Chê phim lồng tiếng có oan?

Một cảnh trong phim "Gạo nếp gạo tẻ"
Một cảnh trong phim "Gạo nếp gạo tẻ"
TP - Tranh luận nghề nghiệp trong giới phim ảnh lâu nay có phần im ắng tẻ nhạt, chứ thực ra chê lồng tiếng phim Việt có gì mới đâu, dù không phải phim Việt lồng tiếng nào cũng dở.

Diễn viên Trung Dũng nói có gì ghê gớm lắm đâu: “Xem phim lồng tiếng chán lắm. Dũng thích xem phim thu tiếng trực tiếp, khi đó mình biết được khả năng của diễn viên, nghe được sự thổn thức của họ. Phim ‘Gạo nếp gạo tẻ’ thành công một phần vì thu tiếng trực tiếp...”.

Lập tức một số người trong nghề lên tiếng phản đối, nhất là Trọng Hiếu thề từ giờ không lồng tiếng hộ Trung Dũng. Còn lượng đông đảo diễn viên khác, im lặng phải chăng vì đồng tình với Trung Dũng mà không tiện nói ra?

Với tư cách khán giả, tôi buộc phải nói thẳng: Phim Việt, nhất là phim truyền hình lồng tiếng rất dở. Và phim lồng tiếng miền Bắc dở hơn miền Nam.

Điện ảnh Việt nhiều phim có sự ăn khớp rất lớn giữa nhân vật và tiếng ngoài hình, tiêu biểu là “Ván bài lật ngửa”. Xem phim này, thấy tiếng Sài Gòn là thứ tiếng tuyệt hay, nhất là khi Chánh Tín được nói giọng của chính nhân vật Nguyễn Thành Luân. Còn nữ diễn viên lồng tiếng Sài Gòn hay nhất chính là Tú Trinh. Giọng rất chuẩn và sang trọng, lồng tiếng rất khớp.

Thực ra không cần có đài từ cực tốt mới có thể tự lồng tiếng hiệu quả. Chất giọng Hồng Vân chẳng hạn, khá rè, nhưng thử tưởng tượng người khác lồng tiếng hộ chị?Sẽ kém hiệu quả ngay. Hoặc người khác lồng tiếng hộ Tom Hanks, Meryl Streep...?Sẽ bớt hay hẳn. Dù giọng Tom Hanks có hay đâu. Nhưng đó mới là ông ta- nghe nửa chữ đã nhận ra và đầy hợp lý.

Từ thập kỷ 90 thế kỷ trước, khán giả đã quen với một số giọng lồng tiếng phim truyền hình. Có một ê-kip chuyên làm việc này. Và thế là với những nhân vật hoàn toàn khác nhau trong những bộ phim khác nhau nhưng khán giả luôn nghe thấy vẫn giọng ngấm nguýt đó, điệu cười đó, lối biểu đạt đó...Thực sự là “chán lắm”, như Trung Dũng phát biểu.

Một diễn viên không tự lồng tiếng được thì không thể gọi là giỏi, chuyên nghiệp. Trong bối cảnh cần lồng tiếng thì trình độ lồng tiếng của chúng ta lại rất tụt hậu, ngang tầm với các khâu khác như kịch bản, đạo diễn...

Nhân đây, nói thêm rằng quan niệm về thuyết minh phim cũng thay đổi từ lâu. Hồi xưa ai cũng thích cách thuyết minh của Minh Trí, Kim Tiến (VTV1). Còn nhớ trong một bộ phim Liên xô có nhân vật hay nói câu “rõ, đi đều bước”, lần nào giọng Minh Trí vang lên khi nói câu này cũng khiến tủm tỉm cười thú vị. Ngày nay, lồng tiếng như Kim Oanh (VTV1)mới gọi là không có đối thủ chính bởi vẻ lạnh lùng thản nhiên, không cố diễn cảm. Với phim nước ngoài, càng ngày người ta càng thích xem phụ đề, còn nếu phải thuyết minh thì chỉ Kim Oanh là nhất.

Dần dà, rồi các diễn viên phim nội sẽ phải tự lồng tiếng cho mình thôi, và nếu muốn nghe lời nói thật, thì chính Trung Dũng đã nói hộ khán giả chúng tôi đấy,nói một điều đã cũ.

MỚI - NÓNG