Vụ thoái vốn ở hãng phim: Bộ Văn hóa làm trái kết luận của Thanh tra?

NSND Nguyễn Thanh Vân nêu bức xúc quanh văn bản của Bộ VHTTDL Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
NSND Nguyễn Thanh Vân nêu bức xúc quanh văn bản của Bộ VHTTDL Ảnh: NGUYÊN KHÁNH
TP - NSND Nguyễn Thanh Vân, Nguyên Phó Giám đốc Hãng phim truyện Việt Nam đại diện nhóm nghệ sĩ phản ứng văn bản mới đây của Bộ Văn hóa-Thể thao-Du lịch (VHTTDL), cho rằng “trái với kết luận của Thanh tra Chính phủ” về công tác cổ phần hoá hãng phim. 

VĂN BẢN GÂY HOANG MANG

NSND Nguyễn Thanh Vân cùng đạo diễn Nguyễn Đức Việt, biên kịch Trịnh Thanh Nhã, Nguyễn Thị Hồng Ngát, hoạ sĩ Vũ Huy và đại diện vốn nhà nước tại hãng phim chủ động gặp gỡ báo chí sáng 14/11 tại Hội Điện ảnh Việt Nam. Nguồn cơn đến từ văn bản số 4974 của Bộ VHTTDL về việc thực hiện Kết luận Thanh tra công tác cổ phần hoá Hãng phim truyện Việt Nam, do Thứ trưởng Lê Quang Tùng ký ngày 29/10. “Tôi cho rằng đây là văn bản bất khả thi”, NSND Thanh Vân nói. Yếu tố bất khả thi ở chỗ ngày 12/11 mới nhận được công văn, nhưng hạn nộp loạt báo cáo giải trình trước 15/11.

Nhóm nghệ sĩ tâm huyết với hãng phim phân tích về sự bất khả thi của văn bản nêu trên: Toàn bộ quá trình về đất đai, xác định vốn trong hai năm với đầy đủ ban bệ từ kiểm toán, tư vấn còn không làm đúng giờ giao cho hai người đại diện vốn nhà nước không vốn trong tay, không có con dấu thực hiện. Một loạt vấn đề đất đai xung quanh Hãng phim kéo dài cả chục năm nay chưa giải quyết được, vậy mà Bộ yêu cầu phải giải trình trong vài ngày. “Khi thảo văn bản này, Bộ biết rõ bất khả thi”, NSND Thanh Vân nói.

Điều bức xúc nhất của nghệ sĩ là phần yêu cầu kiện toàn ngay bộ máy lãnh đạo của công ty, sắp xếp phòng ban, thành lập hội đồng tư vấn nghệ thuật, ổn định đời sống cán bộ công nhân viên. Yêu cầu nhà đầu tư chiến lược bổ sung thêm nội dung về mục tiêu, kế hoạch, giải pháp về đổi mới công nghệ phát triển thị trường, giải pháp sử dụng nguồn nhân lực nhất là đối với đạo diễn, quay phim, biên kịch, cũng như phương án hỗ trợ sản xuất kinh doanh để Hội đồng quản trị, Ban Giám đốc xem xét, phê duyệt, bổ sung vào kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty trong thời gian tới.

“Điều này hoàn toàn trái với kết luận thanh tra là yêu cầu cho Tổng Cty Vận tải thuỷ (VIVASO) thoái vốn, Bộ tìm nhà đầu tư mới”, đạo diễn Thanh Vân nói. Các nghệ sĩ nghi ngờ Bộ VHTTDL đang kéo dài thời gian thực hiện kết luận Thanh tra Chính phủ về việc cổ phần hoá hãng phim. Hãng phim ngưng trệ 4 năm nay, chờ quyết định thanh tra trong 8 tháng, chờ thêm 2 tháng để nhà đầu tư chiến lược thoái vốn và tới nay chưa biết khi nào có thể gây dựng lại hãng phim từ mớ bòng bong. Đó là nỗi niềm của nhiều nghệ sĩ gắn bó với hãng phim.

BỘ ĐÚNG QUY TRÌNH?

Chánh Văn phòng, Người phát ngôn Bộ VHTTDL Nguyễn Thái Bình, Chánh Thanh tra bộ Phạm Cao Thái và ông Trần Hoàng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính chủ trì cuộc trao đổi nhanh với báo chí chiều 14/11 xung quanh văn bản gây tranh cãi này. Trả lời về mục đích văn bản, ông Trần Hoàng nói rằng ngày 19/9 Thanh tra Chính phủ công bố Kết luận thanh tra, sau đó Bộ VHTTDL lập kế hoạch triển khai kết luận đó. Bộ phải báo cáo, giải quyết một loạt nội dung liên quan tới các vi phạm từ giai đoạn trước tới nay từ quản lý, sử dụng đất sai mục đích, vấn đề tài chính, bộ máy, chính sách và các sai sót khác.

Văn bản bị nghệ sĩ phản ứng theo giải thích của Bộ VHTTDL đều nằm trong kế hoạch triển khai kết luận thanh tra, Bộ bám sát kết luận thanh tra. “Trong kết luận thanh tra ghi rõ các vấn đề phát sinh ở từng giai đoạn kể cả trước khi cổ phần hoá. Chúng tôi yêu cầu nguyên giám đốc qua các thời kỳ vì cần phải giải trình các sai phạm, tồn tại ở từng thời kỳ khác nhau, có những sai phạm xảy ra ở thời kỳ trước”, ông Hoàng nói. Bộ yêu cầu các cá nhân liên quan giải trình để đánh giá lại khuyết điểm, sai sót phục vụ cho kiểm điểm rõ trách nhiệm cá nhân 
sau này.  

Đại diện Bộ VHTTDL cũng giải thích về yêu cầu cắc cớ khi đề nghị nhà đầu tư chiến lược chuẩn bị thoái vốn thực hiện một loạt nhiệm vụ về kiện toàn bộ máy, bổ sung phương án gỡ rối. “Chúng tôi chỉ yêu cầu họ có ý kiến bổ sung. Phương án cổ phần hoá xây dựng rồi, Bộ có trách nhiệm phê duyệt”, ông Phạm Cao Thái nói.

Người phát ngôn Bộ VHTTDL phân trần không có chuyện Bộ “cố để giữ VIVASO ở lại”. “Chắc chắn VIVASO phải thoái vốn trước thời hạn ở hãng phim truyện. Trách nhiệm của Bộ là đảm bảo quyền lợi hợp pháp, quyền loại chính đáng cho các bên liên quan”, ông Nguyễn Thái Bình nói. Thời hạn nộp các báo cáo giải trình liên quan một loạt vấn đề của hãng phim truyện được lùi xuống 15/12.

MỚI - NÓNG