'Bất chấp tất cả, mùa xuân cứ đến, và mọi người cứ nở nụ cười đón Tết'

TP - Giáp Tết, hoa nở rất ngập ngừng nơi này, còn ở nơi kia, hoa lại nở tưng bừng quá sớm. Cái thời điểm luôn là một câu chuyện: cứ phải đúng thời điểm mới ăn tiền, đúng thời điểm mới tốt. Hoa bán Tết thì phải nở đúng Tết, người lãnh đạo đất nước muốn tạo nên vận hội mới thì phải chọn đúng thời cơ để có quyết sách. Và phải nhận ra những chân giá trị. Nhận ra giá trị thực thì mới đánh giá đúng đâu là “đồ thật” còn đâu là “đồ chơi”. 

Tôi nhớ, cách đây vài thập kỷ, ra chợ mua cá khoai chỉ là những người nghèo, vì cá khoai khi ấy cực rẻ. Còn bây giờ, ở chợ quê tôi, cá khoai đã “lên ngôi” là một loại cá đắt tiền, bởi canh cá khoai đã vào nhà hàng, đã thành đặc sản. Vẫn con cá khoai ấy thôi, nhưng mỗi thời đánh giá nó một khác. Vì có những giá trị tiềm ẩn, những giá trị không thể nhận ra ngay, mà phải qua thời gian.

Từ biến đổi khí hậu lại chợt nhớ tới biến đổi…tiếng Việt. Dù biến đổi tiếng Việt chưa gây nguy hiểm gì quá đáng, nhưng cũng đáng để xem xét. Tôi nhớ, ngày còn nhỏ tôi là một học sinh viết không sai chính tả. Vậy mà bây giờ, khi ở tuổi ngoài 70, có một số chữ Việt tôi lại không biết viết thế nào cho phải, chứ chưa hẳn cho đúng. Chữ quốc ngữ của mình, sau mấy trăm năm, vẫn còn những khoảng trống, những “kẻ hở” có thể hiểu sao cũng được. Có thời Bác Hồ viết chữ “z” thay cho chữ “d”, vẫn ổn, người ta vẫn hiểu. Nhưng nói đó là chữ “chuẩn” thì không ai dám quyết, kể cả…Bác Hồ. Vậy đó. Không chỉ ngữ pháp Việt mới là “bão táp”, mà chữ viết Việt cũng còn những chỗ mơ hồ, chưa kể nào là từ Hán Việt, nào là từ “thuần Việt” nhiều khi rối vào nhau, rất khó phân định. Nhưng, không phải vì thế mà mình đề xuất cải tiến lung tung. Cái ấy còn chết hơn là vài ba cái bất tiện trong chữ Việt bây giờ. Nhưng tôi bảo đảm, là chữ Việt trong thơ Việt, thơ thứ thiệt, vẫn vô cùng trong trẻo. Dù là thơ siêu thực hay thơ tượng trưng, vẫn trong trẻo.

Có lẽ nên từ thơ ca mà đánh giá độ trong sáng của ngôn ngữ. Dĩ nhiên, phải là thơ ca thứ thiệt. “Khí hậu thơ ca Việt” cũng có thể biến đổi, nhưng ngôn ngữ thơ ca Việt thì mãi mãi trong sáng. Kể cả khi ngôn ngữ thơ “mờ” nhất, nó vẫn trong sáng. Người ta nói thơ Puskin hay Essenin làm ngôn ngữ Nga trong sáng hơn. Tôi nghĩ đúng như vậy. Không một nhà thơ chân chính nào làm ngôn ngữ mẹ đẻ của mình tối tăm đi. Mọi sáng tạo ngôn ngữ đều với mục đích khiến ngôn ngữ giàu có hơn, mới mẻ hơn, đồng thời trong sáng hơn. 

Có một thứ tài nguyên mà không nhóm lợi ích nào muốn khai thác, đó là ngôn ngữ. Vì vậy, chỉ có chúng ta tự làm nghèo nàn ngôn ngữ dân tộc mình, chứ không phải các nhóm lợi ích. Họ chỉ lo khai thác những tài nguyên bán được, càng nhiều tiền càng tốt. Còn “tài nguyên ngôn ngữ” thì chả biết bán cho ai, chẳng thu được đồng nào. Cũng xin nói, chẳng nhà thơ chân chính nào làm thơ vì tiền cả, dù họ sử dụng và sáng tạo ngôn ngữ khi sáng tác. Ðã có thời đói khổ, tôi thu nhập được đồng bạc lẻ nào đều là từ nhuận bút thơ. Người ta nói “ Chả ai sống vì thơ, chỉ chết cho thơ thôi”, còn tôi, ngược lại, tôi sống vì thơ mà cũng nhờ thơ. Dù sống khổ, nhưng vẫn rất thanh thản. Hóa ra, những người hô hào “chết cho thơ” lại thường là những người sống lâu hơn thơ họ rất nhiều. Có người bị ung thư, tưởng “đi” rồi, lại vẫn sống khỏe. Chỉ có thơ họ, mới in ra đã “cáo phó” ngay. Tự nhiên chết, chẳng biết đau bệnh gì. Tôi lại nhớ Bích Khê. Ông chỉ sống đến 30 tuổi. Nhưng ở thời điểm 2018 này thơ ông đã sống 82 năm. Và còn hứa hẹn sẽ sống lâu hơn nữa.

Bất chấp tất cả, mùa xuân cứ đến, và mọi người cứ nở nụ cười đón Tết.

MỚI - NÓNG