Bằng cấp cao, văn hóa thấp

Bằng cấp cao, văn hóa thấp
TP - Tôi được một vị giáo sư kể lại câu chuyện về cô học trò đang học cao học mà thầy nhận hướng dẫn luận án. Ông rất thất vọng khi nhiều lần cô cử nhân chuẩn bị gia nhập vào đội quân hàng vạn thạc sỹ ấy cất giọng oanh vàng qua điện thoại: “Thầy ơi, em gọi cho thầy để bảo thầy là...”.

Vị thầy đáng kính ấy chỉ còn biết lắc đầu trước những ngôn từ mà cô cử nhân không còn ít tuổi này thốt ra, bởi cách xưng hô dường như  ở một vùng thôn quê mà một đứa trẻ nào đó còn chưa được người lớn uốn nắn, chỉ bảo.

Cũng trong mắt của một người đã có rất nhiều thế hệ học trò trưởng thành, ông được chứng kiến không ít cô, cậu có học vị kỹ sư, cử nhân, thạc sỹ, tiến sỹ... nhưng lại không có được những vốn kiến thức tối thiểu về ứng xử. Ông rầu lòng chứng kiến các cô, cậu “bằng cấp đầy mình” ấy không hề lịch sự nhường ghế ngồi trên xe buýt hoặc nhường đường cho người già, phụ nữ, trẻ em...

Không ít “ông nọ, bà kia” ở cương vị cao nên cứ ngỡ đương nhiên mình cũng “trình độ hơn người”, từ cử chỉ, điệu bộ cho đến những lời nói hằng ngày luôn tỏ ra trịch thượng, quan cách. Có vị chọn cách “tự tỏa sáng” bằng việc... nói xấu người khác.

Phổ biến nhất là đánh giá thấp những người gần gũi mình cả trong công việc lẫn mối quan hệ, nhất là đội ngũ trợ lý, chuyên viên, những ông phó, bà phó có tài năng và triển vọng “thay thế” mình.

Nhiều  người “học cao” lại mang thói xấu là tính đố kỵ ngay cả với bạn bè một thuở cắp sách. Khi biết bạn đồng môn giờ đây đang giữ chức vụ này, cương vị kia, họ bắt đầu đem “thời quá khứ” của “thằng ấy”, “con ấy” ra để so sánh (dĩ nhiên là không bằng) với những gì mình đạt được.

Mới đây, biết chuyện em Nguyễn Thị Bình (tức Thông) bao năm qua bị vợ chồng chủ quán phở ở Nhân Chính (Thanh Xuân, Hà Nội) hành hạ mà không thấy cán bộ, chính quyền trên địa bàn can thiệp, rất nhiều vị học vấn cao đã bày tỏ sự bức xúc của mình trước vụ việc này.

Nhưng cũng rất ít người tự nhận thấy nguyên nhân chính để cái ác tồn tại chính là sự im lặng của bản thân, bởi trong công việc hằng ngày ở cơ quan, nhiều người vẫn thường áp dụng chiến thuật “mũ ni che tai” hoặc quan điểm “không biết, không nghe, không nói” và mặc nhiên để cái ác tồn tại.

Ở môi trường có rất đông những người có học vấn cao này, chẳng may có phát hiện ra sai phạm của ai đó thì đương nhiên nguyên lý “công tôi, lỗi chúng ta” được đem ra áp dụng. Có dịp tiếp xúc nhiều với những người được tạm coi là “bằng cấp đầy người” ấy, hẳn nhiều độc giả sẽ giật mình nhận thấy (đôi khi) bằng cấp lại thường tỷ lệ nghịch với độ dày của “phông” văn hóa.

MỚI - NÓNG
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
Trung ương Đoàn trao tặng công trình số hoá khu di tích lịch sử tại Điện Biên
TPO - Trung ương Đoàn thực hiện 3 công trình số hóa các di tích lịch sử, địa chỉ đỏ cho tỉnh Điện Biên nhân dịp kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, gồm: Điểm Di tích Sở Chỉ huy Chiến dịch Điện Biên Phủ ở Mường Phăng, Điểm Di tích Đồi A1 và Điểm Di tích Trung tâm đề kháng Him Lam (Đồi Him Lam), với tổng trị giá 300 triệu đồng.