Toàn cảnh đầu tư Yên Bái 2017

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy

Thanh niên Yên Bái lên núi mở ruộng bậc thang làm kinh tế du lịch và tạo đất sản xuất cho dân
Thanh niên Yên Bái lên núi mở ruộng bậc thang làm kinh tế du lịch và tạo đất sản xuất cho dân
Bằng thế trận có bước đi cụ thể và mạnh dạn nhằm thay đổi diện mạo kinh tế xã hội, với lợi thế giàu tiềm năng du lịch văn hóa, Yên Bái đã thực sự đột phá ghi điểm trở thành đất lành cho nhà đầu tư vài năm gần đây. Ghi chép của Tiền Phong từ bức tranh nhiều màu sắc ở Tây Bắc.

Khi ông lớn Nippon Zoki Nhật Bản tìm đến Yên Bái rót 1.700 tỷ đồng đầu tư nuôi và chế biến thỏ năm 2015, giới đại gia trong nước và quốc tế đã có ngạc nhiên, thậm chí hồ nghi sức khả thi. Zoki thành công. Họ xác nhận Yên Bái là địa chỉ tuyệt vời đầu tư kinh tế nông nghiệp công nghệ cao. Năm 2016 hàng loạt dự án lớn do các tập đoàn kinh tế đầu tư vào Yên Bái đồng loạt triển khai. Hơn 16.000 tỷ đồng từ hàng chục dự án khởi động, trong đó nông nghiệp, du lịch, thương mại chiếm đa số. Tập đoàn Hoa Sen với Khu trung tâm thương mại, dịch vụ, khách sạn, nhà hàng và Tổ chức sự kiện 1.200 tỷ đồng; Tập đoàn Vingroup xây Trung tâm Thương mại, vui chơi giải trí và Nhà phố thương mại Shop - House 685 tỷ đồng; Tập đoàn Chân - Thiện - Mỹ có Trung tâm Giới thiệu sản phẩm du lịch và Xúc tiến thương mại 1.707 tỷ đồng. Cty Đầu tư và Thương mại MCC triển khai Dự án Tổ hợp kinh tế miền núi 1.250 tỷ đồng...

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 1

Mùa vàng Khau Phạ với dù lượn hấp dẫn du khách

Nhật Bản, Hàn Quốc liên tiếp đặt chân. Cty Seibu Kaihatsu đã khảo sát lĩnh vực nông nghiệp; Tập đoàn Solkiss bắt tay với dự án điện mặt trời trên hồ Thác Bà... Không phải ngẫu nhiên, mà điểm thu hút họ là việc cải cách thủ tục hành chính, đầu tư cơ sở hạ tầng đáp ứng cho phát triển và những cơ chế, chính sách ưu đãi cũng như khai thác lợi thế, tiềm năng của tỉnh khá hợp lý. Chính quyền Yên Bái nhất quán quan điểm phát triển phải đẩy mạnh công nghiệp gắn khai thác hiệu quả lợi thế thiên thời, địa lợi, nhân hòa bằng thế trận bài bản và cầu thị thái độ. Hằng tháng UBND tỉnh tổ chức “Cà phê doanh nhân - Chính quyền đồng hành cùng doanh nghiệp”, tạo gắn kết và lắng nghe, chia sẻ những khó khăn vướng mắc từ hai phía để ra quyết sách, sự hỗ trợ đắc lực, kịp thời doanh nghiệp. Dĩ nhiên Yên Bái không quên chú trọng quy hoạch hạ tầng giao thông, khu công nghiệp, khu đô thị, thông tin - viễn thông, đảm bảo đầy đủ yêu cầu của nhà đầu tư.

