Chế Linh-Trường Vũ song ca trong đêm khai hội đền Diên Cờ

Hàng ngàn người dân khắp mọi miền nô nức đổ về xã Nghi Trường, Nghi Lộc (Nghệ An) tối 19 tháng Giêng để dự đêm nhạc khai hội đền Diên Cờ với sự tham gia của những tên tuổi nghệ sĩ nổi tiếng từ hải ngoại và trong nước như Chế Linh, Trường Vũ, Giao Linh, Thanh Thanh Hiền, Duy Trường… 
Chế Linh-Trường Vũ song ca trong đêm khai hội đền Diên Cờ ảnh 1

Hàng ngàn người dân khắp mọi miền nô nức về dự đêm nhạc khai hội đền Diên Cờ 

Phát biểu tại Lễ khai mạc Hội đền Diên Cờ, Đại tá- Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, Chủ tịch HĐQT Tổng công ty 36, người có công kêu gọi trùng tu, xây dựng đền Diên Cờ nói rằng, ông mong muốn được “chiêu đãi” những người dân Nghi Trường, Nghi Lộc một “bữa tiệc” âm nhạc với những ngôi sao mà người dân yêu mến, nâng cao đời sống tinh thần của người dân.

Nhờ đó mà lần đầu tiên người dân xứ Nghệ được gặp một Chế Linh, một Trường Vũ, Giao Linh “bằng xương bằng thịt” trên sân khấu, nên mặc dù đến 7h30 mới bắt đầu khai mạc, nhưng từ lúc trời còn sáng, người dân đủ mọi lứa tuổi khắp nơi đã đổ về đêm nhạc khai hội để dành cho mình chỗ ngồi tốt.

Chế Linh-Trường Vũ song ca trong đêm khai hội đền Diên Cờ ảnh 2

Danh ca Chế Linh và Trường Vũ

Danh ca Chế Linh chia sẻ, đây là lần đầu tiên ông về Nghi Trường biểu diễn nhờ mối duyên với Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp. Và để có thể đứng trên sân khấu này, ông đã phải huỷ show ở hải ngoại, ông muốn được biểu diễn tại đêm khai hội bởi mong muốn được diễn trên mảnh đất anh linh này trong ngày đầu Xuân.

Đặc biệt, nam danh ca Chế Linh gây bất ngờ khi thể hiện một sáng tác mới của ông mang dấu ấn sâu đậm về quê hương Nghi Trường. Ca khúc này, theo lời chia sẻ của danh ca Chế Linh, là ông đã sáng tác trên chuyến bay từ Việt Nam về Canada sau khi đã đọc tập thơ của Đại tá- Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp. Tập thơ đã gây cho ông những xúc động mạnh cùng sự cảm kích khi thấy tình cảm sâu nặng của Đại tá Nguyễn Đăng Giáp dành cho thân sinh, cho quê hương mình, và điều đó đã tạo cảm hứng cho ông có một sáng tác mới.

Chế Linh-Trường Vũ song ca trong đêm khai hội đền Diên Cờ ảnh 3

Danh ca Giao Linh

Sau những khúc ca về gia đình, quê hương, các nghệ sĩ đã “đãi” người dân Nghi Lộc hàng loạt ca khúc bolero nổi tiếng gắn với tên tuổi của Chế Linh, Trường Vũ, Giao Linh…giúp người dân có một đêm thưởng thức nghệ thuật “đã” mắt, “đã” tai với những nghệ sĩ mình yêu mến. Lần đầu tiên trên sân khấu Việt Nam, khán giả được chứng kiến màn song ca thú vị của Trường Vũ và người mà anh gọi là “thầy”, Chế Linh với ca khúc “Tuý ca” nổi tiếng. Ngoài phần trình diễn, các nghệ sĩ liên tục giao lưu, kể chuyện khiến người dân theo dõi đêm nhạc thích thú, phấn khích.

Sau đêm nhạc, người dân vào đền Diên Cờ thắp hương cầu mong một năm mới an lành, thịnh vượng, mùa màng tươi tốt vào khoảnh khắc gần nửa đêm. Nhiều người dân cho biết, họ có cảm giác như được đón giao thừa lần thứ 2 với ngày hội Đền Diên Cờ.

