Báu vật thời văn nghệ kháng chiến

Đội nhạc thiếu sinh quân trong sách ảnh của Trần Văn Lưu.
Đội nhạc thiếu sinh quân trong sách ảnh của Trần Văn Lưu.
TP - Sách ảnh 172 trang khổ lớn, gần hai trăm bức cũ mới: Bức “thâm niên” nhất đã trải gần ba phần tư thế kỉ, bức “mới” hơn ngót vài thập niên. Còn cảm nhận chung toát ra ngay từ cái nhìn đầu tiên là sự tươi rói của những hình ảnh xưa cũ, những hình ảnh một đi không trở lại của một thời trong trẻo, huy hoàng, khi các văn nghệ sĩ đồng hành trong cuộc kháng chiến chống thực dân xâm lược.

Văn nghệ & Kháng chiến qua ống kính Trần Văn Lưu Nhà xuất bản Kim Đồng ấn hành, nhân dịp kỉ niệm 70 năm thành lập Hội Văn nghệ Việt Nam, tiền thân của các hội văn học nghệ thuật chuyên ngành sau này, đồng thời vừa có mặt tại Hội sách Thành phố Hồ Chí Minh lần thứ 10, tháng 3/2018.

Sách gồm hai chủ đề chính: Hình ảnh các văn nghệ sĩ trải dài trong cuộc kháng chiến chống Pháp cho đến khi hòa bình lập lại, và đời sống văn nghệ và kháng chiến trong những năm tháng ấy. Ở đây có ảnh chân dung và chụp nhóm, ảnh sáng tác và tư liệu, ảnh chụp người và sự kiện, ảnh phản ánh hoạt động của bộ đội và thiếu sinh quân, sinh hoạt của nhân dân và đời sống văn hóa cộng đồng… Sách ảnh là một bức tranh khá toàn cảnh, tái hiện cảm động về một thời với những dấu ấn riêng.

Một số bức ảnh trong tập sách đã không ít lần được giới thiệu trên sách báo. Như hình ảnh 7 văn nghệ sĩ trước trụ sở Hội Văn nghệ Việt Nam ở Xóm Chòi, bức ảnh các văn nghệ sĩ chia tay nhau lên đường đi mặt trận, hay hình ảnh nhà văn Nguyễn Đình Thi với chiếc mũ ca-lô đặc trưng thời chống Pháp, nhạc sĩ Văn Cao ngồi gảy đàn trong quán cà phê ở thị trấn Me Đồi… Nhưng đó chỉ là một phần trong bộ sưu tập ảnh Trần Văn Lưu mà nay mới có dịp công bố đầy đủ nhất.

Ấn tượng mạnh nhẽ nhất của ấn phẩm, là những hình ảnh đặc biệt quý về các văn nghệ sĩ tham gia kháng chiến ngay từ những ngày đầu. Từ những gương mặt gạo cội đã nổi tiếng từ trước Cách mạng, qua các nhà văn trong nhóm Văn hóa cứu quốc đến các văn nghệ sĩ trưởng thành trong cuộc Kháng chiến chống Pháp, đều tề tựu nơi đây. Có khi đó là bức ảnh độc nhất vô nhị của một nhà văn ít có cơ duyên với ống kính máy ảnh, như Nam Cao. Nhưng cũng có khi là cả chùm 5, 7, thậm chí 10 ảnh về một văn nghệ sĩ, được thể hiện dưới nhiều góc độ, bối cảnh khác nhau, như Thế Lữ, Nguyễn Xuân Khoát, Nguyễn Tuân… Sự nghiệp rất đáng trân trọng của họ dường như càng thăng hoa, tỏa sáng qua những hình ảnh đời thường, bình dị mà nhà nhiếp ảnh ghi lại bằng sự đồng cảm của một người trong cuộc. Những hình ảnh chắc chắn đáp ứng được người hâm mộ và làm hài lòng bạn đọc muốn biết nhiều hơn về các văn nghệ sỹ một thời.

Báu vật thời văn nghệ kháng chiến ảnh 1 Nhà thơ Tố Hữu, nhà văn Nguyễn Tuân, nhà văn Nguyễn Huy Tưởng bên trong trụ sở Hội Văn Nghệ Việt Nam ở Xóm Chòi, Thái Nguyên, 1949.

Nhưng tác giả của những tấm ảnh đó, dường như còn chưa được biết đến một cách rộng rãi, thậm chí còn là xa lạ đối với nhiều người, hay nói như nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam trong Lời giới thiệu cuốn sách, sự nghiệp của ông còn chưa được đánh giá đúng mức. Điều này cũng giống như trường hợp người ta yêu bài thơ mà không biết tên tác giả, thích bài hát mà không biết ai đã sáng tác ra…

Trong sự nghiệp nửa thế kỉ cầm máy của Trần Văn Lưu và cả sau khi ông qua đời, biết bao lần người ta sử dụng ảnh của ông mà không đề tên người chụp, biết bao cơ quan văn nghệ, tòa báo treo ảnh ông chụp mà không ghi rõ tác giả. Chưa kể, trong suốt cuộc đời mình, nhà nhiếp ảnh luôn chọn lối sống độc lập và hành nghề tự do, không có chân trong tổ chức, hội hè gì, thậm chí cả đến một chỗ làm trong cơ quan nhà nước. Nhưng cuộc đời vẫn luôn có những người biết trân trọng những giá trị đích thực, cho dù bị khuất lấp thế nào.

Vào một chiều cuối năm, khi chỉ còn ít giờ lưu lại ở Hà Nội trước lúc ra sân bay, nhạc sĩ Phạm Duy, nghe nói về bộ sưu tập ảnh Trần Văn Lưu, đã tìm đến ngôi nhà cũ của ông ở 11 Hàng Bông để được mục sở thị. Và ông đã để lại những dòng lưu bút sau: “… đúng vào ngày 30 Tết, tôi được gặp gia đình cụ Trần Văn Lưu và được coi 300 bức ảnh cụ chụp vào những năm 1946-1954, ghi lại thời kỳ kháng chiến với nhiều bức hình vô cùng quý giá, nhất là với hầu hết các bộ mặt văn nghệ sĩ đi chiến đấu vào lúc tuổi họ còn xanh mướt. Giờ thì trong số văn nghệ sĩ tiền tiến đó, chỉ còn vài ba người còn sống, nhưng những bức hình mà cụ Lưu đã ghi lại qua ống kính đó sẽ làm cho họ bất tử…”.

MỚI - NÓNG