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 2

Hồ Thác Bà – Hạ Long trên núi, bức tranh thủy mặc tuyệt đẹp ở Tây Bắc

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 3

Những cô gái Thái trong đêm xòe Mường Lò

Yên Bái cung ứng qua đào tạo nghề khoảng 1 vạn lao động, đảm bảo nhân lực chất lượng cao cho các dự án đầu tư. Tỉnh này còn có ba khu công nghiệp Minh Quân, phía Nam và Âu Lâu đã cơ bản hoàn thiện về hạ tầng và 8 cụm công nghiệp được quy hoạch bám sát đường cao tốc Nội Bài - Lào Cai nhằm tạo thuận tiện cho việc đi lại và đáp ứng nhu cầu đầu tư của các nhà đầu tư trong và ngoài nước đến tìm hiểu, nghiên cứu triển khai dự án đầu tư tại tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái Đỗ Đức Duy, khẳng định tỉnh này thực ra không phải địa phương có quá nhiều lợi thế, thiên nhiên cũng không ưu ái quá nhiều tiềm năng thế, nhưng Yên Bái đã có những cách làm và hướng đi phù hợp, đặc biệt là sự tiên phong từ người đứng đầu tỉnh đến lãnh đạo các cấp các ngành trong mời gọi và thu hút đầu tư. Như việc lấy du lịch làm bước đi rõ nét, Yên Bái trở nên tin cậy đối với tất cả các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Hội thảo giới thiệu và xúc tiến đầu tư các sản phẩm du lịch Yên Bái do tỉnh này giữa năm 2017, ông Duy cam kết hoàn toàn có căn cứ khi nói với các nhà đầu tư  rằng kinh tế Yên Bái những năm gần đây phát triển toàn diện và ổn định, dịch vụ tăng trưởng khá, du lịch có bước chuyển biến tích cực. Yên Bái cũng kỳ vọng các doanh nghiệp cùng hỗ trợ, đầu tư theo định hướng các vùng du lịch trọng điểm của tỉnh, chủ động liên kết, hợp tác với các tỉnh Tây Bắc và vùng lân cận tạo những sản phẩm, chuỗi dịch vụ xuyên suốt hành trình. “Khám phá danh thắng ruộng bậc thang Mù Cang Chải”, “Săn mây trên đỉnh Tà Xùa, Tà Chì Nhù”, “Chinh phục đỉnh cao Púng Luông”, “Trải nghiệm dù lượn bay trên mùa vàng tại đèo Khau Phạ”, “Trải nghiệm du lịch sinh thái mênh mông hồ Thác Bà”, “Du ngoạn rừng chè cổ thụ Suối Giàng”…

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 4

Đền Đông Cuông, lễ hội tâm linh đặc biệt bên sông Hồng

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 5

Đầm Vân Hội đang được xây dựng thành khu nghỉ dưỡng đẳng cấp

Năm 2017, tổng lượng khách du lịch đến 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng đạt 24 triệu lượt, tăng 3,3% so với năm 2016. Doanh thu đạt 18.000 tỷ đồng, tăng 20% so với năm 2016. Con số này có sự đóng góp ấn tượng của Yên Bái với hơn 500.000 lượt khách (khách quốc tế 23.000 lượt) và doanh thu hơn 270 tỷ đồng. Kinh tế mũi nhọn là du lịch, Yên Bái chủ trương cho 4 vùng trọng điểm: hồ Thác Bà và sông Chảy, Tp Yên Bái và vùng phụ cận, vùng miền Tây, vùng Trấn Yên – Văn Yên. Khi đó Phó Tổng cục trưởng Du lịch Hà Văn Siêu đã nhận định, thế mạnh đặc trưng của du lịch Yên Bái tập trung vào chiều sâu văn hóa của các dân tộc địa phương, tạo ra nét riêng có. Du lịch Yên Bái chính là gắn với cộng đồng địa phương, phát huy văn hóa bản địa, bản sắc của các dân tộc.

Du khách đến với Mường Lò sẽ phải say với làn Xòe cổ gìn giữ qua ngàn đời, lên Mù Cang Chải ngắm ruộng bậc thang mùa lúa vàng thì tha hồ thẫm đẫm cảm xúc vẻ đẹp, còn đến với hồ Thác thì chắc chắn phải lưu trú. Hồ rộng hơn 19.000 ha với hàng ngàn đảo, đêm buông trăng sáng đẹp như luyn. Mặt hồ xanh biếc ôm quanh những đảo lớn nhỏ phủ kín rừng trồng, thấp thoáng cỏ xanh mướt mát, khiến du khách du ngoạn có cảm giác dễ chịu, thư thái giữa ngày hè nóng bức. Những làng ven hồ của các dân tộc thiểu số Dao, Tày, Nùng, Cao lan, Phù lá… vẫn giữ được những nét văn hóa độc đáo từ xa xưa. Du khách còn được đến với động Thuỷ Tiên, động Xuân Long… Trong đó có động Thuỷ Tiên nằm sâu trong lòng núi gần 100m, với những nhũ đá muôn hình vạn trạng là cái tên đã đi vào lịch sử của tỉnh Yên Bái.

