Bỏ quy định cấm, nới lỏng quản lý biểu diễn?

Nghệ sĩ hải ngoại được tạo điều kiện về Việt Nam biểu diễn nhiều hơn. Ảnh: Trí Bùi.
Nghệ sĩ hải ngoại được tạo điều kiện về Việt Nam biểu diễn nhiều hơn. Ảnh: Trí Bùi.
TP - Sáu năm ban hành hai nghị định, nay Bộ VHTTDL tiếp tục trình Chính phủ đề nghị xây dựng Nghị định quy định hoạt động biểu diễn nghệ thuật, trong đó hướng tới bãi bỏ một số quy định cấm, đồng thời nới lỏng thủ tục cấp phép và biểu diễn.

BỎ QUY ĐỊNH CẤM

Lĩnh vực biểu diễn nghệ thuật chứng tỏ sức nóng khi chỉ trong sáu năm có tới hai Nghị định số 79/2012 và Nghị định sửa đổi 15/2016. Lãnh đạo Bộ VHTTDL đánh giá hai nghị định này “tạo hành lang pháp lý cơ bản minh bạch” đồng thời tinh giản thủ tục hành chính theo tinh thần của Chính phủ điện tử. Tuy nhiên nó cũng bộc lộ bất cập. Trong Tờ trình Chính phủ vừa qua, Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên nêu: “Lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn chứa đựng yếu tố đặc thù cao do đặc điểm có tính sáng tạo, nhanh thay đổi và tiếp nhận cái mới vì vậy một số quy định không còn phù hợp với thực tiễn, cần sớm sửa đổi bổ sung kịp thời nhằm tạo hành lang pháp lý giúp quản lý tốt hơn hoạt động nghệ thuật biểu diễn”.

Một trong những bất cập được dư luận và cơ quan quản lý nhà nước nhiều lần bàn thảo chính là cần “bãi bỏ quy định cấm trong văn bản dưới luật và hướng dẫn chi tiết Điều 7 Luật Đầu tư về điều kiện đầu tư, kinh doanh trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn”. Bộ nhận thấy hiện quy định cấm các hoạt động biểu diễn, tổ chức biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang, thi người đẹp người mẫu cũng như lưu hành, kinh doanh bản ghi âm ghi hình ca múa nhạc sân khấu tại Điều 6 Nghị định 79 “không còn phù hợp với quy định tại khoản 2, Điều 14 Hiến pháp: Quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật. Vì vậy các quy định này cần được bãi bỏ để nghiên cứu quy định trong đạo luật chuyên ngành”.

Giải pháp khi xây dựng Nghị định mới của Bộ là “bãi bỏ các quy định cấm tại Điều 6 Nghị định số 79, quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các tổ chức cá nhân khi tham gia các hoạt động liên quan, đồng thời xác định rõ vai trò trách nhiệm để làm cơ sở ban hành quy phạm chế tài xử lý”. Nghị định mới cũng quy định cụ thể điều kiện của chủ thể đầu tư, kinh doanh dịch vụ biểu diễn nghệ thuật trên cơ sở hướng dẫn quy định của Luật Đầu tư năm 2014.

Cởi mở hơn

Những thay đổi lớn nhất trong xây dựng Nghị định lần này là chính sách cởi mở hơn đối với các tổ chức, cá nhân hoạt động biểu diễn nghệ thuật. Năm ngoái rộ dư luận nên bỏ cấp phép ca khúc âm nhạc trước 1975, nay Bộ đưa nội dung này vào nhóm các chính sách thay đổi lớn nhất khi xây dựng Nghị định mới. Cụ thể, Bộ nêu vấn đề phát sinh trong quản lý cấp phép ca khúc trước 1975 như: Việc cấp phép một số bài hát đã trở nên quen thuộc, phổ biến có cần thiết? Danh mục bài hát được phổ biến rộng rãi có phù hợp thực tế? Giải pháp do Bộ đưa ra dựa trên tinh thần của Chính phủ “Các bài hát quen thuộc, phổ biến trong thực tế, nếu không có nội dung, ca từ trái thuần phong mỹ tục, xâm phạm lợi ích quốc gia thì không cần cấp phép phổ biến, không phụ thuộc địa điểm, thời gian sáng tác”.

Việc cấp phép cho nghệ sĩ Việt ở nước ngoài về nước biểu diễn thời gian qua bộc lộ bất cập, cụ thể là không cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ mà chỉ cấp phép cho công ty tổ chức. Ban soạn thảo bổ sung theo hướng cấp phép trực tiếp cho nghệ sĩ, không cần phải thông qua pháp nhân Việt Nam, giấy phép có hiệu lực trên phạm vi toàn quốc.

Quanh lùm xùm về thỏa thuận sử dụng quyền tác giả trong hồ sơ xin cấp phép chương trình, Bộ hướng tới “Không quy định bản sao hợp đồng hoặc văn bản thỏa thuận với tác giả hoặc chủ sở hữu quyền tác giả trong thành phần hồ sơ đề nghị cấp giấy phép tổ chức biểu diễn”. Trong khi đó, Bộ sẽ quy định trong đơn đề nghị nội dung cam kết của đơn vị đề nghị đối với cơ quan cấp phép về việc tuân thủ và thực thi quyền tác giả và liên quan để làm cơ sở xây dựng quy định xử phạt hành chính, thậm chí áp dụng biện pháp đình chỉ hoạt động tổ chức biểu diễn của tổ chức và cá nhân vi phạm. Ngoài ra, Bộ cũng nới tiêu chí cho phép thí sinh thuộc danh sách Top 10 thí sinh xuất sắc nhất trong các cuộc thi người đẹp, người mẫu trong nước được tham dự cuộc thi quốc tế.

Thông thoáng hơn nhưng vẫn an toàn

Thứ trưởng Bộ VHTTDL Vương Duy Biên khẳng định quan điểm của Bộ: Xây dựng Nghị định chặt chẽ, sát thực tiễn hơn, thông thoáng nhưng vẫn đảm bảo an toàn. Liên quan đề xuất nên lập danh mục ca khúc cấm thay vì danh mục ca khúc được phổ biến - khó khả thi, cho nên chưa thể bỏ hẳn việc cấp phép tuy nhiên sẽ thông thoáng hơn “nhưng phải an toàn để không lọt tác phẩm đi ngược quyền lợi quốc gia và truyền thống văn hóa”, ông Vương Duy Biên nói. Bộ trình dự thảo Nghị định vào cuối 2018, hiện lấy ý kiến các bộ, cơ quan, tổ chức liên quan. Lãnh đạo Bộ hy vọng nhận được ý kiến đóng góp rộng rãi của mọi tầng lớp nhân dân.

Ông Phan Phương, Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam cho rằng Bộ nên cập nhật và công khai danh sách ca khúc được cấp phép, tránh làm khó tác giả, gia đình tác giả, người sở hữu tác phẩm hoặc đơn vị tổ chức biểu diễn - phải xin cấp phép nhiều lần.

MỚI - NÓNG