Đền Diên Cờ mang dấu ấn tâm linh của người dân Nghi Trường, Nghi Lộc, Nghệ An, mảnh đất được biết đến là “địa linh, nhân kiệt”, cái nôi của phong trào yêu nước của huyện Nghi Lộc trong suốt quá trình chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ Quốc.                       

Tương truyền đền Diên Cờ xưa được xây dựng từ trước thế kỷ thứ XVIII với có 3 toà thượng điện, trung điện và hạ điện, thuộc địa bàn thôn Diên Cờ, làng Đông Chử, tổng Thượng Xá, huyện Chân Lộc (nay thuộc xóm 14, xã Nghi Trường, huyện Nghi Lộc). Đền là nơi thờ tự và ghi nhận công lao của các vị thần, nhân vật lịch sử có công lao to lớn với dân với nước, được nhân dân tôn kính, ngưỡng vọng như: Thần Cao Sơn, Cao Các, Tam tòa thánh Mẫu, Đức thánh Trần, Thái sư Cương quốc công Nguyễn Xí. Những công lao hiển hách của các vị anh hùng được phụng thờ, cùng sự linh ứng vây quanh đã khiến cho ngôi đền từng được nhận bảy sắc phong qua các triều vua, đồng thời được nhân dân trong vùng kính cẩn phụng thờ qua các thế hệ.

Đặc biệt, Đền Diên Cờ chính là nơi diễn ra Hội cờ khao quân của Cương Quốc Công Nguyễn Xí, công thần khai quốc nhà Hậu Lê và là đại thần trải qua 4 đời vua thời Hậu Lê trong lịch sử Việt Nam. Nhiều nguồn sử liệu cho hay, tại mảnh đất xây dựng đền Diên Cờ chính là nơi Cương Quốc công luyện quân chinh phạt quân Chiêm Thành lấn chiếm biên giới phía nam vào năm 1445. Nền điện tế và ao Voi Nẹp (hồ Bạch Tượng) tại xóm 14 xã Nghi Trường hiện nay là những dấu tích còn lại liên quan đến hoạt động của Nguyễn Xí và quân sĩ của ông thuở xưa. Thế nhưng, trải qua những biến thiên của lịch sử, bom đạn chiến tranh, ngôi đền bị phá dỡ, chỉ còn lại dấu tích của nền đền và một số đạo sắc (sắc đời Vua Cảnh Hưng thứ 44 (1783), sắc phong đời Vua Khải Định năm thứ 9 (1924).

Cơ duyên đến, năm 2012, Đại tá - Anh hùng lao động Nguyễn Đăng Giáp, người con của đất Nghi Trường, Nghi Lộc đã đứng ra kêu gọi trùng tu, xây dựng lại đền Diên Cờ trên nền cũ theo nguồn vốn xã hội hoá với quy mô đền rộng hơn 7.000m2. Đại tá cũng cho biết, ông lo xây đền trước khi xây nhà thờ của dòng họ bởi ông muốn được góp phần xây dựng quê hương Nghi Trường, mong mỏi đem đến sức sống mới cho quê hương.

Đại tá Nguyễn Đăng Giáp bày tỏ, ngoài việc trùng tu xây dựng ngôi đền để góp phần nâng cao đời sống tâm linh của người dân Nghi Trường, thì còn mang ý nghĩa giáo dục cho các thế hệ người dân noi gương những bậc nhân thần, tiên hiền phấn đấu học tập góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

MỚI - NÓNG
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
Kiểm toán Nhà nước cảnh báo dấu hiệu mất an toàn tài chính tại một số doanh nghiệp
TPO - Kiểm toán Nhà nước (KTNN) chỉ ra những thiếu sót, bất cập, đồng thời đưa ra khuyến nghị giúp các tập đoàn, tổng công ty nhà nước hoàn thiện, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính công, tài sản công. Đáng chú ý, KTNN cũng cảnh báo một số doanh nghiệp có dấu hiệu mất an toàn về tài chính.
Năm học 2023-2024, Hà Nội được bổ sung 2.648 biên chế giáo dục.
Hà Nội thiếu hơn 16.000 biên chế giáo dục
TPO - Số biên chế sự nghiệp giáo dục của thành phố Hà Nội thiếu so với định mức do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định là 16.004 người. Năm học 2023- 2024, thành phố đề nghị được giao thêm 8.939 biên chế khối giáo dục nhưng chỉ được bổ sung 2.648 biên chế.