Xử lý tổ chức, cá nhân chậm giao đất dịch vụ cho dân

Xử lý tổ chức, cá nhân chậm giao đất dịch vụ cho dân
TP - Hàng ngàn hộ dân đang phải “hy sinh” đất nông nghiệp cho các dự án khu đô thị, khu công nghiệp. Tuy nhiên, chính sách giao đất dịch vụ hỗ trợ người dân của Hà Nội đang bị ách tắc.

> Thanh tra công tác giao đất dịch vụ

Nhiều dự án đất dịch vụ của Hà Nội chậm triển khai. Ảnh: N.H
Nhiều dự án đất dịch vụ của Hà Nội chậm triển khai. Ảnh: N.H.

Giao đất chỉ đạt 7,3% kế hoạch

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội Nguyễn Văn Hùng cho biết, tổng diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc tiêu chuẩn được giao đất dịch vụ là 6.535ha.

Nhu cầu giao đất dịch vụ cho các đối tượng quy định, với diện tích là 773,8 ha, với 66.790 hộ dân (vẫn còn thiếu hai huyện Mê Linh, Thanh Oai chưa tổng hợp).

Theo ông Hùng, diện tích đất đã có quyết định thu hồi để giao cho đất dịch vụ là hơn 726ha. Đến nay, diện tích đất hoàn thiện xong hạ tầng kỹ thuật là 231ha.

Tính đến ngày 15-8, các quận mới bố trí giao được khoảng 30,51ha, cho 4.787 hộ gia đình (đạt 7,3% kế hoạch phải thực hiện).

Dự kiến từ nay đến cuối năm, các quận huyện thành phố sẽ hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật 94,5 ha và giao bổ sung cho 7.397 hộ gia đình.

Ông Hà Huy Quang - Phó Chủ tịch UBND huyện Mê Linh (Hà Nội) cho biết, Mê Linh cần khoảng 30 ha đất dịch vụ giao cho dân. Phần lớn các hộ dân mất đất nông nghiệp cho các dự án khu công nghiệp.

“Chúng tôi đang đề nghị thành phố bố trí quỹ đất để giao cho dân. Thực tế, quỹ đất dịch vụ và tiền đầu tư cơ sở hạ tầng của địa phương cũng rất khó khăn”, ông Quang nói.

Đánh giá việc chậm tiến độ giao đất dịch vụ cho dân, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Văn Hùng cho rằng, nguyên nhân là do các sở ngành cũng chưa chủ động trong việc tổ chức tháo gỡ khó khăn về chính sách, cân đối nguồn ngân sách để đẩy nhanh việc xây đựng hạ tầng kỹ thuật cho địa phương.

Hơn nữa, khi phê duyệt phương án giao đất dịch vụ, hầu hết các địa phương đều chưa xác định được quỹ đất, chưa xác định được nơi giao đất.

Một số địa phương chưa xác định công tác giao đất dịch vụ làm nhiệm vụ quan trọng, nhằm góp phần tạo việc làm và thu nhập ổn định cho người dân bị thu hồi đất.

Xử lý tổ chức, cá nhân liên quan

Phó Ban chỉ đạo giải phóng mặt bằng Hà Nội, Bùi Văn Thông cho rằng, giải quyết đất dịch vụ cho dân, không ai khác ngoài chính quyền cơ sở. Họ phải làm việc một cách chủ động. Khi có những khó khăn vướng mắc họ phải đề xuất lên các cấp có thẩm quyền để cùng tháo gỡ.

“Chậm giao đất dịch vụ cho dân, lâu nay người ta vẫn thường đổ lỗi cho cơ chế, chính sách. Nói vướng mắc thuộc về cơ chế, nhưng cơ chế do ai xây dựng? Dân có phải là người làm ra chính sách đâu. Không thể đổ lỗi cho ai khác, mà chính chính quyền phải là người tháo gỡ việc này”, ông Thông nói.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Vũ Hồng Khanh cũng cho biết, công tác đấu giá quyền sử dụng đất, giao đất ở và đất dịch vụ trên địa bàn đạt rất thấp so với kế hoạch đề ra.

“Giao đất dịch vụ cho dân đạt thấp so với yêu cầu chủ yếu do trách nhiệm của UBND các quận, huyện, thị xã và các sở ngành liên quan”, ông Khanh cho biết.

Để khắc phục tình trạng trên, ông Khanh giao Sở Tài nguyên và Môi trường thanh tra công tác giao đất dịch vụ, đất ở tại các huyện Mê Linh, Từ Liêm, Quốc Oai.

Từ đó làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan việc chậm trễ thực hiện công tác này và đề xuất các biện pháp xử lý khắc phục, đẩy nhanh tiến độ thực hiện.

Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG