Cả nể

Cả nể
TP - Các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định: “Người phương Tây duy lý, người phương Đông duy tình”. Chính vì duy tình nên người Việt nhiều lúc trở nên cả nể, không dám nói sự thật, không dám tranh đấu cho lợi ích của mình nếu sự việc xảy ra giữa nhóm bạn thân hay giữa những người hàng xóm thân thiết.

Nơi tôi ở là khu tập thể dành cho giảng viên một trường đại học. Hầu hết nhà nào cũng có người đang giảng dạy hoặc công tác tại trường nên rất thân thiết. Tuy nhiên, khi xe rác bắt đầu vào gom rác trong khu tập thể, nghĩa là xe rác chỉ đi qua đường chính, còn các ngõ nhỏ xe không thể vào, thì một số nhà có thói quen để rác ở đầu ngõ, ngay cửa nhà hàng xóm.

Nhà đầu ngõ tuy không chịu nổi mùi hôi thối từ rác nhưng cũng không dám nói vì “hàng xóm đã lâu, nói ra không tiện”. Đời sống phát triển hơn nhưng một số nhà vẫn có thói quen đun nấu bằng bếp than để tiết kiệm. Những lúc nhà đó nấu ăn hay đun nước, khói bếp than nồng nặc cả khu nhưng cũng chẳng ai dám nói gì, chỉ biết đóng cửa và im lặng, khi nào hết mùi lại mở cửa ra.

Học sinh, sinh viên nhiều lúc “thương” bạn, cho bạn chép bài tập về nhà và bài kiểm tra, dù biết rõ: Cho bạn chép bài là làm hại bạn. Khi 2 người cùng quay bài, giáo viên bắt được 1 người và gặng hỏi để truy ra người kia thì chắc chắn người kia không nói ra tên bạn mình.

Nhiều người uống rượu, bia đã đến giới hạn nhưng nể lời mời của bạn, lại uống tiếp, đến khi say mèm. Lúc ra về, chuếnh choáng không thể điều khiển tốc độ và giữ vững tay lái, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Vừa gây ảnh hưởng cho chính bản thân mình lại gây hại đến người khác.

Nếu cả nể có chừng mực và cư xử khéo thì rất tốt, còn cả nể quá chắc chắn không hay. Mỗi người nên phân định rõ giới hạn của mình, không nên vì quá nể trọng người khác mà ảnh hưởng đến mình.

MỚI - NÓNG