Thu hút đầu tư toàn diện, ngay hồi đầu năm 2017, Yên Bái đã đã tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tại thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Khoảng 150 doanh nghiệp Hàn Quốc mong muốn tìm kiếm cơ hội đầu tư vào Việt Nam nói chung và tỉnh Yên Bái nói riêng cùng tham gia. Bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy Yên Bái đã khẳng định tỉnh này có vị trí địa chính trị, địa kinh tế quan trọng trong khu vực phía Bắc Việt Nam với hệ thống giao thông thuận lợi gồm cả đường bộ (nhất là từ khi có cao tốc Nội Bài – Lào Cai, tính bình quân mỗi ngày có gần 1.100 lượt phương tiện ô tô ra vào thành phố Yên Bái), đường thủy và đường sắt. Tỉnh có tiềm năng to lớn trong các lĩnh vực chế biến, kinh doanh và xuất khẩu nông, lâm, khoáng sản, năng lượng tái tạo và du lịch...

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 6

Khu thương mại Vincom Yên Bái

Bà Trà khẳng định Yên Bái sẵn sàng và nỗ lực ở mức cao nhất để làm hài lòng nhà đầu tư, cam kết đồng hành với họ. Chỉ ngay sau đó Hàn Quốc đã ký Bản ghi nhớ Dự án Nhà máy sản xuất năng lượng tái tạo ở hồ Thác Bà. Và dĩ nhiên họ không bỏ qua cơ hội nhòm ngó tiềm năng như quế, gỗ rừng và đất sét trắng cũng như các chính sách ưu đãi ở đây. Tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ hợp tác với 3 doanh nghiệp. Tổ chức gặp gỡ, trao đổi với trên 30 đoàn là các nhà đầu tư, tổ chức, tập đoàn kinh tế, doanh nghiệp Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức, Italia, Đài Loan...

Những ngày cuối năm trước Tết dương lịch, khi Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái tiếp Tập đoàn FLC, càng cho thấy những hứa hẹn tươi sáng khi Tập đoàn quan tâm đến vùng du lịch sinh thái Vân Hội. Bức tranh khu nghỉ dưỡng Vân Hội thêm tin vui chấn động khi đã góp mặt thêm tỷ phú FLC bên cạnh những Hoa Sen, Vingroup, DIG… “Phó tướng” của FLC, ông Lê Vinh mong muốn Tập đoàn sớm được triển khai các dự án hợp tác, đầu tư tại tỉnh Yên Bái, và trước mắt, Tập đoàn sẽ lập dự án đầu tư du lịch sinh thái tại khu vực đầm Vân Hội và dự án phát triển nông nghiệp sạch, công nghệ cao theo quy mô lớn tại tỉnh.

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 7

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải lọt top ảnh đẹp nhất thế giới

Điểm đến hấp dẫn và tin cậy ảnh 8

Làng du lịch cộng đồng trên đỉnh suối Giàng

Nằm ở vị trí cửa ngõ miền Tây Bắc, Yên Bái còn có phong cảnh thiên nhiên đa dạng, môi trường sinh thái trong lành. Hồ Thác Bà đã được ví như “Hạ Long trên núi” có Khu du lịch quốc gia, hay cánh đồng Mường Lò lớn thứ hai vùng Tây Bắc có làn xòe tinh hoa của người Thái; đặc biệt là ruộng bậc thang Mù Cang Chải đã là Danh thắng quốc gia vô cùng hấp dẫn. Gần đây vẻ đẹp núi Mù Cang còn lọt top danh thắng qua ảnh đẹp nhất thế giới thì sự hấp dẫn vùng sơn cước này đã nâng bậc như một điểm đến không thể thiếu trong hành trình du lịch Tây Bắc với bất cứ ai. Yên Bái còn là mảnh đất quần tụ sinh sống của 30 dân tộc, mỗi dân tộc mang đậm bản sắc văn hóa riêng. Đây là điều kiện lý tưởng để kết hợp du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng và du lịch văn hóa.

