Báu vật đại dương kể chuyện

Nhiều hiện vật đồ gốm tiêu biểu từ những con tàu đắm cổ được trưng bày
Nhiều hiện vật đồ gốm tiêu biểu từ những con tàu đắm cổ được trưng bày
TP - Gần 500 hiện vật nằm trong những con tàu cổ được trục vớt từ biển khơi tập trung kể “Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” tại Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.

BÁU VẬT ĐẠI DƯƠNG

Bình hoa lam vẽ thiên nga được công nhận bảo vật quốc gia, tượng nữ quý tộc, đĩa men trắng vẽ lam khai quật từ con tàu đắm cổ Cù Lao Chàm trong ba năm 1997-2000 nằm trong số gần 500 hiện vật quý. Đây đều là di vật gốm, vốn là hàng hoá trên các con thuyền buôn cổ được phát hiện tại biển Đông Việt Nam, niên đại thế kỷ 15-18. “Trưng bày không chỉ cuốn hút về tên gọi, qua từng hiện vật người xem có cơ hội khám phá những báu vật vô giá dưới đáy đại dương”, TS Nguyễn Văn Cường, Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia cho biết. Ông nói phần trưng bày điểm nhấn mang đến cho người xem nhiều cảm xúc từ những hiện vật đắt giá.

Không gian đủ rộng được thiết kế để báu vật kể chuyện với bốn chủ đề Biển Việt Nam và thương mại đường biển, Đồ gốm thương mại Việt Nam, Con đường tơ lụa trên biển và Những con tàu được khai quật từ đáy biển Việt Nam. Những hiện vật này chọn lọc từ hàng nghìn di vật trong các đợt khai quật khảo cổ tàu đắm khác nhau. Tàu cổ Hòn Cau (Bà Rịa-Vũng Tàu) là con tàu đắm đầu tiên được phát hiện và khai quật năm 1990. Tới nay hàng chục tàu cổ dưới lòng biển Đông Việt Nam được phát hiện, tuy nhiên Bảo tàng Lịch sử Quốc gia chủ yếu khai quật và nghiên cứu sáu con tàu cổ như Bình Thuận, Hòn Dầm, Cù Lao Chàm, Hòn Cau, Cà Mau.

“Tư liệu phong phú, hiện vật đặc sắc nhất là số hiện vật được chọn lọc từ tàu cổ Cù Lao Chàm vốn là niềm tự hào của khảo cổ học dưới biển của Việt Nam”, ông Nguyễn Quốc Bình, Trưởng phòng Trưng bày Bảo tàng Lịch sử Quốc gia nói. Tàu cổ Cù Lao Chàm chứa tới 240 nghìn di vật. Đồ gốm trên tàu này đa dạng về loại hình, men cũng như hoa văn trang trí như hoa lam, gốm men ngọc, gốm men trắng, men nâu đặc trưng cho đồ gốm Việt Nam thế kỷ 15, khác biệt hẳn với đồ gốm sứ Trung Quốc cùng thời. Trong số này có hiện vật trở thành bảo vật quốc gia được Chính phủ công nhận.

Báu vật đại dương kể chuyện ảnh 1

CON ĐƯỜNG GỐM SỨ

Sở dĩ có tên gọi Con đường Gốm sứ bởi đồ gốm sứ là mặt hàng hấp dẫn và được lưu thông nhiều nhất qua “con đường tơ lụa trên biển”. Nhà Minh thực hiện chính sách bế môn toả cảng trong suốt thế kỷ 14-17. Việt Nam bắt đầu sản xuất đồ gốm men hoa lam từ giữa thế kỷ 14, phát triển rực rỡ nhất thế kỷ 15, 16. Đồ gốm Việt Nam đạt tới tộ tinh xảo và được yêu thích, được xuất khẩu tới nhiều quốc gia Đông Nam Á, Nhật Bản, Trung Đông và châu Âu.

Trong số các con tàu đắm mà bảo tàng nghiên cứu, tàu cổ Bình Thuận khai quật 2001-2002 thu được hơn 60 nghìn hiện vật, đa số là gốm hoa lam. Tàu cổ Hòn Dầm chứa hơn 16 nghìn hiện vật của Thái Lan, đồ sành men nâu, ngà voi, đồ đồng, tiền đồng cổ. Tàu cổ Cà Mau cũng chưa hơn 60 nghìn hiện vật cùng một lượng lớn di vật bị khai thác trái phép và bị thu giữ, trong đó nhiều nhất là gốm sứ men trắng vẽ lam và kết hợp vẽ nhiều màu sản xuất ở Trung Quốc đầu thế kỷ 18.

Giám đốc Bảo tàng Lịch sử Quốc gia phân tích, số di vật thu được chính ở những con tàu cổ này vốn là các thương thuyền từ châu Á đến châu Âu trong suốt hàng chục thế kỷ (8-20). Việc nhà khảo cổ phát hiện hàng hoá xuất sứ Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, đồ dùng sinh hoạt Ả Rập, đồ gốm Pháp… vẽ nên bức tranh về giao thương trên biển. Những tư liệu này khẳng định Việt Nam giữ vị trí quan trọng ở châu Á trong thời kỳ hưng thịnh của con đường tơ lụa. “Những di tích tàu đắm cổ được tìm thấy ở vùng biển Việt Nam chứng minh cho sự phát triển rực rỡ trong giao lưu đường biển đương thời”, TS Nguyễn Văn Cường nói.

Khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam còn nhiều điều tiếc nuối. Chẳng hạn vùng biển Phú Quốc (Kiên Giang), Bình Châu (Quảng Ngãi) được coi là nghĩa địa tàu đắm. Chỉ một địa điểm nhỏ có dấu tích của hàng chục tàu cổ. “Chúng ta lưu giữ và bảo quản những kho báu đưa về từ đáy biển. Trưng bày công phu như thế này là cơ hội hiếm hoi để công chúng chiêm ngưỡng và khám phá những bí ẩn chìm sâu dưới đáy biển từ nhiều thế kỷ nay”, TS Phạm Quốc Quân nói. Các nhà chuyên môn cho rằng những hiện vật được trục vớt từ đáy biển cho giới khoa học và công chúng mở mang nhận thức về khoa học khảo cổ. “Đáy biển Việt Nam còn ẩn chứa nhiều bí ẩn, cơ hội cho ngành khảo cổ học dưới nước của ta phát triển”, lãnh đạo Bảo tàng nói.

“Bí mật đại dương từ những con tàu cổ” khai mạc sáng 18/1, mở cửa đón khách hết 18/5/2019. Bộ sưu tập đặc biệt từ đáy biển này từng được giới thiệu ở Mokpo và Busan (Hàn Quốc) từ cuối 2017 đến tháng 4/2018 với tên gọi “Đồ gốm sứ phát hiện ở vùng biển Việt Nam”.

MỚI - NÓNG
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
Giá vé máy bay tiếp tục đắt đỏ?
TPO - “Giá vé sẽ tiếp tục ở mức đắt đỏ, dù có thể giảm nhẹ bởi nguồn cung hạ nhiệt trong mùa thấp điểm. Chi phí vận hành cao do giá dầu, nhân sự khiến giá vé máy bay khó giảm sâu" - ông John Grant - trưởng nhóm phân tích của công ty dữ liệu du lịch OAG - dự báo.