ếu cần một lý do nào khác ngoài việc chinh phục đỉnh cao 3143m, ngắm Sa Pa trong mây bềnh bồng, thả hồn nơi cõi Phật thanh tịnh ở chốn tâm linh trên đỉnh thiêng Fansipan khi mùa hè đến, thì chính vườn hồng rực rỡ ngát hương dưới chân núi Hoàng Liên là “bùa mê” khó cưỡng.

Những ngày đầu tháng 5, lên Sa Pa là thấy hoa đua nở. Đi khắp phố núi, nhà nào có khoảnh vườn nhỏ là thấyvài gốc thanh anh tím biếc, khóm cúc trắng muốt. Những nhà chẳng có vườn, hoa được trồng trong chậu, bên hàng rào, lòa xòa, tự nhiên, chẳng cắt tỉa, có cảm giác cũng chẳng cần chăm bón mà cứ thế “khôn lớn”, đến mùa thì đâm nụ, trổ bông, dân dã, hệt như tính cách của con người phố núi.

Lơ lửng bên hiên các hàng quán bên đường, dạ thảo hiên treo rực rỡ các loại màu. Hoa ở nơi phố núi ấy, nhiều loại, nhiều giống lắm, có khi chính chủ nhà cũng quên mất nó là cái hoa gì, cứ đẹp là trồng, mà cứ trồng là đẹp. Lạ cái là, nhiều loại gì thì nhiều, chứ hồng leo thì nhà nào hình như cũng có ít nhất một gốc nhỏ. Cái thứ hoa gì mà dễ sống thế, cứ lăn lóc trong cái chậu bé tí teo trong sân nhỏ, trơ trọi ven đường bụi bặm bám đầy lá, vậy mà hoa vẫn cứ sai trĩu cành, bông thắm đỏ.

Đi vào trong những phố vắng xa trung tâm thị trấn tí teo thôi là thấy cái sự trong lành, yên bình quá đỗi dịu ngọt của phố núi. Những bức tường hoa hồng leo phủ kín, đỏ rực. Những bờ dậu ken dầy hoa hồng bên cạnh những đào với mận trĩu chịt quả xanh, quả chín. Cổng vòm, bờ tường bao của những biệt thự cổ có, hiện đại có cũng được phủ kín bởi hoa hồng. Cả những ngôi nhà lối vào cỏ dại mọc đầy, có vẻ như chủ nhân của nó đã lâu lắm rồi không về, hoa hồng cũng nở đỏ, trải khắp lối đi, hoang dại bám trên cọc rào hoen rỉ.

Đường vắng, thi thoảng mới thấy có bóng xe lướt qua, gặp chỗ xóc nẩy, cả người và xe chồm lên. Đi quanh Sa Pa ngắm hoa, nếu dông dài thời gian thì nên dạo bộ, để thư thả hít hà cái sự thanh lành của núi cao rừng xanh lẫn trong hương hoa, mướt mải trên những ruộng rau xanh non mơn mởn. Rau Sa Pa cũng như hoa như cỏ, hồ như cứ cắm xuống đất là nảy mầm, là xanh tốt. Những ruộng rau xanh ngút ngàn theo những triền đồi, trên nương rẫy, người dưới xuôi lại chép miệng, thèm thuồng cái sự sạch, lành ấy.

Phố núi về chiều, người dân tộc Mông, Dao… gùi đồ ra chợ đêm, hoặc từ nương, rẫy trở về nhà. Những con đường trong xóm xa trung tâm thị trấn vẫn chẳng đông hơn được là bao nhưng chí ít cũng có bóng người qua lại. Thấy khách đường xa yêu hoa, họ cũng vui vẻ lại gần khi được mời chụp hình cùng. Câu chuyện qua đường bỗng thành chỉ dẫn du lịch quý giá, bởi nhờ đó, khách biết Sa Pa có một chốn thiên đường hoa mới, rực rỡ hơn thế rất nhiều.

Một ngày mới ở Sa Pa. Nắng mùa hè cũng phải cố gắng lắm mới len lỏi qua lớp mây dầy. 9h sáng, Sa Pa mới tỉnh giấc hẳn. Chợt nắng, rồi chợt mây lại kéo đầy, đỏng đảnh chẳng khác nào gái mới lớn. Nhưng nếu không như thế thì còn gọi gì là Sa Pa, là miền đất bốn mùa một ngày.

Cái se lạnh của sáng mùa hè khiến khách du muốn nán lại thêm một chút bên quán cà phê ven đường nơi thị trấn, để ngắm phố xá rộn ràng khách Tây ta qua lại. Sa Pa giờ không chỉ là của người Dao, người Mông nữa. Nhưng tôi lại thích cái sự bác ái của thị trấn này, bởi ít nhiều, nó cho thấy sức sống, sự cuốn hút của một vùng đất với khách thập phương.

