Chấn chỉnh chương trình âm nhạc điện tử thế nào?

Đêm đại nhạc hội ở công viên nước Hồ Tây Ảnh: TL
Đêm đại nhạc hội ở công viên nước Hồ Tây Ảnh: TL
TP - Tạm dừng cấp phép chương trình âm nhạc điện tử sau vụ bảy người chết vì sốc ma túy tại Hà Nội, ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, khẳng định đó là giải pháp tạm thời.

TẠM DỪNG ĐẾN BAO GIỜ?
Tại lễ hội âm nhạc điện tử Trip to the moon (Du hành tới mặt trăng) tối 16/9, bảy người chết vì sốc ma túy, một số người hôn mê phải cấp cứu. Phản ứng nhanh của Sở VHTT Hà Nội là lệnh tạm dừng các chương trình tương tự. Chiều 19/9, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội Tô Văn Động nhắc lại đây là quyết định nhất thời. “Tôi ký văn bản thông báo tới các đơn vị tổ chức được cấp phép chương trình có nội dung nhạc điện tử sẽ tạm dừng. Ba chương trình được cấp phép từ nay tới hết tháng 12 chủ động xin rút, vì thế Sở chỉ cần đồng ý. Ngoài ra trong thời gian các cơ quan chức năng điều tra, Sở không cấp phép cho bất cứ chương trình nào có yếu tố DJ nữa”. 
Chương trình hòa nhạc điện tử quy mô lớn Revolution 2018 dự kiến diễn ra tối 29/9 tại sân vận động Bách Khoa, tuy nhiên lãnh đạo Sở VHTT Hà Nội cho biết chưa nhận được bất cứ thông báo nào. Chương trình này do TPHCM cấp phép, Sở VHTT Hà Nội chỉ tiếp nhận. Liên hoan âm nhạc điện tử với dàn DJ quốc tế đình đám diễn ra ở phố đi bộ Nguyễn Huệ hồi tháng 5, nay dự định diễn ra với quy mô lớn hơn ở Hà Nội. Liên hệ với BTC được biết các nhà tổ chức tạm dừng theo chủ trương của Hà Nội, chờ đợi kết quả điều tra của cơ quan chức năng để quyết định tổ chức tiếp hay không bởi họ bỏ ra số tiền lớn để mời nhiều DJ nổi tiếng thế giới.
Tạm dừng hay quan điểm không quản được thì cấm không phải giải pháp cho loại hình biểu diễn âm nhạc điện tử, ông Tô Văn Động thừa nhận điều này. Ông cho biết sau khi có kết quả điều tra, nếu đơn vị tổ chức không vi phạm, có cam kết về đảm bảo an ninh Sở cân nhắc việc cấp phép bởi đây cũng là hoạt động văn hóa hiện đại, xu hướng toàn cầu của giới trẻ. Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam khẳng định sự kiện âm nhạc điện tử tương tự ở công viên nước Hồ Tây đánh dấu những chuyển biến trong hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam, là hình thức sinh hoạt văn hóa mới chỉ có điều cách tổ chức chưa chuyên nghiệp, dẫn tới sự cố đáng tiếc.

CẦN CHUYÊN NGHIỆP, AN TOÀN
Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn tới sự cố ở Du hành tới mặt trăng là do thiếu chuyên nghiệp, thói a dua chạy theo đám đông và lợi nhuận. Nhà sử học Dương Trung Quốc không đồng tình với việc cấm các lễ hội âm nhạc điện tử, nhấn mạnh sự cố ở công viên nước Hồ Tây là sự cảnh báo đối với nhà tổ chức và nhà quản lý. “Theo tôi cần nắm bắt xu hướng, học hỏi thế giới họ tổ chức và quản lý loại hình này ra sao để rút kinh nghiệm và sửa đổi cách thức tổ chức cho phù hợp”, ông Dương Trung Quốc nói.

Trả lời câu hỏi về việc có thể tổ chức những sự kiện âm nhạc thu hút hàng nghìn người ở sân vận động, công viên an toàn hơn không, ông Tô Văn Động nói hoàn toàn có cách, chỉ có điều nhà tổ chức có làm triệt để hay không. Việc quy định về đảm bảo an ninh trật tự, an toàn cho người tham dự ông Động khẳng định trong các giấy phép luôn yêu cầu BTC phải chịu trách nhiệm. Sau khi cấp giấy phép các sự kiện văn hóa nghệ thuật, Sở luôn chuyển cho Công an Thành phố, UBND quận để giám sát và kiểm tra. 

 Các đại nhạc hội nhạc trẻ, nhạc điện tử bung ra không gian mở có sức chứa hàng nghìn người nên các điều kiện về kỹ thuật âm thanh, ánh sáng và đảm bảo an toàn cũng thay đổi. Tuy nhiên hiện nay các quy định về cấp phép chưa bắt kịp xu thế, chưa theo sát thực tế. “Chúng ta mang đến cho khán giả hình thái âm nhạc mới đồ sộ hơn, nhưng mới dừng lại ở bề nổi, còn các yếu tố khác tạo nên đêm biểu diễn chưa được quan tâm đúng mức”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân chỉ rõ. 

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cho rằng, thành phần tham dự không đơn thuần là người mua vé, họ phải được trang bị kiến thức cơ bản về DJ, ngẫu hứng để tiếp nhận và trải nghiệm âm nhạc mới chứ không thể a dua a tòng. Một số nhà tổ chức chạy theo số lượng người tham dự, lợi nhuận nên dễ quên đi những yếu tố về văn hóa, bản quyền, luật pháp hay an ninh trật tự. “Tóm lại cách thức tổ chức và quản lý của chúng ta trong lĩnh vực này vừa mới, vừa yếu và vừa thiếu. Tôi hy vọng sẽ có bộ máy chuyên nghiệp để xây dựng môi trường nghệ thuật Việt Nam theo quy chuẩn khu vực và quốc tế”, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói.

Ông Tô Văn Động, Giám đốc Sở VHTT Hà Nội cho biết mới trình thành phố chủ trương đưa nhạc DJ lên các sân khấu lưu động trong các dịp lễ tết ở Hà Nội. Việc này thực hiện dựa trên nguồn kinh phí xã hội hóa, quan trọng hơn chương trình diễn ra trong điều kiện được kiểm soát về an ninh trật tự tốt hơn, đảm bảo chất lượng nghệ thuật và sự an toàn cho người thưởng thức.

Đại diện Bộ VHTTDL cho biết, lãnh đạo Bộ có văn bản gửi các địa phương nhắc nhở xung quanh các sự kiện văn hóa nghệ thuật có tính chất tương tự ở Hà Nội, yêu cầu rà soát quy trình cấp phép, giám sát điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn. 

MỚI - NÓNG
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
Bản tin Hình sự: Ông Lê Tùng Vân có quan hệ loạn luân với con ruột
TPO - TIN NÓNG ngày 19/4: Chiếm đoạt hơn 1.000 tỷ đồng của nhà đầu tư, hai lãnh đạo Công ty CP tập đoàn Tâm Lộc Phát bị bắt giữ; Cơ quan chức năng vào cuộc xác minh vụ thất thoát hơn 53 tỷ đồng quỹ di tích làng Đồng Kỵ; Biến tướng chiêu trò lừa đảo liên quan giải chạy marathon; Tạm giữ đối tượng sàm sỡ nữ sinh trên phố...