Vụ doanh nghiệp tiếp thanh tra 138 lần trong năm: Sau thanh tra vẫn... tắc

Dự án khu dân cư thương mại Hải Yến ở khu Nam TPHCM được thanh kiểm tra đến gần 50 lần nhưng vẫn chưa giải quyết được vướng mắc cho doanh nghiệp
Dự án khu dân cư thương mại Hải Yến ở khu Nam TPHCM được thanh kiểm tra đến gần 50 lần nhưng vẫn chưa giải quyết được vướng mắc cho doanh nghiệp
TP - Một năm doanh nghiệp tiếp 138 lần thanh kiểm tra nhưng điều đáng nói là sau khi kiểm tra, thanh tra, những vấn đề của doanh nghiệp nêu  lại…giậm chân tại chỗ, bế tắc và không được giải quyết. Đi sâu vào tìm hiểu, phóng viên báo Tiền phong còn được biết nhiều bất cập trong thanh kiểm tra, giải quyết kiến nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.

Thanh, kiểm tra rồi để đó…!?

Tại dự án khu dân cư thương mại Hải Yến ở khu Nam TPHCM, ông Lê Văn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Công ty Tư vấn Đô thị Phi Long cho biết, khi triển khai dự án này, chưa tính các đơn vị, cơ quan chức năng khác, riêng Ban quản lý khu Nam đã thực hiện 44 cuộc thanh kiểm tra. “Trong số 44 cuộc thanh kiểm tra thì có 39 cuộc thanh kiểm tra mang tính tích cực. Còn lại 5 cuộc kiểm tra khác do ông Hồ Trọng Hiếu, Phó Ban quản lý Khu Nam làm trưởng đoàn không mang tính tích cực. Cá biệt có văn bản ông Hiếu nêu nội dung kiểm tra, chỉ đạo về việc đuổi muỗi từ dự án này qua dự án khác”- ông Tuấn bức xúc.

Dự án này có diện tích gần 20 ha, trong quá trình triển khai có các vướng mắc về thủ tục, điều chỉnh quy hoạch. Trước đây, Công ty làm quy hoạch chi tiết 1/500 và cho các hộ dân tham gia góp vốn mua đất. Do phải điều chỉnh về qui hoạch và các phân khu chức năng của dự án, Ban giám đốc công ty đã phải làm lại các thủ tục và xin điều chỉnh. Tuy nhiên, công tác điều chỉnh liên tục gặp khó, bị “ngâm” dẫn đến tình trạng các cá nhân góp vốn, mua đất kiện công ty. Công ty lâm vào tình cảnh “trên không duyệt” còn “dưới thì bị khiếu kiện”. Dự án hiện nay vẫn phải hoang hóa, cỏ dại um tùm vì không xong thủ tục, dở dang.

Nhằm giải quyết các vướng mắc cho dự án, ông Nguyễn Văn Hồng, Phó chủ tịch huyện Bình Chánh đã kiểm tra công ty… 7 lần. Tất cả những kiến nghị của công ty và của người dân đều được ông Nguyễn Văn Hồng lắng nghe, tiếp thu. Nhưng suốt thời gian sau vẫn không được xử lý. UBND huyện Bình Chánh có lần ra văn bản yêu cầu công ty không được tiếp tục đầu tư, xây dựng thêm. Trong khi đó, UBND TPHCM đã nhiều lần có văn bản yêu cầu Công ty Phi Long phải đẩy nhanh đầu tư, hoàn tất đền bù để người dân được nhận đất và sinh sống.  

Theo lãnh đạo Công ty Phi Long, Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM cho kiểm tra 17 cuộc, thì có đến 40% cuộc thanh kiểm tra diễn ra buổi sáng nhưng chiều cùng ngày công ty mới nhận được… giấy mời hoặc thông báo. Đến như cấp cơ sở như UBND xã Bình Hưng, nơi dự án của Công ty đang triển khai đã bị UBND xã Bình Hưng cho thanh kiểm tra… 13 lần. “Khi kiểm tra, công ty có nêu các kiến nghị nhưng sau đó vẫn rơi vào im lặng”- ông Tuấn nói thêm. Ông Phùng Quốc Việt, Phó chủ tịch UBND xã Phong Phú, nơi có dự án của Công ty Phi Long, đã trực tiếp kiểm tra nhiều  lần. Nhưng theo đại diện công ty này hầu hết các lần kiểm tra này đều không được thông báo trước hoặc không có giấy mời đến công ty. 

Kiến nghị vẫn bị “ngâm”

Theo ông Tuấn, Công ty có văn bản đổi tên chủ đầu tư của dự án trên nhưng suốt 1 năm vẫn không được giải quyết. Trong khi thẩm quyền đổi tên chủ đầu tư của Dự án theo quy định của pháp luật là trong vòng 15 ngày khi công ty cung cấp đẩy đủ hồ sơ hợp lệ. 

Tại dự án Miếu Nổi, theo ông Tuấn đến nay gần 22 năm vẫn chưa xong, trong đó, các kiến nghị liên quan đến đời giám đốc trước vẫn chưa được cơ quan xử lý, giải quyết. Trước các vướng mắc, chậm trễ kéo dài của các dự án, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản số 5955/VPCP-V1 với nội dung:  Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình chỉ đạo giao Thanh tra Chính phủ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, UBND TPHCM và UBND TP Cần Thơ kiểm tra, xem xét nội dung liên quan đến ông Nguyễn Văn Tùng- nguyên giám đốc của công ty và một số cá nhân của về những sai phạm trong hoạt động kinh doanh, đề xuất biện pháp giải quyết.

Mặc dù, Phó Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản chỉ đạo trên, nhưng  đến nay vụ việc vẫn chưa được giải quyết dứt điểm những vướng mắc để công ty hoàn thành dự án. Chưa hết, tại khu đô thị Nam Thành phố, có 100 hộ dân vào lấn chiếm, xây dựng nhà ở không phép trên đất dự án khiến công ty không thể triển khai được dự án. Điều này dẫn đến dự án đã bế tắc lại càng bế tắc hơn.

Tại cuộc họp báo về tình hình kinh tế xã hội 5 tháng đầu năm 2019 của TPHCM mới đây, Đại biểu Phan Nguyễn Như Khuê, Phó đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM, cho biết: “Có một đơn vị một năm phải tiếp 138 cuộc làm việc của các đơn vị thanh tra, kiểm tra. Thậm chí, có hồ sơ nộp xin thẩm định, phê duyệt, có người nói nếu không có cái gì kèm theo thì bị hỏi tại sao phần “điểm hoa” không thấy có. Không có thì coi như hồ sơ bị ngâm đó”. Theo đại biểu này nếu không tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, sẽ có nhiều doanh nghiệp rời thành phố hoặc không chọn nơi đây để đầu tư.

Ngọc Lâm

MỚI - NÓNG