Cúm gia cầm bùng phát, vaccine nội loay hoay

Tiêm phòng vaccine chống cúm A/H5N1 tại Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương
Tiêm phòng vaccine chống cúm A/H5N1 tại Vị Thủy (Hậu Giang). Ảnh: Duy Khương
TP - Trong khi việc sản xuất vaccine trong nước còn loay hoay, hàng năm, Việt Nam phải mất nhiều tỷ đồng nhập các loại vaccine cúm gia cầm từ Trung Quốc. Chưa kể, các loại vaccine nội sản xuất ra lại “lỗi thời” trước sự biến đổi nhanh của các chủng virus.

Có dịch, lại sang Trung Quốc mua vaccine

Cục Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết, hiện cả nước có hơn 60 ổ dịch cúm gia cầm H5N1 tại 23 tỉnh, thành. Các ổ dịch đang tăng từng ngày và nguy cơ bùng phát, lây lan ở các địa phương thời gian tới rất cao. 

Theo chương trình giám sát tại gần 150 chợ buôn bán gia cầm sống tại 44 tỉnh, thành; tỷ lệ mẫu vịt dương tính với H5N1 gần 6%; tỷ lệ chợ có virus H5N1 trên 60%. 

Đáng lo ngại hơn, cuối năm 2013, đầu năm 2014, virus cúm H5N1 nhánh 2.3.2.1C đã xâm nhập từ Bắc vào phía Nam nước ta. Nhánh virus trên gây bệnh thay cho nhánh 1.1 lưu hành phổ biến trước đó ở khu vực này, nhất là trên đàn vịt chạy đồng.

Theo ông Đàm Xuân Thành (Phó Cục trưởng Thú y), lâu nay các loại vaccine cúm gia cầm, hầu hết Việt Nam phải nhập từ Trung Quốc.

Lãnh đạo Cục Thú y cho biết, nguồn vaccine dự trữ chỉ cấp cho các tỉnh công bố dịch và có văn bản đề nghị. Ngoài ra, nguồn vaccine thương mại có Cty CP Thuốc Thú y T.Ư1 (Vinavetco) còn 23,2 triệu Re-6; Cty CP Phát triển Công nghệ Nông thôn (RTD) có 6 triệu liều. RTD cũng đang làm thủ tục, dự kiến cuối tháng 3 này sẽ nhập thêm 35 triệu liều Re-6 từ Trung Quốc.

Theo ông Thành, ở trong nước, Cty Thuốc Thú y T.Ư (Navetco) cũng sản xuất được vaccine cúm gia cầm. “Loại vaccine do Navetco sản xuất chỉ có hiệu quả với virus H5N1 nhánh 1.1, còn các nhánh virus khác, hiện đang kiểm tra, xem xét tác dụng đến đâu”- ông Thành nói. 

Ông Thành cho hay, năm ngoái, Việt Nam nhập 40 triệu liều vaccine cúm gia cầm của Trung Quốc vào quỹ dự phòng, nhưng chỉ dùng 2 triệu liều. “Trong tình hình dịch như hiện nay, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, sẽ nhập thêm 60 triệu liều vaccine nữa từ Trung Quốc. Hiện đang giai đoạn làm hồ sơ, thủ tục với các bộ, tới đây sẽ nhập”- ông Thành cho biết.

Chờ vaccine nội đến bao giờ

Sau hơn 10 năm, từ khi có dịch cúm gia cầm (năm 2003), Việt Nam đã có một đơn vị sản xuất vaccine phòng chống cúm. Trao đổi với Tiền Phong, ông Phùng Quốc Chướng, Viện trưởng Thú y (Bộ NN&PTNT) cho biết: Để sản xuất vaccine cúm gia cầm, phải chuẩn bị rất lâu. 

Cúm gia cầm bùng phát, vaccine nội loay hoay ảnh 1

Cúm gia cầm bùng phát nhiều nơi, sản xuất vaccine nội loay hoay. Anh: Phạm Anh

Theo đó, nhiều khâu chuẩn bị như: Nghiên cứu dịch tễ, phân lập virus, xác định giống, chọn giống... thử nghiệm trong phòng thí nghiệm, thực địa, rồi mới tới Cục Thú y công nhận, chuyển giao cho doanh nghiệp sản xuất. Theo ông, hiện Viện Thú y cũng làm vaccine, nhưng đang trong phòng thí nghiệm. Dự kiến, đến cuối năm nay, đầu năm 2015 sẽ nghiệm thu.

Ông Chướng cho biết, từ khi có dịch, Việt Nam đã cho nghiên cứu về vaccine, nhưng “nói thì dễ, làm rất khó”. Có khi cả đời nghiên cứu mới ra được một loại vaccine. Ngay cả 2 loại bệnh phổ biến là lở mồm long móng, tai xanh trên gia súc, cũng chưa có vaccine sản xuất đại trà. 

“Tại Navetco, họ bảo sản xuất được hơn 200 triệu liều vaccine cúm gia cầm, nhưng chỉ có hiệu quả với virus cúm nhánh cũ (là 1.1), còn nhánh mới, chỉ có Re-6 của Trung Quốc mới có tác dụng”- ông Chướng nói.

Theo ông Đậu Ngọc Hào, Phó chủ tịch Hội Thú y Việt Nam, điều khó nhất trong sản xuất vaccine cúm gia cầm ở Việt Nam chính là “con giống”. 

“Công nghệ này rất khó, nước ta chưa đủ khả năng làm. Ở Navetco họ sản xuất được vaccine cũng phải xin con giống của Anh. Kể cả mấy đơn vị hiện đang rục rịch làm vaccine, con giống cũng phải lấy từ nước ngoài”- ông Hào nói. 

Theo ông, virus cúm gia cầm biến đổi liên tục, vaccine hiện nay chỉ có tác dụng với nhánh cũ, còn nhánh mới xuất hiện lại phải chờ loại vaccine mới. Chẳng hạn, trước đây nhập Re-1 từ Trung Quốc, nhưng nay đã tới loại Re-6.

Trong khi đó, ông Vũ Tiến Lâm, Tổng giám đốc RTD cho biết, hiện đơn vị này đã đầu tư nhà máy hơn 200 tỷ đồng để sản xuất vaccine cúm gia cầm. “Vaccine chúng tôi đã làm ra rồi, nhưng chưa đăng ký xong, đang đợi Cục Thú y kiểm nghiệm” - ông Lâm nói. 

Lãnh đạo RTD cho hay, sản xuất được vaccine trong nước, giúp Việt Nam chủ động hơn trong phòng chống dịch, hạn chế việc nhập khẩu từ Trung Quốc. Tuy nhiên, theo ông Lâm, một khi doanh nghiệp đã tốn kém đầu tư, rất cần sự hỗ trợ từ cơ quan quản lý, để đẩy nhanh quá trình sản xuất vaccine.

Theo một số đơn vị đầu tư sản xuất vaccine trong nước, hiện Trung Quốc rất sẵn vaccine, nên khi có dịch, Bộ NN&PTNT chỉ định thầu nhập cho dễ. Do sản xuất vaccine trong nước còn mới mẻ, nên cơ quan quản lý như Cục Thú y vẫn e ngại, nhất là trách nhiệm với những sản phẩm mới.

MỚI - NÓNG