Box: Trên địa bàn tỉnh có 130 cơ sở lưu trú với 1.902 buồng, trong đó có 2 cơ sở lưu trú với 108 buồng đạt tiêu chuẩn 3 sao; 14 cơ sở lưu trú với 361 buồng đạt tiêu chuẩn 2 sao... Trên địa bàn còn có 119 hộ dân đang tham gia làm du lịch cộng đồng (homestay) tại các huyện Yên Bình, Mù Cang Chải, Văn Chấn và thị xã Nghĩa Lộ. Giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh sẽ tập trung phát triển 4 vùng du lịch trọng điểm, phấn đấu đến năm 2020 đón 700.000 lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 40.000 lượt, tăng trưởng bình quân đạt 8,5%/năm; năm 2025, đón 1,2 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế đạt 90.000 lượt, tăng trưởng bình quân đạt 11,4%/năm. Số lượng cơ sở lưu trú đến năm 2020 có 2.500 buồng, hạng 3 sao trở lên, đạt 15%; năm 2025 có 3.600 buồng, hạng 3 sao trở lên, đạt 15%

Với phương châm “Các nhà đầu tư đến Yên Bái là công dân Yên Bái, sự thành công của doanh nghiệp là thành công của tỉnh”. Năm ngoái, Yên Bái đã cấp quyết định chủ trương đầu tư cho 38 dự án mới với tổng vốn đăng ký trên 13.181 tỷ đồng. Năm 2017 đã tăng lên 45 dự án với vốn đăng ký hơn 15.400 tỷ đồng. Hiện tỉnh này có 20 doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 205 triệu USD. Thành công về thu hút đầu tư của Yên Bái là kết quả của tư duy mới, cách làm mới của tỉnh trong xúc tiến đầu tư. Bà Phạm Thị Thanh Trà cho biết, Yên Bái cũng đã ban hành một số chính sách khuyến khích đầu tư vào sản xuất công nghiệp, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn giai đoạn 2017 - 2020; tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi để doanh nghiệp phát triển, đặt doanh nghiệp vào vị trí trung tâm của sự phát triển, xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, kiến tạo, liêm chính, thực sự sát cánh cùng doanh nghiệp, làm tốt công tác xúc tiến đầu tư tại chỗ để các nhà đầu tư yên tâm sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, bền vững tại tỉnh.

Về nông nghiệp, theo ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Yên Bái, tỉnh này đã lựa chọn, ưu tiên các loại cây, con có thế mạnh, đưa khoa học công nghệ cao vào ứng dụng, sản xuất theo mô hình HTX, liên doanh - liên kết “bốn nhà”, lấy doanh nghiệp làm mũi nhọn tạo ra sản phẩm năng suất, chất lượng cao theo chuỗi nông sản sạch. Ông khẳng định đó là hướng đi trong tái cơ cấu nông nghiệp của tỉnh miền núi Yên Bái. Hướng phát huy lợi thế của từng vùng, tập trung đầu tư thâm canh, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm đã được Yên Bái đột phá triển khai, như: vùng lúa chất lượng, vùng chè, vùng cây ăn quả, vùng quế, vùng tre măng Bát độ, vùng cây nguyên liệu giấy, vùng phát triển nuôi trồng thủy sản, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Và đây chính là mấu chốt mà các nhà đầu tư quan tâm nông nghiệp tìm đến. Cam Văn Chấn, chè Suối Giàng, bưởi Đại Minh, Cam Lục Yên, rau thủy canh… đang góp sức chấm phá cho bức tranh nông nghiệp thu nhập cao Yên Bái, nhất là nâng xã đạt chuẩn nông thôn mới lên 33 xã (dự kiến đạt 64 xã vào năm 2020).

Cho dù năm 2017 Yên Bái chịu ảnh hưởng nặng nề của mưa lũ (thiệt hại hơn 1.000 tỷ đồng), nhưng tin vui đến với Yên Bái những ngày cuối năm 2017 khi ngân sách tỉnh này đã vươn lên con số hơn 2.500 tỷ đồng, vượt chỉ tiêu Trung ương giao 30%. Thành quả đáng trân trọng của cấp ủy, chính quyền, nhân dân và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Yên Bái trong bối cảnh khu vực Tây Bắc co những khó khăn chung

MỚI - NÓNG