Hà Nội: Nguy cơ bùng phát nhiều bệnh dịch mùa hè

Các trẻ nhỏ đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. ảnh: Ngọc Châu
Các trẻ nhỏ đang điều trị bệnh sởi tại Bệnh viện Nhi Trung ương. ảnh: Ngọc Châu
TP - Ngày 15/5, thông tin tại cuộc họp giao Ban chỉ đạo phòng chống dịch bệnh và vệ sinh an toàn thực phẩm của TP Hà Nội cho hay, các bệnh dịch mùa hè đã bắt đầu xuất hiện sớm từ đầu năm và một số bệnh mùa hè khác có nguy cơ bùng phát.

Dịch bệnh mùa hè xuất hiện mới

Theo đánh giá của các cơ quan chuyên môn, năm nay các bệnh dịch mùa hè đã bắt đầu xuất hiện từ đầu năm. Trong đó, bệnh thủy đậu có tới trên 1.150 trường hợp mắc bệnh (tăng 37% so với cùng kỳ năm 2013). Điều đáng nói, một số bệnh mùa hè khác đang có nguy cơ bùng phát như bệnh sốt xuất huyết Dengue (42 ca mắc); bệnh chân tay miệng (196 ca mắc)…

Riêng bệnh dại, sau 2 năm trên địa bàn không ghi nhận thêm ca mới, nhưng đến đầu năm nay bệnh này đã xuất hiện trở lại và 2 trường hợp tử vong tại huyện Chương Mỹ và huyện Sóc Sơn.

Một số bệnh bắt đầu xuất hiện trên thế giới và có khả năng lây truyền cao như bệnh dịch đường tiêu hóa, viêm não virut, hội chứng hô hấp Trung đông (Mers CoV)…

Về bệnh sởi, theo thống kê đến ngày 14/5, Hà Nội ghi nhận 1.614 bệnh nhân sởi; có 4.768 bệnh nhân sốt phát ban nghi sởi phân bố rải rác ở các xã, phường của 30 quận, huyện trên địa bàn thành phố; có 63 trường hợp tử vong lên quan đến sởi và 14 trường hợp tử vong trực tiếp do sởi.

Ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, đến thời điểm này số mắc sởi mới của thành phố đang duy trì ở mức thấp. Dù vậy, tại các bệnh viện trung ương hiện vẫn còn 13 bệnh nhân sởi nặng đang phải thở máy, nguy cơ tử vong cao.

Kéo dài thời gian tiêm vét vắc-xin sởi

Đề cập đến công tác phòng chống dịch bệnh mùa hè, trong đó có bệnh sởi, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc cho rằng, công tác phòng chống dịch sởi trước mắt vẫn phải tiếp tục duy trì bởi nếu chủ quan thì nguy cơ bệnh dịch có thể quay trở lại.

Lãnh đạo TP nhấn mạnh, mục tiêu của thành phố là dập hoàn toàn dịch sởi. Muốn vậy, các địa phương đã qua 21 ngày không có bệnh nhân sởi phải quyết liệt để duy trì thành quả, còn những địa phương vẫn ghi nhận bệnh nhân mới phải giám sát chặt các đối tượng và cố gắng khống chế dịch trong thời gian sớm nhất.

Ngay cả 5 bệnh viện tuyến thành phố đã tổ chức phân tuyến điều trị sởi vẫn phải giữ nguyên việc phân tuyến như hiện nay, các loại thuốc, phác đồ điều trị vẫn duy trì ở mức cao nhất.

Về tiêm bổ sung miễn phí vắc-xin sởi, từ ngày 12/5 đến nay Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức chiến dịch tiêm vắc-xin cho trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi. Theo kế hoạch sẽ tổ chức tiêm trong 4 ngày nhưng sau 3 ngày triển khai, nhiều quận, huyện có tỷ lệ tiêm đạt rất thấp, chỉ khoảng 50%.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do ngành y tế, chính quyền các địa phương chưa quyết liệt trong chỉ đạo, triển khai. Để đạt được mục tiêu tiêm vét vắc-xin sởi cho 95% đối tượng trẻ từ 2 đến dưới 10 tuổi, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc đồng ý cho kéo dài thời gian tiêm chủng đến hết ngày 20/5.

Đặc biệt, để tạo điều kiện cho trẻ đi tiêm đầy đủ trong những ngày nắng nóng và trùng thời điểm học sinh tiểu học thi cuối kỳ như hiện nay, thành phố đề nghị ngành y tế phối hợp với các địa phương phải tổ chức tiêm vắc-xin sởi vào thời gian thích hợp hơn. Cụ thể là phải tổ chức tiêm từ 6h sáng đến 18 giờ chiều hàng ngày thay vì tiêm trong giờ hành chính như mấy ngày vừa qua.

Đối với các dịch bệnh khác, lãnh đạo TP yêu cầu các quận, huyện và ngành y tế phải chủ động phòng dịch ngay từ đầu. Nếu có bệnh nhân, vẫn phải phân luồng, phân tuyến để tránh lây chéo.

Đồng thời, phải coi phòng chống các dịch bệnh mùa hè là nhiệm vụ trọng tâm như chống dịch sởi. Đặc biệt, các quận, huyện phối hợp với ngành y tế tuyên truyền nhân dân vệ sinh môi trường nơi ở và trường học để phòng chống dịch bệnh...

Tổng vệ sinh môi trường phòng dịch bệnh mùa hè

UBND TP Hà Nội yêu cầu ngành Y tế và các ngành liên quan cần chủ động trong công tác phòng chống các dịch bệnh mùa hè đang có nguy cơ diễn biến phức tạp như thủy đậu, sốt xuất huyết, tay chân miệng.

Trong đó, biện pháp quan trọng nhất là phải tuyên truyền cho người dân tăng cường vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân, vệ sinh trường học và các đồ chơi của trẻ.

MỚI - NÓNG