Người tham gia BHYT được 'nới lỏng' những quy định nào khi đi khám?

BS Hoàng Cương, BV Mắt TƯ đang khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh minh hoạ: Internet
BS Hoàng Cương, BV Mắt TƯ đang khám bệnh cho bệnh nhân. Ảnh minh hoạ: Internet
TPO - Trẻ em dưới 6 tuổi đến khám chữa bệnh chỉ phải xuất trình thẻ BHYT, trường hợp người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Người tham gia BHYT khi đến khám chữa bệnh mà không mang theo thẻ BHYT vẫn được thanh toán chi phí nếu cung cấp số thẻ BHYT và giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó...

Đây là một trong những điểm mới được Bộ Y tế đưa ra tại dự thảo Thông tư quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật bảo hiểm xã hội (BHXH) và Luật BHYT thuộc lĩnh vực y tế. 

Theo Ban Soạn thảo dự thảo, trẻ em dưới 6 tuổi đến KCB chỉ phải xuất trình thẻ BHYT. Trường hợp không xuất trình thẻ BHYT vẫn được hưởng quyền lợi nhưng phải xuất trình giấy chứng sinh hoặc giấy khai sinh; trường hợp phải điều trị ngay sau khi sinh mà chưa có giấy chứng sinh thì thủ trưởng cơ sở y tế và cha hoặc mẹ hoặc người giám hộ của trẻ ký xác nhận vào hồ sơ bệnh án để làm căn cứ thanh toán.

Cũng tại dự thảo quy định, trường hợp người bệnh được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Trường hợp người bệnh đến cơ sở KCB không phải là cơ sở KCB BHYT ban đầu và sau đó được chuyển tiếp đến cơ sở KCB khác thì chỉ cần giấy chuyển tuyến của cơ sở KCB nơi trực tiếp chuyển người bệnh đi. Giấy chuyển tuyến có giá trị sử dụng tối đa 30 ngày kể từ ngày ký (quy định hiện hành chỉ có 10 ngày).

Trường hợp người tham gia BHYT đi công tác, học tập, làm việc lưu động hoặc tạm trú dưới 12 tháng tại địa phương khác thì được KCB tại cơ sở KCB trên địa phương đó tương đương với tuyến chuyên môn kỹ thuật của cơ sở KCB ban đầu ghi trên thẻ BHYT.

Nếu địa phương đó không có cơ sở y tế tương đương thì người tham gia BHYT được lựa chọn cơ sở KCB khác có tổ chức KCB BHYT ban đầu.

Một điểm khác tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người tham gia BHYT là trước đây, theo quy định tại Thông tư liên tịch số 41/2014/TTLT-BYT-BTC, người tham gia BHYT khi đến KCB phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải xuất trình một loại giấy tờ chứng minh về nhân thân của người đó.

Nay tại dự thảo này, Bộ Y tế đề xuất quy định, người tham gia BHYT khi đến khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp số thẻ BHYT hoặc xuất trình thẻ BHYT có ảnh; trường hợp thẻ BHYT chưa có ảnh thì phải cung cấp số định danh cá nhân hoặc xuất trình một trong các loại giấy tờ sau:  Thẻ căn cước công dân còn giá trị hiệu lực; Chứng minh nhân dân còn giá trị hiệu lực (bao gồm cả chứng minh quân đội); Hộ chiếu còn giá trị hiệu lực; Thẻ học sinh, sinh viên, học viên còn giá trị hiệu lực (đối với học sinh, sinh viên chưa đủ tuổi làm chứng minh minh nhân dân); Các giấy tờ có ảnh khác do cơ quan quản lý nhà nước hoặc cơ quan nơi người đó đang công tác, làm việc cấp hoặc xác nhận.

Dự thảo này cũng nêu rõ, trường hợp người bệnh không mang theo thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục KCB thì có trách nhiệm cung cấp với cơ sở KCB số của thẻ BHYT và một trong các giấy tờ trên.

Trường hợp người bệnh không mang theo thẻ BHYT tại thời điểm làm thủ tục KCB và không cung cấp được các thông tin trên thì sẽ phải thanh toán như đối với người không có thẻ BHYT và chỉ được thanh toán chi phí KCB BHYT kể từ thời điểm xuất trình thẻ BHYT.

Theo ông Phạm Lương Sơn - Phó Tổng giám đốc BHXH Việt Nam, trong năm 2017, BHXH sẽ thông báo đến mỗi người có thẻ BHYT mã số định danh của mình. Người tham gia BHYT hộ gia đình sẽ được thông báo thông qua chính quyền xã/phường. Mã số này cũng được lưu trên hệ thống máy tính của cơ quan BHXH. Hệ thống mạng của BHXH liên thông với các cơ sở điều trị có thể tra được khi người bệnh thông báo mã định danh.

“Mã số định danh không chỉ kiểm soát việc cấp trùng thẻ mà còn hỗ trợ trong khi đăng ký khám BHYT. Hiện tại, BHXH Việt Nam đã có mã số định danh cho 76 triệu thẻ BHYT, trong đó đã đồng bộ được 67 triệu thẻ. Số còn lại sẽ hoàn thành trong năm 2017. Những người tham gia BHYT hộ gia đình cũng được cấp mã số định danh riêng”, ông Sơn cho biết.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.