Chợt nhớ, chiều qua mấy người dân bản bảo có lên cáp treo ngắm hoa không? Ừ nhỉ, có một vườn hồng cổ, nghe nói cả vài ngàn gốc dưới chân Fansipan. Thế thì đi chứ!

Định bắt cái taxi lên khu du lịch thì cô bé phục vụ quán chỉ tay: “Các anh chị đi tàu hỏa leo núi Mường Hoa nhanh hơn. Đỡ xóc nẩy”. Nghe cũng lạ, mà lạ là phải thử.

Theo hướng cô bé nói, đã thấy đối diện nhà thờ đá cổ, một khách sạn lớn M’Gallery Sa Pa, cùng do Tập đoàn đầu tư cáp treo Fansipan xây dựng. Ga đi tàu hỏa leo núi nằm ở tầng hầm của khách sạn, đẹp, ấn tượng. Cái nền gạch bông cổ cổ, mái vòm của nhà ga, những đường nét cong cong của ô cửa gợi cho người hoài cảm về những ngày xưa cũ.

150.000 đồng/vé cho người lớn, 75.000 đồng/vé trẻ em, không phải xếp hàng chờ lâu gì cả. Chỉ một lát là được bước lên toa tàu màu đỏ sang chảnh, hệt như con tàu nhìn thấy trên phim ảnh châu Âu ngày trước. Tiếng xì xào: “Đáng tiền đấy chứ, tàu đẹp, ga xịn”.

Độ 5 phút, khách lên gần kín, tàu chuyển bánh, lao vút ra khỏi nhà ga, lướt qua thị trấn, rồi băng trên thung lũng. Qua ô cửa kính trong veo, những “thước phim” núi đồi, làng bản, những ngôi nhà trong nắng sớm, ruộng bậc thang lấp lánh chỗ thì đổ nước chỗ lại xanh um màu mạ non. Những triền núi xanh thẫm, lặng yên trôi qua, trôi qua. Dọc suốt rào chắn đường tàu, hoa cũng đang nở, thi thoảng, thấy mấy gốc hồng leo mảnh dẻ, bám vào lưới thép, mạnh mẽ vươn lên những chùm bông đỏ thắm.

Khách đổ ra phía cửa kính để chụp, để quay, để trầm trồ “đẹp quá”. Người lại lặng yên ngắm, thu vào tâm khảm những núi non hùng vỹ ấy. Hành trình chưa đầy 10 phút từ thị trấn đến Ga đi cáp treo Fansipan khiến ai đã một lần được đi, được chiêm ngưỡng lại thấy nhớ đến kỳ lạ, thấy thèm được trở lại, không phải chỉ một lần thôi.

F ansipan đây rồi. Núi rừng, mây trời quấn lấy nhau không rời. Nắng mỏng buông hờ, phía đoạn đường vào khu du lịch Fansipan bừng lên sắc đỏ, du khách ngỡ ngàng, rồi chợt reo lên: “trời đất, đẹp quá”.

Là mấy vòm cổng hồng leo Sa Pa trải dọc suốt con đường vào Ga đi cáp treo. Sắc đỏ bật lên, chùm hoa lúc lỉu ken dầy, rủ xuống. Những cô gái chàng trai dắt tay nhau tranh thủ chớp lấy không gian lãng mạn ấy. Trẻ con cũng thích chui vô cái cổng hoa ấy chứ chưa nói đến người lớn, nhất là mấy chị, mấy cô thích điệu. Máy ảnh, điện thoại chớp lia lịa, những dáng nghiêng dáng đứng dáng ngồi đủ cả. Cả miền Bắc, ít tìm thấy con đường hoa hồng leo nào quyến rũ thế.

Hồng leo nở bừng giữa hồng cổ, hồng đổi màu, hồng Pháp, hồng vân khôi, bạch ho, hồng điều… Du khách check-in mỏi tay, mỏi mắt và nức cả… mũi, bởi mỗi loại hồng thơm một kiểu.

Đi qua con đường với những cổng hồng leo đỏ rực đó, xuyên qua khu chợ phiên vùng cao với nào váy, nào túi, khăn, đặc sản núi rừng từ đào tới mận, na rừng, lan rừng, thuốc nam thuốc bắc… sẽ thấy một vườn hồng cổ Sa Pa trải rộng với cơ man là hoa với hoa. Cả một vùng rộng được phủ bởi hoa hồng, mấy trăm gốc hồng cổ Sa Pa đồng loạt nở, những chùm hoa bông nở mãn khai, bông hàm tiếu, nụ chi chít. Xen giữa hồng cổ Sa Pa là những gốc hồng ngoại bông to như cái bát ăn cơm. Đi giữa vườn hồng cổ ấy, ngỡ mình lạc vào xứ thơm mãi tận Bulgari xa xôi, mải mê cả ngày không chán.

