Ðàn chó săn của hoàng đế

TP - Năm 1747, sau Bách tuấn đồ, họa sĩ cung đình Castiglione Lang Thế Ninh phụng lệnh vẽ loạt tranh gồm 10 bức miêu tả 10 loại danh khuyển cao quý của Hoàng đế Ung Chính. Loạt tranh đàn chó săn Thập tuấn khuyển đồ này của hoàng đế triều Thanh cũng nổi tiếng như bức Bách tuấn đồ.

Ở tuổi 27, Giuseppe Castiglione bước chân lên tàu và cánh buồm đưa ông từ Ý sang tới Trung Quốc, có lẽ ông không hề nghĩ rằng sẽ dành hết phần đời còn lại ở đó, nơi mà ông đã được các hoàng đế quý trọng và hoà mình vào một nền văn hoá rất khác với xứ sở của ông vốn là cái nôi của văn hoá nghệ thuật Phục hưng.

Sinh năm 1688 tại Milan, Castiglione bắt đầu học nghệ thuật từ nhỏ, và học tại xưởng vẽ của họa sư danh tiếng Botteghe degli Stampatori. Ở đó, ông chịu ảnh hưởng Andrea Pozzo, một họa sĩ vẽ bích hoạ nổi tiếng và cũng là thành viên của Dòng Tên (Jesuits). Năm 1707, ở tuổi 19, Castiglione chính thức vào Dòng và lên thành phố Genoa để được đào tạo thêm.

Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 1 Sương hoa diêu.
Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 2 Diệm tinh lang.
Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 3 Kim sí hiểm.
Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 4 Thương thuỷ cầu.

Mấy năm sau, Castiglione được phái đi truyền giáo ở Trung Quốc. Ông tới Bắc Kinh năm 1715, là một đợt khác trong làn sóng truyền giáo của Công giáo La Mã vốn đã bắt đầu chảy vào đất nước này gần hai thế kỉ trước đó. Từ năm 1552 đến năm 1800, tổng cộng có 920 linh mục Dòng Tên từ Ý, Bồ Ðào Nha và Pháp đã tới Trung Quốc tham gia vào công cuộc của Dòng này nhằm cải đạo người Trung Quốc sang Ki tô giáo; tất nhiên, đây là sứ mệnh vô cùng khó khăn đối với một nền văn minh đã quá ổn định và đã định hình Tam Giáo suốt mấy ngàn năm.

Vào thời điểm ảnh hưởng lên tới đỉnh cao của họ, các thành viên của phái đoàn Dòng Tên nằm trong số các cố vấn sáng giá và đáng tin cậy nhất của những hoàng đế Trung Quốc, và họ nắm giữ nhiều địa vị uy tín trong chính quyền triều đình và làm việc với tư cách là những thợ cơ khí, nhạc sĩ, họa sĩ, nhà chế tạo dụng cụ và những lĩnh vực khác đòi hỏi một trình độ chuyên môn cao về kĩ thuật.

Khi hoàng đế Ung Chính đăng quang năm 1723, vận mệnh của Castiglione đã thay đổi hoàn toàn: ông nhận ủy nhiệm cung đình vẽ họa phẩm mà sau này có tên là Bách tuấn đồ (Một trăm con tuấn mã), được vẽ trên cuốn lụa dài tới 8m. Castiglione mất 5 năm để hoàn tất và được coi là tác phẩm lớn nhất của ông. Năm 1735, Bách tuấn đồ được trình lên Hoàng đế Càn Long mới lên ngôi thưởng ngoạn và vua tuyên bố đây là một kiệt tác. Ngay sau đó, Castiglione được bổ nhiệm là họa sĩ chính của Hoàng đế.

Vào đầu những năm 1720, Castiglione lấy tên chữ Hán là Lang Thế Ninh, ông đã đem phong cách hội họa châu Âu vào những chủ đề truyền thống Trung Quốc. Nhờ vậy, ông đã tạo nên một sự lai ghép mới khi kết hợp bút pháp tả thực của phương Tây với bố cục tranh truyền thống Trung Quốc. Ngoài việc phác thảo và thiết kế kĩ lưỡng, ông dùng lối miêu tả hình tượng cẩn thận của châu Âu và những kĩ thuật như tương phản sáng tối, luật viễn cận và nét cọ. Về chất liệu, Castiglione dùng màu tempera để vẽ trên lụa, và việc sáng tác đòi hỏi phải chuẩn bị những bản vẽ rất chi tiết. Không như trên vải bố, nét bút lông trên lụa hầu như không thể tẩy đi cũng như không thể vẽ lại như theo lối hội họa phương Tây.

Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 5 Mặc ngọc li.
Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 6 Như hoàng báo.
Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 7 Tuyết trảo lô.

