Bữa ăn trên cỏ * - kể chuyện bằng độc thoại nội tâm

Bữa ăn trên cỏ * - kể chuyện bằng độc thoại nội tâm
TP - Trước khi cầm tập truyện ngắn “Bữa ăn trên cỏ” trên tay, tôi đã đọc nhiều truyện ngắn của Nguyễn Văn Ninh trong vài tuyển truyện ngắn nhiều tác giả, và đọc trên trang web văn học vannghesongcuulong.org (nay đổi tên thành vanchuongviet.org).

14 truyện ngắn trong tập truyện này như cái mốc đầu tiên trong bước đường văn chương của Ninh.

Bữa ăn trên cỏ * - kể chuyện bằng độc thoại nội tâm ảnh 1

Cảm nhận ban đầu, đây là một giọng văn mới nhưng đã sớm có nét riêng. Cái riêng xuất phát từ cách nhìn, cách cảm nhận về con người và cuộc sống của người viết chứ không nằm ở câu chữ. Xuyên suốt trong nhiều truyện ngắn của tác giả này là những độc thoại nội tâm của các nhân vật khác nhau. Điều mà cho đến nay, vẫn là lối hẹp ít nhà văn Việt Nam lựa chọn. Phổ biến cho đến nay, vẫn là lối mô tả hành động, lời nói, kể chuyện từ ngoài vào.

Như nhân vật không tên (chỉ có đại từ nhân xưng “anh”) trong truyện ngắn “Phòng trắng”, bị lâm vào tình trạng không chịu nổi tác động của người khác, thậm chí tác động gián tiếp là những con chữ! “Bước ra khỏi cửa là những dòng chữ xiên xẹo đập vào mắt. Đi thêm một tí nữa thì nào là bơm ga, cắt tóc gội đầu thư giãn, xôi nóng ruốc thịt lạp xường, tẩm quất tại nhà, cà phê Internet, chữa viêm loét dạ dày, thuốc lào hảo hạng, đông y gia truyền (...) biển nọ chồng lên biển kia, dòng chữ to uy hiếp dòng chữ nhỏ...”. Chính vì vậy, nhân vật tự giam mình trong căn phòng màu trắng, trắng toát.

Câu chuyện chẳng có gì, nếu tìm cái gọi là “cốt truyện”, nhưng vẫn cuốn hút, cuốn hút ở chính “dòng ý thức” của nhân vật. Và từ đó, lộ ra một thân phận người trong một bối cảnh tưởng như cũ nhưng bị “nội soi” dưới một ánh sáng khác.

Tình yêu cũng là chủ đề có mặt trong đa số các truyện ngắn của Nguyễn Văn Ninh. Truyện tình kể ra không khéo là nhàm, là lâm vào tình trạng “biết rồi, khổ lắm, nói mãi”. Nhưng với “Bữa ăn trên cỏ” (truyện ngắn được lấy tên làm tên tập), chuyện tình giữa anh trai cày “thất vọng chiều cao, tự hào chiều rộng” và “cơ bắp nổi lên cuồn cuộn như gốc tre” với cô gái quê, sau này ra thành phố, trở về với dáng điệu “Ngồi, tay Diện lần lần đùi mình, cô chân gập đầu gối, móng tay để dài vót nhọn tô màu cánh sen, (...) mười móng chân óng ánh như đồ thờ sơn son thếp vàng...” lại hoàn toàn khác. Không xung đột hành động, không bình luận, tất cả chỉ là những ý nghĩ (của nhân vật) trên một cái nền cử chỉ lời nói như vu vơ, nhưng “sự đời” cứ thế mở ra, và sâu xuống dưới những con chữ, là nỗi đau đớn lặng lẽ...

(*)Bữa ăn trên cỏ - tập truyện ngắn của cây bút trẻ Nguyễn Văn Ninh (Nhật Ninh), Nhà xuất bản Hội Nhà văn và Cty Truyền thông Hà Thế phối hợp ấn hành
MỚI - NÓNG