Bích họa - Cơn sốt thiếu vắc-xin

Bích hoạ tại ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng (Bắc Từ Liêm). Ảnh: Nhã Khanh
Bích hoạ tại ngõ Ao Dài, phường Đức Thắng (Bắc Từ Liêm). Ảnh: Nhã Khanh
TP - “Tôi thực sự choáng với cái gọi là tranh bích hoạ ở đường Phan Đình Phùng. Cơ quan quản lý ở đâu khi giữa con phố đẹp nhất nhì Hà Nội lại vẽ cả tranh Phái dởm? Quá phản cảm và ảnh hưởng đến không gian sống của thủ đô. Tôi đề nghị trả lại con phố như hiện trạng ban đầu”- Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam bức xúc. 

“Phẫu thuật thẩm mỹ” chắc gì đã đẹp

Những ngày này, nhóm hoạ sĩ của dự án tranh bích họa trên đường Phan Đình Phùng (Hà Nội) vẫn đang ráo riết làm việc để chuẩn bị cho ngày khai mạc vào 4/11 tới đây. Dự án này được Trường THPT Phan Đình Phùng đặt hàng nhóm họa sỹ là cựu học sinh của trường, thực hiện từ đầu tháng 10/2018 nhân kỷ niệm 45 năm Ngày thành lập trường THPT Phan Đình Phùng. Đến nay, dự án đã gần hoàn thành tổng số 28 bức tranh như dự kiến.

Tuy nhiên, bên cạnh một số ý kiến khen ngợi bích hoạ đã mang lại không khí mới mẻ cho con phố Phan Đình Phùng thì công trình này lại nhận được phản ứng dữ dội từ giới chuyên môn. “Nếu chỉ đơn thuần là món quà cựu học sinh công đức cho nhà trường thì nên vẽ vào mặt trong thuộc khuôn viên nhà trường, chứ không nên biến cả con phố đang đẹp trở nên nhem nhuốc”- Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn, Phó Chủ tịch thường trực Hội Mỹ thuật Việt Nam bức xúc.

Nhà nghiên cứu Hà Nội Nguyễn Ngọc Tiến cũng cho rằng, với vỉa hè rộng, những hàng sấu cổ thụ phủ xanh, những cổng thành, biệt thự Pháp cổ... thì phố Phan Đình Phùng đã đẹp lắm rồi và không cần thiết phải có bích hoạ. “Nhẹ tay” hơn, KTS Trần Huy Ánh (Hội Kiến trúc sư Hà Nội) phân tích, có thể do thực hiện trong thời gian ngắn nên nhiều bức tranh chép lại các bức ảnh tư liệu chưa được kỹ lưỡng và vẫn dừng lại ở mức phác thảo mà chưa thực sự hoàn chỉnh.

 
Bích họa - Cơn sốt thiếu vắc-xin ảnh 1 Các họa sĩ vẫn đang hoàn thành dự án bích họa trên phố Phan Đình Phùng

Đây không phải lần đầu tiên câu chuyện bích hoạ bị đem ra mổ xẻ. Nhưng đây là thời điểm trào lưu bích hoạ đang ngày càng lan rộng khắp nơi. Con đường gốm sứ ven đê sông Hồng có thể coi là công trình bích hoạ đầu tiên ở Việt Nam. Tuy nhiên, phải đến khi làng bích hoạ ở Tam Kỳ (Quảng Nam) xuất hiện và gây sốt thì người ta mới quan tâm hơn đến nghệ thuật vẽ tranh trang trí đường phố. Từ những dự án quy mô lớn, bích hoạ đã len lỏi vào các ngõ nhỏ, phố nhỏ Hà Nội. Ngõ 78 phố Dịch Vọng Hậu (quận Cầu Giấy) thay “áo mới” với bức tường tranh gốm dài 200m; ngõ 68 phố Yên Phụ (Tây Hồ) là những cảnh sắc thành phố Venice nước Ý; ngõ 23, phố Giang Văn Minh (Ba Đình) với những bức họa về quê hương, đất nước; khu tập thể Phụ nữ T.Ư, 39 Pháo Đài Láng (Đống Đa) là những bức tranh một thời làng húng Láng; hay con ngõ nhỏ Ao Dài, phường Đức Thắng (Bắc Từ Liêm) với bờ tường kéo dài 400m với những khẩu hiệu, lời dạy của Bác Hồ…

Tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia mỹ thuật đều cho rằng chất lượng những công trình này đều chưa đạt giá trị cao về thẩm mỹ. Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam Trần Khánh Chương nhận định: “Phát triển nghệ thuật công cộng là điều nên khuyến khích. Tuy nhiên, tôi không đồng tình việc để tự phát khắp nơi trang trí trên phố Hà Nội. Hầu hết những bức vẽ xuất hiện ở các khu dân cư của Hà Nội đều mang tính nghiệp dư, hoặc do những họa sĩ không tên tuổi thực hiện”.

Phần lớn là tự phát và thuộc “quyền địa phương”

Một số chuyên gia nhận định tranh bích họa ở Việt Nam hiện nay đang phát triển dưới 3 hình thức: Thứ nhất là loại tranh được thực hiện có kế hoạch, có sự tư vấn của chuyên gia. Thứ hai là tranh bích họa tự phát, hoạ sĩ non tay nên thiếu thẩm mỹ. Thứ ba là thích gì vẽ nấy, không cần theo chủ đề.

