Ngắc ngoải bệnh viện tư

Ngắc ngoải bệnh viện tư
TP - Trong khi nhiều bệnh viện công ngày càng ăn nên làm ra và luôn trong tình trạng quá tải thì không ít bệnh viện tư ngắc ngoải sống qua ngày.

> Thanh tra Sở y tế nói gì sau vụ 'bác sĩ quăng xác bệnh nhân'
> Suy sụp vì không tìm được xác nạn nhân

Hàng trăm giường song chỉ có vài chục bệnh nhân

Hơn hai năm nay, Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ ở đường Độc Lập, quận Tân Phú, TPHCM hoạt động cầm cự qua ngày, bởi chỉ lèo tèo vài ba bệnh nhân đến thăm khám mỗi ngày. Có mặt tại bệnh viện vào sáng qua 28/10, PV bắt gặp vài bệnh nhân đến đăng ký khám, trong khi bệnh viện có tới 500 giường.

“Hiện bệnh viện chỉ còn khoa cấp cứu hoạt động thôi, các khoa khác đã ngưng rồi”, nhân viên của bệnh viện nói. Để kiểm chứng chúng tôi ghé vào khoa cấp cứu, 3 điều dưỡng nơi đây đang xử lý vết thương cho hai bệnh nhân. “Nếu có trường hợp nặng sẽ chuyển lên tuyến trên, các khoa đã ngưng hoạt động từ lâu rồi” - một điều dưỡng nói.

Theo tìm hiểu, ngoài chuyện người dân không mặn mà với bệnh viện tư vì chi phí khám chữa bệnh cao, bệnh viện còn đang rơi vào tình cảnh nợ như “chúa chổm”.

Năm 2007, chủ sở hữu Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ không trả đủ lãi vay cho các chủ nợ khiến nơi được xem là chốn nghỉ ngơi của người bệnh lại trở thành nơi khiếu kiện. Đã có hơn 30 chủ nợ trót cho Bệnh viện Đa khoa Phú Thọ vay khoảng 120 tỷ đồng với lãi suất cao, và đến nay chưa thể thu hồi vốn.

Hậu quả là nhiều chủ nợ đã tiến hành thu giữ cả thiết bị chữa bệnh vì nơi đây không thể trả được nợ. Cuối năm 2009, lãnh đạo bệnh viện đã họp chủ nợ và đưa ra kế hoạch bán luôn bệnh viện này với mức giá 26 triệu USD. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa ai dám mua.

Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phú Thọ ở TPHCM nay chỉ còn một khoa cấp cứu hoạt động
Bệnh viện Đa khoa tư nhân Phú Thọ ở TPHCM nay chỉ còn một khoa cấp cứu hoạt động.

Được đầu tư xây dựng với quy mô 200 giường, Bệnh viện Vũ A - khách sạn 4 sao đầu tiên ở TPHCM hiện mỗi ngày chỉ tiếp nhận vài ba chục bệnh nhân, con số quá nhỏ so với đầu tư ban đầu. Ế ẩm, nhiều bác sĩ có tay nghề cũng bắt đầu “trốn chạy” khỏi bệnh viện. Người đứng đầu của Bệnh viện Vũ A thì rơi vào vòng lao lý, nhiều hoạt động của bệnh viện cũng cầm chừng.

Ra đời từ năm 2000, Bệnh viện tư nhân Hồng Đ.ở quận Gò Vấp, từng được xem là cơ sở ăn nên làm ra trong hệ thống bệnh viện tư. Cách đây 10 năm, nơi đây mỗi năm tiếp nhận hơn 5 nghìn lượt điều trị nội trú và phẫu thuật nội soi khoảng 2.000 ca. Thế nhưng hai năm nay, lượng bệnh nhân cũng giảm sút trầm trọng.

“Nhiều bệnh viện công được cơ chế xã hội hóa, các đơn vị tư nhân nhảy vào trang bị máy móc hiện đại vì bệnh viện công bệnh nhân đông dễ lấy lại vốn, kiếm lời nhanh khiến bệnh viện tư không cạnh tranh nổi”- một bác sĩ làm việc tại đây thừa nhận. Theo người này, giá cả bệnh viện công thấp, máy móc hiện đại lại có đội ngũ bác sĩ giỏi do được ưu đãi từ cơ chế của nhà nước nên bệnh viện tư chịu…thua.

