Vi phạm 'khủng' ở Sóc Sơn: Hàng chục công trình chờ xử lý

Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Hoàng Lê Gia Garden
Tổ hợp biệt thự nghỉ dưỡng Hoàng Lê Gia Garden
TP - Huyện Sóc Sơn (Hà Nội) đã phê duyệt cưỡng chế 18 công trình ở xã Minh Phú trên tổng số 45 công trình “xẻ thịt” đất rừng tại địa bàn, trong đó 3 chủ công trình tự nguyện xin tháo dỡ. 27 công trình tại xã Minh Trí đang trong thời gian gửi hồ sơ để huyện xem xét, quyết định. 

Theo lãnh đạo huyện Sóc Sơn, xã Minh Phú có 18 công trình xây dựng xâm phạm vào đất rừng. Tất cả 18 công trình này đều nằm tại thôn Lâm Trường. Hiện có 3 chủ đầu tư của 18 công trình vi phạm là các ông bà Phạm Đức Thắng, Đỗ Việt Anh và bà Trần Thị Kim đã có văn bản đồng ý tự tháo dỡ. Đối với 15 công trình vi phạm còn lại, UBND huyện Sóc Sơn sẽ chỉ đạo các đơn vị chức năng sẽ tiếp tục tuyên truyền, vận động các hộ tự khắc phục hậu quả, tháo dỡ công trình xây dựng trái phép.

Bên cạnh đó, UBND huyện Sóc Sơn cũng chỉ đạo các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch, sẵn sàng phương án cưỡng chế công trình vi phạm trong trường hợp các hộ không chấp hành. Dự kiến, huyện Sóc Sơn sẽ xử lý dứt điểm các công trình vi phạm tại thôn Lâm Trường, xã Minh Phú trong tháng 11/2018.

Còn tại xã Minh Trí, xã đã gửi hồ sơ 27 công trình có sai phạm để chờ UBND huyện Sóc Sơn xem xét, quyết định. Sau khi có kết luận của huyện Sóc Sơn, địa phương này sẽ tiến hành xử lý đối với các công trình sai phạm.

Được biết, trong 27 công trình này, có 22 trường hợp nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ, còn 5 công trình nằm ngoài. Trong đó khu nghỉ dưỡng Hoàng Lê Gia Garden có quy mô “khủng” nhất sau khi xây dựng trên cơ sở đất mua gom của 13 hộ dân. Hiện công trình có bốn hạng mục với tổng diện tích xây dựng 717m2. Cơ quan chức năng xác định công trình Hoàng Lê Gia Garden xây dựng trên đất quy hoạch là vườn quả, thuộc hành vi sử dụng đất sai mục đích.

Người có trước rừng có sau?

Trao đổi với PV Tiền Phong ngày 2/11, ông Nguyễn Đình Cường (Trưởng thôn Minh Tân, xã Minh Trí) cho biết, người dân đang có đơn kiến nghị tập thể gửi lãnh đạo UBND thành phố Hà Nội về 27 công trình mà Hà Nội cho là sai phạm.

Theo đó, từ năm 1985 thực hiện chủ trương di dân đi xây dựng vùng kinh tế mới, UBND huyện Sóc Sơn đã có quyết định di dân các hộ gia đình vào thôn Minh Tân. Từ vùng núi trọc cằn cỗi, bà con đã khai hoang, trồng rừng để phủ xanh được rừng như hôm nay.

Người dân cũng đã nộp đầy đủ các loại thuế: Thuế đất ở, đất vườn, đất nông nghiệp từ trước đến nay. UBND cấp huyện, cấp xã cũng đã công nhận quyền có đất ở, đất vườn của người dân địa phương. Các văn bản xác nhận nguồn gốc đất ở, đất vườn, đất rừng của bà con Minh Tân được UBND xã và huyện xác nhận.

Ông Cường thừa nhận một số công trình được mua đi bán lại cho những người ngoài thôn, tuy nhiên đa phần các công trình đều được xây dựng trên hiện trạng nhà có sẵn của người dân. Do đó không thể nhìn vào đó mà phá bỏ toàn bộ được.  

Ông Dương Văn Nhuận, Chủ tịch UBND xã Minh Trí cho biết đối với 27 công trình mà Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội thông báo sẽ cưỡng chế tại buổi họp giao ban vừa qua vẫn chưa thực hiện cưỡng chế. Lý do bởi xã mới tổng hợp hồ sơ và gửi lên UBND huyện Sóc Sơn xử lý.

Theo ông Nhuận, các cấp đang thẩm định hồ sơ để xem xét các công trình này được xây dựng trên loại đất gì. Cấp xã đã xác định và báo cáo xong nguồn gốc đất, còn phân loại những công trình này xây dựng trên loại đất gì thì do cấp trên.

Tại phiên họp sáng 31/10 của UBND thành phố Hà Nội, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Chung chỉ đạo: “Trước tiên ra thông báo để các hộ dân tự tháo dỡ, nếu không thực hiện thì phải ra quyết định cưỡng chế, không để tồn tại các công trình vi phạm. Với các công trình vi phạm trước đó, cần thực hiện đúng theo kết luận của Thanh tra Chính phủ. Sau khi thanh tra toàn diện sẽ xem xét cụ thể trách nhiệm và xử lý nghiêm, bất kể là ai”.

MỚI - NÓNG
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
Thông tin mới về tình hình Ngân hàng SCB
TPO - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết: "SCB là một trong các ngân hàng có quy mô lớn, tổng tài sản lớn nên giải pháp để thực hiện và xử lý cũng đòi hỏi phải đủ vốn. Chúng tôi vẫn đang tiếp tục xây dựng một lộ trình để tái cơ cấu ngân hàng này từng bước và nghiên cứu khẩn trương giải pháp, cơ chế tạo điều kiện cho ngân hàng này từng bước ổn định, phục hồi hoạt động".