Hầu hết các công trình bích hoạ ở các ngõ phố đều do người dân trong khu tự quyên góp tiền, đồng thuận thuê người về vẽ, tự làm tự thưởng thức. Thậm chí, như ở ngõ Ao dài là hoàn toàn do một hoạ sĩ nghiệp dư tự bỏ tiền túi mua sơn, vật dụng về vẽ. Hay như con đường bích họa tại ngõ 36 Xuân Thủy (Dịch Vọng Hậu, Cầu Giấy) lại được vẽ bởi một nhóm sinh viên trường… Học viện Báo chí và Tuyên truyền.

Đầu năm 2018, Bộ VHTTDL đã gửi công văn đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Du lịch tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, khu du lịch, địa điểm công cộng trưng bày biểu tượng và công trình mỹ thuật ngoài trời đúng quy định của pháp luật, phù hợp với văn hóa Việt Nam. Tuy nhiên, giám đốc Sở VHTT Hà Nội, ông Tô Văn Động cho biết hiện Sở chỉ cấp phép cho những dự án bích họa lớn có Hội đồng nghệ thuật, gồm các thành viên có uy tín trong các lĩnh vực mỹ thuật, nhiếp ảnh, kiến trúc để thẩm định các tác phẩm như dự án Con đường gốm sứ, phố bích họa Phùng Hưng và không có trách nhiệm cấp phép cho những dự án bích họa nhỏ lẻ ở các ngõ phố, xóm làng. Trách nhiệm này thuộc về chính quyền địa phương.

Mà chính quyền địa phương thì dễ đồng thuận, thậm chí hoan nghênh vì không tốn kinh phí lại hạn chế được tình trạng dán giấy quảng cáo, rao vặt, đổ rác bừa bãi, tóm lại là những lý do ngoài mỹ thuật. Chủ tịch UBND phường Kim Mã Nguyễn Thị Vượng chia sẻ: Sắp tới, mô hình trang trí không gian công cộng bằng bích họa với nguồn vốn xã hội hóa tại các khu dân cư sẽ được phường tuyên truyền nhân rộng. Còn ông Vũ Hồng Khang, tổ trưởng tổ dân phố 14, phường Dịch Vọng Hậu thì phân trần: “Chủ yếu chúng tôi hướng tới việc làm đẹp môi trường sống chứ không nghiêng quá nhiều về nghệ thuật”.

Bích họa - Cơn sốt thiếu vắc-xin ảnh 2 Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn

“Động chạm đến không gian văn hoá công cộng là phải hết sức cẩn thận chứ cứ vồ vập, vồn vã, nhiệt tình quá là... chết”.

Họa sĩ Lương Xuân Đoàn

Trước những luồng ý kiến trái chiều, họa sĩ Trần Nhật Thăng, trưởng dự án bích họa “Hà Nội xưa và nay” trên phố Phan Đình Phùng cho biết: Dự án đã nhận được sự chấp thuận và đồng tình của UBND quận Ba Đình nên nhóm vẫn đang tập trung hết mình để hoàn thành dự án.

Vì thực hiện tự phát, thiếu chuyên nghiệp, không có kế hoạch đồng bộ và không có phương án chăm sóc, nên nhiều tranh vẽ trên đường phố có chất lượng kém đã nhanh xuống cấp, càng khiến mỹ quan đô thị xấu đi. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn cho rằng, các thành phố nên quy hoạch những đoạn đường được vẽ bích họa và vẽ ở đâu thì phường, quận đó phải tìm hiểu, có đề xuất cụ thể, trên cơ sở đó sở sẽ xem xét cho phép hay không. Việc cấp phép phải trên cơ sở thẩm định nội dung, cách thức thực hiện để sao cho đạt được hiệu quả cao nhất.

Các chuyên gia cũng cho rằng riêng với các công trình xuất hiện ở những địa chỉ công cộng lớn, trục đường giao thông đông người qua lại thì nhất định phải là những tác phẩm có chất lượng nghệ thuật được thực hiện bởi những họa sĩ có tay nghề cao. Tác phẩm này phải có sự hài hòa với cảnh quan và phải mang lại cảm xúc tích cực cho người xem. Bởi vậy nên có một hội đồng nghệ thuật do cơ quan quản lý văn hóa hoặc hội nghề nghiệp đứng ra thẩm định. Ngoài việc thẩm định chất lượng còn phải có kế hoạch quản lý lâu dài. “Các hoạ sĩ cũng nên có trách nhiệm trong vấn đề này. Đôi khi hãy đặt lợi ích của cộng đồng lên trên để biết từ chối”- Hoạ sĩ Lương Xuân Đoàn nhấn mạnh.

Khi những tranh cãi quanh câu chuyện bích hoạ vẫn chưa chìm xuống thì một công trình bích hoạ với chủ đề “Hà Nội bốn mùa hoa” lại vừa mới hoàn thành cách đây vài ngày tại bức tường đê dài hơn 40m cao 2,2m trên đường Phó Đức Chính, Hà Nội.

Bích hoạ đang như một “cơn sốt” lây lan khắp thủ đô, thậm chí khắp cả nước trong tình trạng chưa có “vắc-xin” kiểm soát.

MỚI - NÓNG