Nỗi niềm hồ Thác

Hùng Ruby tâm sự về những ước vọng về những hòn đảo du lịch giúp dân hồ Thác thoát nghèo.
Hùng Ruby tâm sự về những ước vọng về những hòn đảo du lịch giúp dân hồ Thác thoát nghèo.
TP - Ðẹp như một “Hạ Long trên núi”, hồ nhân tạo Thác Bà từng thấm máu những anh hùng liệt sỹ kiên cường chống lại hàng trăm lượt tấn công của bom Mỹ để bảo vệ dòng điện Tổ quốc.

Mấy mươi năm giàu tiềm năng du lịch hấp dẫn, nhưng hãy còn chặng đường dài để miền thủy ngọc này trở thành Khu du lịch Quốc gia và vùng kinh tế trọng điểm của Yên Bái.

Chiếc ca nô cao tốc của Hùng “Ruby”, ông chủ khu sinh thái du lịch ven hồ Thác, đưa chúng tôi lướt bay trên mặt nước xanh ngắt với những cú đánh lượn qua vô vàn hòn đảo tràm. Gió hồ mát lạnh kỳ lạ ở chốn bồng lai thủy ngọc. Ông chủ Ruby nói ai rong chơi hồ Thác vào đêm trăng sẽ cảm nhận mặt nước đẹp tựa nhung. Có lẽ bức ảnh phô diễn hồ Thác tựa “Hạ Long trên núi” của một nhiếp gia Yên Bái từng được trao giải thật xứng đáng nếu ai có dịp đến đây trải nghiệm vùng hồ.

Đập thủy điện Thác Bà hiện ra sừng sững như một tòa thành đá chạy dài hơn nửa cây số. Công trình vĩ đại nhất Đông Dương ra đời năm 1971 vững vàng như chưa từng trải qua bất kỳ biến cố nào, nhưng đã từng chịu đựng bom lửa chiến tranh khốc liệt trong suốt 6 năm (1966-1972) để góp sức chủ lực cho vựa lúa miền Bắc. Vẫn nguyên vẹn những tổ máy với tua-bin nặng hàng chục tấn đưa từ Liên Xô sang, phòng vận hành của kỹ sư và công nhân được nâng cấp phần điện tử hiện đại, bên ngoài là khu phân tải điện hàng chục năm còn đó. Hằn lại ký ức chiến tranh là vết đạn cỡ lớn xuyên thủng lớp thép tua-bin mà máy bay Mỹ dội xuống. Ngày ấy, bất kể đêm hay rạng sáng, hàng trăm lượt thần sấm, con ma lao đến từ phía biển Đông điên cuồng trút bom lửa. Pháo của bộ đội ta sáng rực trời kiên cường chống trả. Những công nhân và kỹ sư dũng cảm túc trực bên tổ máy nhiều người đã ngã xuống.

Đài tưởng niệm anh hùng màu trắng ghi tên 117 liệt sỹ, trong đó có những kỹ sư Liên Xô, trang nghiêm lặng yên bên chân đồi nhìn ra hồ Thác. Máu từ cuộc chiến từng nhuốm một vùng thủy ngọc xanh cho sứ mệnh bất tử vì dòng điện Tổ quốc. Bao năm, tua-bin vẫn quay, tiếng nước vẫn xả dưới chân đập ầm ì tiếp tục sứ mệnh ấy, cho dù hôm nay chỉ còn góp vài phần trăm trong lưới điện Quốc gia. Mười chín cánh đập dựng nên vùng hồ nhân tạo lớn nhất cả nước, chỗ sâu hàng chục mét; hơn 1.300 hòn đảo hình thành từ những quả đồi, cả làng mạc, chùa chiền, những cánh rừng nguyên sinh đã chìm sâu; hàng chục ngàn người phải di dân định cư mới, tất cả nhường lại cho một thủy điện Quốc gia ngày ấy. Hẳn là hy sinh quá lớn góp phần không nhỏ cho kinh tế miền Bắc đủ lực đánh Mỹ.

Cuộc chạy di tản năm 1979 vì chiến tranh biên giới phía Bắc, cậu thiếu niên Trần Văn Hùng theo bố mẹ từ Lào Cai về đất Yên Bái. Chàng trai lớn lên vào quân ngũ quay lại đất Lào Cai cầm súng bảo vệ biên cương. Và, khi xuất ngũ trở về hồ Thác, linh cảm mách bảo rằng vùng thủy ngọc này đang cần những bàn tay sức trẻ vực dậy đói nghèo. Đầu quân cho một lâm trường rừng, anh vùi sức với vùng hồ, trồng lên keo, tràm thay vì lau sậy, cỏ dại. Nhưng những bản làng của người Tày, Dao, Cao Lan vùng ven vẫn lay lắt cái nghèo. Có bản làng chỉ cách nhà máy điện vài chục cây số mà nhiều năm sau vẫn chìm trong bóng tối. Cây nguyên liệu chưa giải bài toán thoát nghèo. Con cá to đánh bắt được dưới hồ cũng chỉ mưu sinh đong gạo qua ngày.