Đi sâu nữa vào khu vực Ga đi, thấy dọc đường, những chậu hồng cổ cả vài chục năm tuổi. Nơi Bảo An thiền tự, hồng leo đổ dài theo triền núi, bên góc mái cong cong. Đứng hồi lâu nơi chốn thiền ấy, ngắm hoa đổ theo tiếng chuông ngân dài, thấy lòng thanh tịnh lạ lùng.

Đi cáp treo lên khu vực đỉnh, rồi tản bộ theo đường La Hán, sẽ lại thấy những chậu hồng đang đơm nụ. Giữa gió rít gào, mây mù bao phủ nhiều hơn nắng rát, nơi đỉnh thiêng ấy, chẳng mấy loài hoa sống được ngoài đỗ quyên. Vậy mà hồng Sa Pa vẫn đang nở.

Rời khu vực đỉnh, xuống tới Ga đi cáp treo, lại xốn xang, lại muốn đi dạo lần nữa, trong vườn hồng cổ cả triệu đóa. Mưa đổ bất chợt, đứng dưới mái lá, ngắm giọt giọt rơi trên hoa, ngắm những cánh hồng tàn đổ xuống gốc mà vẫn lung linh, thấy ta đang thuộc về thế giới khác. Xứ hoa Fansipan đẹp lạ lùng. Thế mà bấy lâu nay, giờ ta mới biết.

“Có tới 50 loại hoa hồng đang được nhân trồng, bung nở ở Fansipan, nào hồng cổ Sa Pa, Hồng leo đỏ, Hồng rừng, Hồng đỏ cánh đơn, Hồng tầm xuân trắng, Hồng nhung cổ, Hồng vân khôi, Hồng bạch ho, Hồng điều…”, bác Phạm Ngọc Long, chuyên gia chăm sóc hoa hồng của khu du lịch Fansipannói với chúng tôi.

Trong mắt người đàn ông yêu hoa hồng ấy ánh lên niềm vui khi được chia sẻ với chúng tôi về cách thức trồng hoa hồng ở vùng núi cao, đất cằn như Fansipan:“Mỗi cây hoa là một tác phẩm khi được trồng ở các vị trí khác nhau, có cây được trồng trên vách núi đá bằng việc tạo hốc trồng như đồng bào trồng ngô, có cây được làm khung giàn thuận lợi cho du khách chụp hình, có khu vực lại được trồng thành vườn rộng cho du khách dạo bước chụp ảnh”.

“Hoa hồng là loại hoa đòi hỏi kỹ thuật chăm sóc cao khi phải thường xuyên cắt tỉa, tạo tán và phòng trừ sâu bệnh hại”, tôi hiểu bác Long đã phải vất vả thế nào, để hoa hồng dưới chân núi có thể đồng loạt nở bừng như thế. Tôi cũng hiểu ở nơi đất cằn sỏi đá ấy, để giữ màu, tăng sức sống cho hoa, người trồng hồng đã phải lăn lộn, chật vật lắm. Hồng Sa Pa quen thổ nhưỡng rồi thì đỡ, nhưng mỗi cây hoa hồng ngoại hoặc giống hồng vùng khác đến đây, để một cây sống được cũng là cả một hành trình gian nan. Nhưng một cây sống có nghĩa là niềm tin được nối dài, sức mạnh được tiếp thêm, để mang về thêm nhiều loài hồng quý.

Chẳng phải chỉ việc trồng hoa mới khó. Đi tìm được những giống hoa quý còn sót lại trong những bản làng xa xôi cũng kỳ công lắm. “Có những gốc hồng cổ nhiều chục năm tuổi, chủ nhân chẳng muốn bán, chúng tôi phải lặn lội đi lại nhiều lần thuyết phục mới mua được”, bác Long nói thêm. Chơi hoa hồng, xưa nay, ai cũng hiểu, chẳng bao giờ là dễ cả.

“Hiện Sun World Fansipan Legend đã và đang đầu tư nhiều giống hồng ngoại có điều kiện sinh trưởng phù hợp với nơi đây như Golden Celebration, Vineyard Song, Red Eden…”, bác Long hào hứng khoe,“Sắp tới, hoa hồng tại Fansipan có thể nở quanh năm”.

Vậy là sắp tới, bên cạnh trải nghiệm để đời là chạm tay vào Nóc nhà Đông Dương, bước đi trong cõi Phật cảnh tiên, bồng lai hạ giới trên đỉnh thiêng Fansipan, du khách sẽ có thêm một thú vui nữa, ấy là về Fansipan để ngắm hoa hồng, để… lạc bước chẳng muốn về.