Cô giáo mầm non chiến thắng ung thư hạch bạch huyết

Hoàng Ngọc Minh Trang phát hiện bệnh vào năm 18 tuổi, tưởng chừng dang dở giấc mơ trở thành cô giáo.

Cô gái 22 tuổi đang là giáo viên mầm non tại Hà Nội. Đầu năm học lớp 10, cô xuất hiện hạch nhỏ ở vị trí xương quai xanh bên trái, song nghĩ có thể do viêm nên không quan tâm. Đến khi thi đại học, hạch ngày càng to chèn vướng cổ gây ngứa, khó thở, thiếu oxy, tức ngực, hay đau. Bác sĩ chẩn đoán cô bị ung thư hạch bạch huyết (Lympho Hodgkin) giai đoạn hai. 

Cô giáo mầm non chiến thắng ung thư hạch bạch huyết ảnh 1

Cô giáo mầm non Hoàng Ngọc Minh Trang. Ảnh: Cao Khẩm.

"Vừa vào đại học, đang làm quen với môi trường mới, tận hưởng tuổi trẻ, lúc đó tôi chỉ nghĩ đơn giản có lẽ mình sắp phải nghỉ học, dừng lại giấc mơ trở thành cô giáo. Mọi thứ đến quá nhanh và thật sự khó chấp nhận", cô gái 9x nhớ lại. 

Bệnh viện K Quán Sứ là nơi cô gắn bó trong suốt những tháng ngày chiến đấu với bệnh tật. Phác đồ điều trị, những lời động viên, sự quan tâm của mọi người xung quanh giúp cô gái có niềm tin mãnh liệt là sẽ sống, sẽ khỏe mạnh trở lại. Cô trải qua 12 đợt hóa trị và 30 lần xạ trị, nhờ đáp ứng thuốc tốt, hạch ở cổ đã tan hoàn toàn.

Cô gái cho hay, trong suốt quá trình điều trị, có những khi đau đớn cô suy sụp tinh thần đòi ngưng để về nhà chờ ngày cuối cùng của đời. Cô chia sẻ suy nghĩ "sống được bao lâu thì sống, vui vẻ còn hơn tàn tạ đau đớn ở trong viện". Song hết cơn đau, cô gái ổn định tinh thần, tự vực dậy bản thân, tự động viên là phải chiến đấu đến cùng, phải sống, khỏe mạnh trở lại. 

Bảy tháng vật lộn với ung thư, cô gái nói rằng trong quá trình điều trị bệnh nhân nào cũng sẽ bị tụt hồng cầu nên nếu không đáp ứng đủ hồng cầu để truyền hóa chất thì phải tiêm kích cầu. Muốn không cần tiêm kích cầu, bệnh nhân phải tự bổ sung bằng việc ăn uống. Ăn uống với người đang hóa trị ung thư, với cô gái trẻ, là điều cực hình vì ăn vào lại buồn nôn, khó tiêu. 

"Những khi ấy sợ cơm nhưng tôi phải cố ăn cơm. Nhờ vậy sau khi truyền thuốc khoảng hai ngày, tôi có thể đi học lại bình thường, có khi còn đi tỉnh xa được nữa. Cứ vậy mà vừa chữa bệnh, tôi vừa đảm bảo việc học trên trường, cũng nhờ sự giúp đỡ của các thầy cô giáo trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương Hà Nội", Trang tâm sự. 

Khi bắt đầu điều trị, Trang hoàn toàn là một người khác với một thiếu nữ đang tuổi lớn tươi trẻ bởi vẻ ngoài già nua, da thâm sạm, tóc rụng, người phù nề. Cô tăng thêm 10 kg bởi cơ thể bị tích nước và chế độ ăn để tránh tiêm kích cầu. 

"Tôi mua mấy bộ tóc giả để thay đổi, nhưng đội tóc giả khiến tôi khó chịu hơn cả mái đầu trọc nên đành chấp nhận thực tế", cô gái chia sẻ.

Trong suốt thời gian điều trị, cô ăn theo chế độ thực dưỡng, sau khi truyền thuốc thì bổ sung đạm, thịt bò, mãng cầu, sâm, yến, tam thất. Hết phác đồ truyền thuốc, Trang kiêng đường, ăn uống thanh đạm hơn, hạn chế thức ăn nhiều dầu mỡ hay chế biến sẵn, không ăn cay hay quá mặn. Mỗi sáng cô đều sử dụng tinh bột nghệ, bột mầm đậu nành, không sử dụng thêm các loại thuốc bổ trợ. Mỗi ngày cô dành 30 phút ngồi thiền. 

Nhìn nhận lại những năm tháng qua, Trang cho rằng mình chiến đấu với bệnh ung thư hoàn toàn bằng nghị lực, không theo một phương pháp hay có bí quyết nào cả bởi quan điểm "con người khi đến đường cùng ranh giới sự sống chết thường có sức mạnh phi thường". 

"Tôi tin một điều rằng mình sẽ sống, bởi sự phát triển của khoa học bây giờ có thể giải quyết được mọi vấn đề. Đừng bao giờ có tư tưởng bỏ cuộc. Khi chữa bệnh đừng vội ai mách ăn uống gì cũng tin, hãy tìm hiểu thật kỹ để tránh tiền mất tật mang", cô gái trẻ khuyên.

Theo Theo Vnexpress
MỚI - NÓNG