Ca sĩ Lan Anh: 'Tự tin hát chuẩn bolero'

Lan Anh vừa ra mắt MV Thành phố buồn, album Chuyện tình Bolero của cô đang chờ ngày phát hành. Ảnh: Hải Bá
Lan Anh vừa ra mắt MV Thành phố buồn, album Chuyện tình Bolero của cô đang chờ ngày phát hành. Ảnh: Hải Bá
TP - Thành danh từ giải Nhất cuộc thi Thính phòng chuyên nghiệp toàn quốc, được coi là ngôi sao sáng của dòng nhạc đỏ, chính vì thế mà ca sĩ Lan Anh gây sốc khi thu âm cả một CD bolero.

Rất có thể chị sẽ hát bolero bên cạnh nhạc đỏ, opera và Broadway trong chương trình riêng kỷ niệm 20 năm ca hát: Ánh trăng tình yêu tối 3&4/11 tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Đệm cho ca sĩ Lan Anh là dàn nhạc giao hưởng quốc tế Mặt Trời cùng nhạc trưởng Pháp Olivier Ochanine.

Sau khi hát nhiều dòng nhạc yêu cầu cao về kỹ thuật, Lan Anh cảm thấy thế nào với bolero?

Hát một bài để hay mà bảo dễ thì cũng không đúng nhưng xét về cung, quãng của một ca khúc thì bolero đơn giản, với mình như một cuộc dạo chơi thôi. Dòng nhạc nào cũng có điểm hay và mình thích nó thì mới hát hay được. Nhiều người cứ coi dòng này cao hơn dòng kia thì không nên. Nhạc sĩ nào viết bài cũng bằng tâm huyết, một số ca khúc bolero khi nghe về hoàn cảnh ra đời tôi thấy hay lắm, ca từ cũng hay. Với mình, hát bolero giống như đang kể chuyện, bằng tình cảm chân thật của mình chứ không vay mượn.

Bolero cũng đòi hỏi những kỹ thuật riêng về mặt thanh nhạc khác với những dòng mà Lan Anh hát trước đây?

Mỗi ca sĩ muốn hát hay dòng nhạc nào phải đủ nhạy bén, tinh tế để cảm nhận được đặc trưng của dòng nhạc đó. Cái rung của cổ điển rất khác, của nhạc nhẹ cũng khác. Cái luyến láy của bolero cũng khác cái luyến láy của dân ca. Nếu mình đem dân ca vào bolero lại không hợp.

Trong thế hệ ca sĩ sau này, chị thích ai hát bolero nhất?

Tôi thấy Mai Thiên Vân rất hay. Cô ấy không bị quá não nề, bi lụy. Cách hát đó mới, gần gũi và có thể sẽ bền lâu. Theo thời đại, không ca sĩ nào cứ thế hát mãi theo một lối được. Nghệ sĩ phải có cá tính, đừng áp đặt phải giống người này người kia. Miễn tôi có cái hơi thở, cái e để người ta nhận ra tôi đang hát bolero.

20 năm mới làm chương trình riêng đầu tiên, có hơi muộn với một ca sĩ đã thành danh như chị?

Tôi thấy mình đã đủ chín. Cách đây 5 năm, nhạc sĩ Dương Cầm cũng thuyết phục tôi làm chương trình riêng với ban nhạc của anh. Nhưng lúc đó tôi cảm thấy chưa yên tâm về thể lực và nhiều thứ.

Tôi cũng đau đáu mấy năm nay không làm được chương trình cho mình, trong khi bạn bè làm nhiều. Nhưng tôi muốn chương trình của mình phải hấp dẫn, có chủ đề, có dấu ấn riêng. Chứ chỉ gọi đủ dàn nhạc đánh bài mình yêu thích cũng thành chương trình.

Sau concert Mặt trời của tôi của anh Đăng Dương, tôi cảm thấy có động lực hơn, muốn làm cho mình một chương trình thật ý nghĩa. Dấu mốc trong dòng nhạc thính phòng của tôi mọi người đã biết quá rõ rồi. Giờ tôi muốn khẳng định ở những dòng nhạc khác.

Chị chuẩn bị tập luyện cho chương trình để đời đến đâu rồi?

Một tháng rưỡi trước khi chương trình diễn ra, tôi đã xin nghỉ dạy. Cách ngày hoặc ngày nào tôi cũng luyện thanh và hát một lượt tất cả các bài trong chương trình. Hôm đầu hát thử cả chương trình thấy cũng choáng, giờ bắt đầu quen rồi. Làm việc với chỉ huy nước ngoài nghiêm túc lắm, mình không muốn bị “mang tiếng”. Ngoài ra, bồi bổ sức khỏe, thể dục thể thao là đương nhiên.

Ngoài dàn nhạc được tài trợ ra, chị phải tự đầu tư cho chương trình. Điều này có làm chị lo lắng?

Dù đang cưỡi trên lưng hổ rồi, tôi vẫn vui… như Tết. Tiền thì có cũng được mà không thì vẫn có cách để làm, cùng lắm thì vay bạn bè người thân. Cái tôi lo nhất là làm thế nào để chương trình thành công, khán giả thực sự ấn tượng và ủng hộ những cái mới mà tôi đưa ra.

Một số ca sĩ thành danh phải chuyển hẳn phong cách. Chị cho rằng khán giả sẽ đủ sức để tiếp thu tất cả những dòng nhạc chị đưa ra cùng lúc?

Hay thì khán giả sẽ nghe thôi. Quan trọng là mình làm tới chưa. Khi một nghệ sĩ có khả năng làm tốt 3-4 dòng nhạc thì tại sao họ lại phải tự để mình thui chột đi. Tại sao họ không đưa giọng hát của mình đến gần với công chúng? Nếu mình có thể cống hiến nhiều hơn cho khán giả thì tại sao không? Mà mình có thể tự tin khẳng định mình hát chuẩn thể loại âm nhạc đó. Đương nhiên có một số người cực đoan chưa chấp nhận, có thể lại nghĩ mình theo trào lưu. Mình có “chính kiến” của mình, thứ nhạc đó cũng chạm được đến trái tim mình và mình thích được hát những ca khúc như vậy thì tại sao không hát?!

Sau show này, tôi sẽ hát những thứ mình yêu thích, tiếp cận gần gũi với khán giả. Nghệ sĩ nào cũng thế, càng nhiều khán giả càng thích chứ. Chả ai bắt ca sĩ cứ phải hát đúng một vài dòng nhạc nào đó. Suy cho cùng, tất cả những gì mình cố gắng trong nghệ thuật cũng chỉ là phục vụ khán giả.

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.