Vườn nho trĩu quả giữa Sài thành

Ông Ở bên vườn nho sắp đến ngày thu hoạch. Ảnh: Ngô Tùng.
Ông Ở bên vườn nho sắp đến ngày thu hoạch. Ảnh: Ngô Tùng.
TP - Từ hai gốc nho mang về từ miền đất nắng Phan Rang, tỉnh Ninh Thuận, ông Ở đã nhân giống thành công ngay tại TPHCM, mở ra cơ hội trồng nho tại nhiều địa phương khác.

Sau nhiều năm ươm tạo, nhân giống, giờ đây vườn nho tại gia của ông Trương Văn Ở (64 tuổi, ngụ phường phước Long B, quận 9, TPHCM) đã đem lại thành quả đáng ao ước: Đạt chất lượng thương phẩm lẫn giá trị kinh tế cao.

Trồng chơi, ăn thật!

Ông Trương Văn Ở nhớ lại, vào cuối năm 2011, ông đi Phan Rang và được bạn cho 2 gốc nho mang về để “trồng cho vui”, lấy bóng mát. Một gốc đã chết, gốc còn lại có dấu hiệu đơm hoa kết trái sau một thời gian chăm sóc. Cuối năm 2012, gốc  nho này đã cho thành quả đầu tiên, tuy nhiên trái nhỏ xíu mà rất chua. Mày mò bằng nhiều phương pháp khác nhau, từ chỉ bảo của bạn bè ở Phan Rang và cả kiến thức tự học trên internet, ông Ở cho lai ghép, thử nghiệm gần cả chục lần.

Và thành quả đáng khích lệ đến với ông. Trong lần thử nghiệm thứ 5-6 nho đã cho trái rất to, ngọt đượm với hàng ngàn chùm.

“Để có được vườn nho sai quả như ngày nay là cả một quá trình khó nhọc chứ không dễ ăn. Học mỗi nơi mỗi chỗ một ít, còn phải hiểu được đặc tính của giống nho mình trồng thì mình mới “điều khiển” được cây nho sinh trưởng, phát triển theo ý mình”, ông Ở chia sẻ. Quả thực, giờ đây ông Ở hoàn toàn đã có thể “sai khiến” được nho ra trái ít hay nhiều, to hay nhỏ theo ý mình như thể điều khiển cái vòi nước tưới.

Theo ông chủ vườn nho đất Sài Gòn, để làm được điều này, người làm vườn không chỉ nắm vững phương pháp kỹ thuật, lựa chọn thời điểm cắt cành ra sao cho phù hợp, mà còn phải hiểu rõ đặc tính của giống nho mình trồng...

“Học hỏi kiến thức từ bạn bè, trên mạng một phần, còn chủ yếu mình phải nắm bắt, điều chỉnh từ thực tiễn. Có cố công thì sẽ thành công”, ông Ở đúc kết.

Nho sạch bán tại vườn

Gây bất ngờ ở chỗ sinh trưởng tốt ở nơi không phải thuần khí hậu khô, hanh, vườn nho của ông Ở còn được chăm sóc trong môi trường hữu cơ hoàn toàn, không dùng phân bón hóa học hay phun thuốc trừ sâu. Người trồng chỉ gặp khó khăn để uốn nắn, chăm bón lúc ban đầu khi dây nho còn nhỏ, khi cây lớn lên hầu như không tốn công chăm sóc nhiều nữa.

Sau gần 8 năm nhân giống, lai tạo, hiện vườn nho gia đình của ông Ở đã phát triển với diện tích khoảng 300m2. Mỗi năm giống nho đỏ và nho xanh cho thu hoạch 3 vụ, đạt sản lượng hơn 1.000 chùm mỗi vụ. Trong khi giá nho thị trường khoảng 30.000 đồng/kg, ông bán ra với giá 60.000 - 80.000 đồng/ký nhưng vẫn hút hàng.

“Lúc đầu tôi chỉ tính trồng cho có bóng mát và có nho sạch để dùng trong gia đình, dần dần cây cho trái nhiều quá ăn không xuể mới bán cho bạn bè, khách hàng gần xa. Lâu nay tôi cũng chỉ bán tại nhà, còn ai ở xa đặt hàng thì tôi đóng thùng chuyển đi”, ông Ở cho biết.

Tiếng lành về vườn nho sạch của ông vang xa, người dân nhiều tỉnh thành xa xôi liên hệ đặt mua cả nho trái lẫn gây giống.

Ông Ở cho biết, lâu nay ngoài chăm bón giàn nho với hơn 30 gốc đang cho trái mỗi vụ, ông còn chiết cành, ươm tạo thêm hàng chục cây con để bán, với giá 400.000 đồng/gốc nho đỏ, 500.000 đồng/gốc nho xanh.  

Là người đầu tiên đưa giống nho Phan Rang về ươm tạo ở đất Sài thành gần 10 năm trước, đến nay “vựa nho” của ông trở thành nơi cung ứng nguồn giống cho hầu khắp các quận, huyện trên địa bàn TPHCM. Nhiều tỉnh, thành lân cận như Long An, Đồng Nai, Bình Phước cũng đến vườn nho nhà ông tham quan, tìm hiểu và mua giống về trồng.

“Có người tận Cần Thơ, Phú Quốc (Kiên Giang), Nghệ An liên hệ mua giống, gửi cho họ nhưng tôi từ chối. Mình nhận tiền bán giống thì dễ rồi, nhưng có biết được thổ nhưỡng ở đó hay quá trình vận chuyển ra sao đâu, lỡ như có chuyện gì thì mình mất uy tín lắm. Nên ai có nhu cầu thì cứ đến vườn, tôi sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm để nhân giống. Cây nho thực sự làm kinh tế rất tốt!”, ông Ở nói.         

Dẫu đã có thể điều khiển được quá trình phát triển của giống nho Phan Rang, người chủ vườn vẫn có thể nếm “quả đắng” một khi thời tiết bất lợi. Điển hình, năm  2017, giàn nho của ông thiệt hại nặng khi chết đến cả chục gốc sau trận mưa lớn nước ngập úng dài ngày. Rút kinh nghiệm, ông Ở sau đó đào cống, làm rãnh thoát nước để phòng ngày mưa gió. Ngoài ra, điều khiến người làm vườn lo lắng nữa là chim chóc tìm đến ăn trái trong thời điểm nho vào chính vụ thu hoạch.

MỚI - NÓNG