Báu vật của người Nùng An

Bếp lửa của người Nùng An được đặt ở gian chính ngôi nhà
Bếp lửa của người Nùng An được đặt ở gian chính ngôi nhà
TP - Những ngôi nhà sàn ở làng Quảng Hòa, thôn Tam Ðiền (xã Ea Tam, huyện Krông Năng, tỉnh Ðắk Lắk) mang theo văn hóa cội nguồn của người Nùng Ankhi họ di cư đến vùng đất mới. Sau hơn 30 năm thăng trầm, những ngôi nhà ấy vẫn chứa đựng bản sắc, như “báu vật” của người Nùng An trên đất Tây Nguyên.

Nơi giữ hồn dân tộc

Thôn Tam Điền nằm cách trung tâm xã Ea Tam khoảng 4 km, có 114 hộ sinh sống. Trong đó làng Quảng Hòa 57 hộ thì có từng ấy nóc nhà sàn đơn sơ, bình dị nằm gọn trong một thung lũng, lẩn khuất giữa cánh đồng cà phê, cao su xanh bạt ngàn.

Anh Hoàng Đình Tân, Bí thư Chi bộ thôn Tam Điền cho biết: Làng Quảng Hòa 100% là người dân tộc Nùng An di cư vào từ năm 1987, nơi đây là quê hương thứ hai của họ.

Những ngôi nhà sàn mang vẻ đẹp dung dị, bề thế theo kiến trúc truyền thống của người Nùng An. Chiếc cầu thang được đặt ở đầu hồi bên trái, làm bằng gỗ. Anh Tân cho hay, theo quan niệm của người Nùng, số bậc thang lên xuống bao giờ cũng lẻ, để gia đình may mắn, làm ăn thuận lợi.

Bên ấm trà nóng, ông Nông Văn Thòn (SN 1957) chia sẻ: Từ thế hệ này sang thế hệ khác, những ngôi nhà sàn giản dị mộc mạc đã trở thành nét đặc trưng cho đời sống vật chất và tinh thần của người Nùng An. Nhà sàn của gia đình ông vừa được làm lại cách đây hai năm, với tổng chi phí khoảng 600 triệu đồng. Trong nhà, từ cách bố trí không gian thờ cúng tổ tiên, nơi tiếp khách, bếp, buồng ngủ của mỗi thành viên trong gia đình đều thể hiện rõ phong tục, tập quán của đồng bào Nùng. Nét độc đáo trong kiến trúc của ngôi nhà là được xây dựng theo một khuôn mẫu, dù to hay nhỏ thì phía trước nhà cũng có khoảng sàn gỗ rộng, vừa làm nơi phơi nông sản, vừa là nơi gia đình quần tụ và chỗ cho trẻ con vui đùa.

Điểm chung cho ngôi nhà sàn là bếp lửa được đặt ở gian chính của ngôi nhà. Bếp lửa không chỉ đơn thuần dùng để nấu thức ăn, sưởi ấm mà từ xa xưa trong tâm thức của người Nùng, bếp lửa còn là vị thần mang đến điều may mắn. Dưới nếp nhà sàn để các phương tiện, vật dụng lao động.

Gắn kết cộng đồng

Bên bếp lửa bập bùng, câu chuyện của ông Thòn vẫn rầm rì giữa buổi chiều mùa khô gió lạnh, trong vô vàn những mảnh ghép từ câu chuyện không đầu không cuối ấy là tấm lòng người Nùng An hồn hậu, chân tình. Bất cứ ngôi nhà nào ở đây đều in dấu bàn tay cả làng, động lực để cả làng giúp nhau vượt qua gian khó, tình làng, nghĩa xóm càng thêm bền chặt.

Ngôi nhà của gia đình anh Hoàng Đình Tân đã hơn 30 năm vẫn giữ nguyên vẹn nét đặc trưng nhà sàn truyền thống của người Nùng, chỉ thay mới ngói lợp. Anh Tân tâm sự: Từ đời này truyền sang đời khác, ngôi nhà sàn gắn bó với bao thế hệ từ lúc sinh ra, lớn lên cho đến khi từ biệt cuộc sống để về với tổ tiên. Dù cuộc sống người dân ở đây mỗi năm thu nhập hơn 400 triệu đồng/hộ từ cà phê, lúa, cao su, tiêu… có điều kiện xây nhà hiện đại nhưng họ vẫn ở nhà sàn. Mỗi khi có khách từ xa đến chơi, anh Tân đều vui vẻ làm hướng dẫn viên để giới thiệu về nhà sàn của người Nùng cùng nét văn hóa truyền thống, các làn điệu dân ca Nùng, những món ăn đậm bản sắc dân tộc.

Bà La Bế Thủy Trang, Phó chủ tịch UBND xã Ea Tam cho biết: Xã có 16 dân tộc anh em sinh sống, trong đó người Tày, Nùng chiếm 90%. Người Nùng vẫn giữ nếp nhà sàn truyền thống của dân tộc, tạo nên không gian văn hóa đặc sắc để địa phương phát triển du lịch làng bản, bên cạnh lễ hội dân gian Việt Bắc, rượu men lá đặc trưng của người Tày ở Ea Tam.

Tháng 10/2018, đoàn khảo sát của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức khảo sát một số tuyến điểm du lịch tiềm năng tại huyện Krông Năng. Tại xã Ea Tam, đoàn khảo sát tiềm năng du lịch văn hóa homestay tại làng Quảng Hòa, ngôi làng đặc sắc của dân tộc Nùng được xây dựng hơn 30 năm trước.

MỚI - NÓNG