“Ngay cả bệnh viện tư muốn được khám bảo hiểm y tế cũng phải chạy, bôi trơn họa chăng mới có được một lượng bệnh bảo hiểm y tế”- người này ngao ngán.

Không trụ được sau một thời gian hoạt động, mới đây Bệnh viện Mỹ Đ, ở quận Tân Bình đã bán lại cho một nhóm các bác sĩ để thực hiện bệnh viện chuyên khoa phụ sản. Lý do bán lại bệnh viện được những cổ đông cho rằng, lượng bệnh nhân quá ít, không kiếm được nguồn bệnh từ bảo hiểm y tế khiến việc trả trả lương thấp.

“Bác sĩ nhảy việc sang bệnh viện khác, một số thì xin qua bệnh viện công hoặc làm phòng khám đa khoa. Chúng tôi không thể bám trụ khi lương thấp và bệnh nhân ít được”- bác sĩ Trần V.T, từng làm ở bệnh viện này chia sẻ.

Bác sĩ Trương Vĩnh Long - Giám đốc Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn vừa tiết lộ, Bệnh viện Hoàn Mỹ cơ sở ở quận 2, TPHCM của tập đoàn đã đóng cửa do hoạt động không hiệu quả. Hệ thống bệnh viện Hoàn Mỹ, được xem là cánh chim đầu đàn trong hệ thống bệnh viện tư ở Việt Nam, nay cũng phải cắt giảm do ế là điều chưa từng có.

“Đầu tư bệnh viện là nghìn tỷ đồng, nhưng ngày ngày phải kiếm từng đồng, có khi không đủ chi tiêu điện nước, trả lương nhân viên nên đóng cửa hoặc hoạt động cầm chừng không có gì lạ cả”- bác sĩ ở bệnh viện tư chua chát.

Thiếu hụt nhân lực

Hành nghề y tế tư nhân hiện gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu liên quan đến mức thuế cao, không có mặt bằng thuận lợi để xây dựng bệnh viện tư, hoặc những khó khăn liên quan đến các thủ tục hành chính trong xây dựng, cấp phép thành lập cơ sở y tế tư nhân. Sự thiếu hụt nhân lực y tế hiện nay ở các cơ sở y tế tư nhân là khó khăn rất lớn.

Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến đánh giá, số lượng và chất lượng y tế tư nhân chưa tương xứng với tiềm năng. Phần lớn cơ sở y tế tư nhân chỉ triển khai các dịch vụ dễ làm, các loại xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh dễ thu hồi vốn. Đa số bệnh viện tư quy mô nhỏ, chủ yếu tập trung ở các đô thị lớn, tỷ lệ sử dụng giường bệnh thấp.

Hoạt động y tế tư nhân còn nhiều vấn đề cần xem xét, nhất là về chất lượng, giá cả, lạm dụng kỹ thuật cao, lạm dụng thuốc và xét nghiệm; cơ sở hạ tầng chưa đáp ứng yêu cầu, thiếu tính liên hoàn, không đáp ứng diện tích và dây chuyền hoạt động, chưa đảm bảo vô khuẩn.

Mặc dù có nhiều ưu điểm nhưng chất lượng dịch vụ y tế tư nhân, cũng như trình độ chuyên môn của người hành nghề, việc kê đơn thuốc bất hợp lý, lạm dụng thuốc đắt tiền hay các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, giá dịch vụ đắt đỏ là những hạn chế, mặt trái của y tế tư nhân, đang là thách thức đối với lãnh đạo ngành y tế.

Thống kê của Bộ Y tế cho thấy hiện nay cả nước có 157 BV tư nhân với 151 BV vốn đầu tư trong nước và 6 BV vốn đầu tư nước ngoài. Đến nay, nguồn nhân lực cho y tế tư nhân vẫn chủ yếu được cung cấp bằng nguồn nhân lực sẵn có từ các cơ sở y tế công lập. Khoảng 60% bác sĩ ở cơ sở y tế tư là những người đang làm việc ở bệnh viện công.
Theo Báo giấy
MỚI - NÓNG