn thông từ trước tới nay mỗi năm TP phải chi 1.000 - 2.000 tỷ đồng ngân sách nhưng đến nay đã có 5 tập đoàn là Viettel, FPT, EVN, CMC và VNPT đã bỏ ra 5.000 tỷ đầu tư vào toàn bộ hạ ngầm hệ thống cáp trên. Hà Nội cũng kêu gọi đầu tư tư nhân vào nhà ở thương mại phục vụ cho tái định cư của các dự án trên địa bàn. Riêng lĩnh vực này, Hà Nội đã kêu gọi được số vốn 40.000 tỷ đồng.

Xây dựng các quỹ đầu tư mạo hiểm cho khởi nghiệp

Hà Nội cũng đề xuất xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo kết nối với một số nước tiên tiến trên thế giới, từ đó có thể kết nối đưa ý tưởng sáng tạo của người Việt Nam ra thị trường thế giới. Xây dựng các Quỹ đầu tư mạo hiểm từ đó kêu gọi nguồn lực từ trong nước và quốc tế. Hiện, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung, Hà Nội đã xây dựng được hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo bước đầu cho ra mắt Cổng hệ sinh thái Starupcity.vn.

Một vấn đề nữa liên quan đến thu hút nguồn lực xã hội, lãnh đạo Hà Nội kiến nghị sớm có những hướng dẫn tháo gỡ khó khăn theo hình thức đối tác công tư (PPP); hiện nay có rất nhiều dự án đầu tư PPP, làm sao kêu gọi được nguồn vốn này cho phát triển hạ tầng.

Ông Chung kiến nghị Bộ KH&ĐT phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, hướng dẫn giúp Hà Nội và các địa phương về việc giải ngân vốn vay ODA theo tiến độ thực hiện dự án và hiệp định vay vốn đã ký kết. “Tiếp tục hướng dẫn, tháo gỡ kịp thời khó khăn vướng mắc trong giải quyết các thủ tục đầu tư với những dự án đặc thù để tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng, hấp dẫn, thu hút các nhà đầu tư”- Chủ tịch Hà Nội bày tỏ.

MỚI - NÓNG