Tích cóp bao năm, thêm đủ nghề, anh Hùng mơ về một góc sinh thái mang tên Ruby (Ngọc) khi sống với vùng hồ đẹp tựa tranh vẽ. Anh dự tưởng người hồ Thác sẽ ấm no hơn nếu làm du lịch. Biệt danh “Hùng Ruby” ra đời từ đó. Năm 2011, với 8 tỷ đồng vốn liếng và vay mượn, anh đã dựng nhà sàn, nhà ăn, bãi tắm nền sỏi, bờ kè, khuôn viên, xuồng du hồ và cả một phim trường cho khách chụp ảnh cưới. Đó cũng là khi tỉnh Yên Bái trải thảm mời gọi các nhà đầu tư. Đêm “Âm vang hồ Thác” năm ấy, sự kiện văn hóa nô nức khách thập phương về dự do tỉnh tổ chức ngay ở thị trấn thủy điện chỉ cách Ruby đôi chục phút xuồng chạy, đã tưởng như diện mạo kinh tế vùng hồ sang ngày mới.

Nỗi niềm hồ Thác ảnh 1 Thủy điện Thác Bà sinh tồn qua bom Mỹ giờ vẫn đang hoạt động.

Phía bắc hồ, khu du lịch Tân Hương cũng mở ra đón khách. Bên kia cánh đập, Việt kiều Phedro Bình từ Pháp cũng tìm về dựng lên bên ven bờ Vũ Linh điểm đến đón khách Tây. Và dù cái lỡ làng của Hùng “Đại Dương” ngày nào đến từ Sài Gòn từng hứa hẹn tạo lập khu du lịch hồ Thác cỡ một ngàn tỷ trở thành dĩ vãng, nhưng cũng là cú huých để doanh nghiệp tư nhân như Hùng Ruby hiểu rằng không thể chậm chân. Đâu đó những làng du lịch cộng đồng cũng đã dập dìu khách đốt lửa nướng cá, nghe điệu hát Then, xem làn múa Dao ven hồ...

Cái duyên của một tỉnh nghèo khi kịp kêu gọi được các đại gia như Tôn Hoa Sen, Vingroup, Nipon Juki, Samsung… đang chạm ngày hái quả, đưa về tỉnh nguồn thu đột phá từ 2.500 tỷ đồng ngân sách/năm lên vài ngàn nữa. Và đặc biệt, thủy sản đang thu rộ khi cá hồ Thác ngon và sạch được xuất từ hơn 1.000 lồng nuôi có doanh thu hàng trăm tỷ đồng đưa hàng về Hà Nội là thế mạnh “giời cho”. Nhưng…

Ông Tạ Văn Long, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Yên Bái, nói với chúng tôi rằng, hồ Thác giàu tiềm năng và tỉnh từng thông qua nhiều chiến lược kinh tế cho vùng hồ thời kỳ mới, sẵn sàng chào gọi đầu tư nhưng phải thận trọng. Mọc lên nhiều nhà máy chế biến khoáng sản vì có vận tải thủy rất rẻ thì phải kỹ về môi trường, thủy điện vẫn phải sống và lo toan điều tiết thủy lợi cho hạ du. Nuôi cá lồng giàu lợi nhưng ồ ạt quá mức thì phân cá, hóa chất, thức ăn sẽ tác động nguồn nước sạch. Và lớn nhất là kinh tế du lịch. Tỉnh nghèo mà cứ dốc túi một vài trăm tỷ làm đường làm điện để mời doanh nghiệp, rồi họ chả vào nữa thì dễ mà dính đòn lãng phí... Vậy trước mắt cứ động viên các xã vùng ven làm du lịch cộng đồng, vừa phát huy bản sắc, vừa hấp dẫn khách mà lợi dân.

Chén trà Suối Giàng tinh thơm trên tay Hùng Ruby đặc nỗi niềm. Anh nhìn xa xăm ra những hòn đảo tràm nước do chính tay mình trồng từ chục năm trước. Cây đẹp rất hợp con nước bám chặt giữ đất, lại sướng con mắt du khách. Hơn 40ha cả thảy, anh gọi thêm được đại gia từ Hà Nội lên góp sức làm đảo sinh thái có bể bơi, bãi tắm, nhà hàng, khu vui chơi, đua thuyền. Liên doanh của Hùng Ruby đã sẵn sàng đầu tư xây một đảo công viên trung tâm hoành tráng như điểm đến ấn tượng đầu tiên cho khách. Nhưng đề án trình lên vẫn chưa được phê duyệt. Có lẽ câu nói của ông Tổng cục trưởng Du lịch cách đây không lâu khi lên tâm sự thâu đêm cùng anh trên đảo tràm, rằng, giá như hồ Thác chưa làm gì với du lịch thì sẽ dễ dàng hơn cho Bộ văn hóa quyết đáp về một Khu du lịch Quốc gia - ẩn một ý gì lớn lao mà có phần nấn ná?

Dịp cuối tuần khách đổ về nhà sàn của Hùng Ruby hàng trăm người cứ hỏi đêm nay ngủ đâu, thăm thủy điện xong thì chơi ở đâu, khiến anh trăn trở. Kia núi Cao Biền, đây huyền ảo động Thủy Tiên, động Mông Sơn, hang Ma Mút, đền Thác Bà, Thác Ông, và những làn sóng nước mát xanh mặt hồ cõng theo nỗi niềm của chính cùng trăn trở với Hùng Ruby.

Những bản làng của người Tày, Dao, Cao Lan vùng ven vẫn lay lắt cái nghèo. Có bản làng chỉ cách nhà máy điện vài chục cây số mà nhiều năm sau vẫn chìm trong bóng tối. Cây nguyên liệu chưa giải bài toán thoát nghèo. Con cá to đánh bắt được dưới hồ cũng chỉ mưu sinh đong gạo qua ngày.

MỚI - NÓNG