Bố của Cơ-Nghiệp chia sẻ những điều ít biết về gia đình họ Giang

TPO - Có lợi thế sinh ra trong một gia đình truyền thống về võ thuật (ông nội và cha đều là võ sư) nên anh em Cơ Nghiệp sớm tiếp xúc với nghề võ và được tập luyện từ nhỏ.

Theo ông Giang Kiếm Thanh - cha của Cơ Nghiệp thì ông nội 2 anh em là một võ sư khá nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa tại TPHCM. Khi đã hơn 80 tuổi ông nội vẫn lên sân khấu múa võ tại các lễ hội của người Hoa. Còn ông Giang Kiếm Thanh thì nổi tiếng trong cộng đồng người Hoa bởi món võ “Độc” là múa trồng chuối bằng 3 ngón tay. Hiện nay dù đã cao tuổi, ông vẫn trình diễn món võ này trong các lễ hội người Hoa. Và như nhiều võ sư khác, ông Thanh còn là một lương y chuyên chữa bệnh theo y học cổ truyền. Theo ông những ca chấn thương nếu chữa trị bằng y học cổ truyền sẽ hiệu quả hơn và ít để lại di chứng.

Bố của Cơ-Nghiệp chia sẻ những điều ít biết về gia đình họ Giang ảnh 1  Ông Giang Kiếm Thanh

Cơ và Nghiệp được gia đình dạy múa võ khi chỉ mới 5 tuổi nhưng ông Thanh chỉ muốn con mình tập võ để có sức khoẻ chứ không muốn con theo nghiệp vì không có tương lai. Tuy nhiên 2 anh em lại tỏ ra thích thú với việc học võ nên rất hăng say luyện tập, tỏ ra có năng khiếu về võ thuật.

Năm lên 8 tuổi, Quốc Cơ đã lên sân khấu trình diễn võ và sau đó một thời gian, Quốc Nghiệp nối tiếp anh cũng đi trình diễn võ thuật. Thấy con ham mê võ, ông Thanh đã cho cả hai theo học môn Thể dục nhào lộn tại Nhà Văn hoá Nguyễn Du. Rồi một lần thấy Cơ diễn nhào lộn hay, một người trong xóm đã giới thiệu cho Cơ tham gia Ðoàn xiếc TPHCM. Có năng khiếu sẵn nên chỉ thời gian ngắn, Cơ đã trở thành diễn viên chính của đoàn. Năm đó Cơ mới 14 tuổi. 4 năm sau, Nghiệp cũng theo anh, tham gia Ðoàn xiếc.

Bố của Cơ-Nghiệp chia sẻ những điều ít biết về gia đình họ Giang ảnh 2Ông Thanh trong lần điều trị chấn thương cho Quốc Nghiệp năm 2012

Khi Nghiệp đăng ký vào đoàn xiếc, ông Thanh đã nghiêm khắc bảo: “Con nghĩ cho kỹ, nghề xiếc cực khổ lắm nhưng đã theo là phải theo tới cùng chứ đừng bỏ giữa chừng”. Cơ đã hứa sẽ không bỏ cuộc và sau bao năm, Cơ vẫn thực hiện lời hứa đó. Ông Thanh bảo trong 2 anh em thì Cơ trầm tĩnh, điềm đạm còn Nghiệp thì ngược lại sôi nổi nhưng dễ bốc đồng. Tuy nhiên, 2 anh em với tính cách tưởng như trái ngược đó khi kết hợp với nhau lại rất ăn ý.

Trong mỗi tiết mục, Cơ luôn là người cầm chịch, làm nền còn Nghiệp thì tung tẩy sáng tạo. Còn trong bất cứ khó khăn nào, Cơ luôn là người quyết định. Ông Thanh bảo: “Bên ngoài Cơ rất thương em nhưng trong khi biểu diễn lại rất nghiêm khắc với em. Còn Nghiệp luôn tôn trọng, nghe lời anh. Có lẽ vì thế mà 2 anh em mới phối hợp tốt trong các phần diễn chung”. 

Bố của Cơ-Nghiệp chia sẻ những điều ít biết về gia đình họ Giang ảnh 3 Đại gia đình hạnh phúc
Ông Thanh cũng kể, nhiều lần Nghiệp bị chấn thương, giấu cha mẹ nên khi nghe tin ông chỉ biết nuốt nước mắt vào trong. “Có cha mẹ nào không thương con. Tôi biết nói tụi nó bỏ nghề nó không chịu đâu. Tính tụi nó tôi biết, đã làm là làm cho bằng được. Thôi thì chỉ biết động viên con hãy cẩn thận, đừng làm gì quá sức mình".
Cũng theo ông Thanh, so với bạn bè đồng lứa, 2 anh em có nhiều khác biệt khi chỉ lo tập luyện và biểu diễn, ít đi chơi, ít được hòa mình vào cùng với bạn bè. “Những ngày nghỉ ở nhà, nói là nghỉ ngơi nhưng 2 anh em đâu có nghỉ, ngày nào cũng tập luyện mấy tiếng đồng hồ, rồi ăn uống cũng phải đúng quy định. Tôi cũng bảo tụi nó thôi thì cũng phải nghỉ ngơi, đi chơi đâu đó với bạn bè đi nhưng chúng không chịu”, ông Thanh nói thêm. 
MỚI - NÓNG
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
Những bộ phim đầu tiên về chiến dịch Điện Biên Phủ
TP - Ngày 15/3/1953, nền Điện ảnh Cách mạng Việt Nam được thành lập tại chiến khu Việt Bắc. Một năm sau, ngày 13/3/1954, Chiến dịch Điện Biên Phủ diễn ra. Khi đó, trước và sau chiến dịch Điện Biên Phủ, điện ảnh Việt Nam đã có những bộ phim đầu tiên nói về chiến dịch này.