Ngoài tư cách họa sĩ, Castiglione cũng phụ trách việc thiết kế các cung điện theo phong cách phương Tây, và vẽ quy hoạch các khu vườn của Cung điện Mùa hè (hay Viên Minh Viên). Các công trình kiến trúc này do Castiglione thiết kế được xây dựng bằng đá và gạch với cơ sở hạ tầng bằng gỗ của Trung Hoa và được trang trí bằng những ô kính màu. Ông vẽ trang trí trên những bức tường cung điện này với những quang cảnh ảo thị (trompe l’oeil). Và không chỉ cung điện và ngự viên, còn có những chuồng chim, một mê cung và những bức tranh lớn vẽ phối cảnh làm phông như một sân khấu ngoài trời. Ðiều đáng buồn, những công trình kiến trúc và nghệ thuật này đã bị phá huỷ trong cuộc chiến tranh Nha phiến năm 1860.

Sau khi trải qua gần hầu hết cuộc đời của mình ở Trung Quốc, và phục vụ làm hoạ sĩ cung đình qua suốt ba đời hoàng đế, Castiglione qua đời ở Bắc Kinh vào tháng 7 năm 1766. Sự kết hợp giữa nghệ thuật phương Tây và phương Ðông của ông là cột mốc quan trọng trong lịch sử văn hoá Trung Quốc - vào một thời điểm khi mà xã hội lựa chọn những quan niệm mới và khám phá những viễn cảnh mở rộng thế giới.

Thập tuấn khuyển đồ

Sự chọn lựa những con chó săn làm chủ đề hội họa cũng phù hợp với tầm quan trọng văn hoá của giống chó săn trong lịch sử. Vào thời Hán (206 TCN - 220 CN) đã có một quan thanh tra chuyên giám thị việc nuôi dưỡng và huấn luyện trại nuôi chó cho cung đình. Trên những phiến gạch tìm thấy trong các lăng mộ đời Hán thời sơ kì đã có miêu tả hình tượng những loại chó săn.

Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 8 Mạch không thước.
Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 9 Ban cẩm bưu.
Ðàn chó săn của hoàng đế ảnh 10 Thương nghê (Ngao Tây Tạng).

Hoàng đế Càn Long rất nể trọng kĩ năng nghệ thuật của Castiglione, và họa sĩ người Ý này đã trải qua nhiều năm vẽ đủ các đề tài của hội họa cung đình, và không chỉ sở trường vẽ tuấn mã ông còn vẽ đặc sắc những loại danh khuyển, từ chó săn cho tới chó kiểng. Một bức tự họa cho thấy Castiglione với chú chó săn, và chính ông cũng là người biết nghệ thuật nuôi dưỡng và huấn luyện chó săn cừ khôi trong cung đình.

Ngoài những con tuấn mã mà hoàng đế cưỡi ngựa đi săn, tất nhiên không thể thiếu những con "tuấn khuyển" hay đàn chó săn thuộc giống tốt, nhất là đối với tộc Mãn Châu.  Vì vậy, năm 1747 sau Bách tuấn đồ Castiglione phụng lệnh vẽ loạt tranh gồm 10 bức miêu tả 10 loại danh khuyển cao quý của Hoàng đế Ung Chính. Trên chân dung mỗi "chú khuyển" đều có đề tự bằng chữ Hán, chữ Mãn Châu và chữ Mông Cổ, nêu tên giống chó cũng như danh tính của vị quan địa phương dâng tặng hay những thủ lĩnh bộ lạc triều cống. Loạt tranh đàn chó săn Thập tuấn khuyển đồ này của hoàng đế triều Thanh cũng nổi tiếng như bức Bách tuấn đồ.

Về hình thể nói chung của những chú chó săn trong Thập tuấn khuyển đồ (ngoại trừ giống Ngao Tây tạng, bức số 10), chúng có đầu nhỏ, mõm dài, bốn chi đều cao ráo cường tráng, ngực nở eo thon, thân mình mảnh mai linh hoạt với tốc độ nhanh nhẹn đáng kinh ngạc. Chúng có kĩ năng giỏi trong việc săn bắt và là trợ thủ đắc lực cho hoàng đế khi đi săn. Một số là giống chó bản địa có họ hàng với giống Sighthound và rất tương tự với những giống Greyhound, Whippet và Saluki ngày nay. Một bức vẽ giống chó Ngao Tây Tạng (Tibetan Mastiff), trong khi những con khác có đặc điểm của giống Great Dane và có con giống Foxhound.

Ngày nay, Thập tuấn khuyển đồ của Castiglione có lẽ nổi tiếng hơn hết, và chúng lưu trữ trong Bảo tàng Cố cung ở Ðài Bắc và ta có thể thấy chúng xuất hiện trên những tem bưu chính và áp-phích trên khắp thế giới.

MỚI - NÓNG