Chí Trung: 'Sau tiếng cười của tôi có cả nước mắt'

Tạo hình của NSƯT Chí Trung trong một vai hài.
Tạo hình của NSƯT Chí Trung trong một vai hài.
Danh hài nổi tiếng đất Bắc nhìn nhận, diễn hài không dễ như nhiều người lầm tưởng. Để trụ được với nghề, nghệ sĩ phải xoay xở, sáng tạo trong điều kiện kinh tế eo hẹp.

Gần đây khán giả thấy anh đóng vai trò kêu gọi, cổ vũ trong các hoạt động thiện nguyện và thể thao văn hóa nhiều hơn là đóng hài. Vì sao vậy?

Tôi vẫn tham gia dựng vở tại Nhà hát Tuổi Trẻ và nhiều chương trình nho nhỏ khác. Tất nhiên những chương trình đó không hoành tráng như khi vào vai Táo quân nên khán giả không thấy xuất hiện cũng là điều dễ hiểu. Sở trường của tôi vẫn là những vai diễn hài.

Cơ duyên nào đưa anh đến với những vai hài?

Mọi người cho rằng tôi có năng khiếu diễn hài bẩm sinh. Nhưng trước đây, tôi diễn chính kịch. Từ năm 1978, tôi đã diễn Othello, Romeo… đến nhiều vai khác của chính kịch. Những năm 1986, khán giả không thích xem chính kịch nhiều như trước. Họ thích những hài kịch nhẹ nhàng về nhân tình thế thái. Bỗng nhiên xu thế hài lên ngôi và tôi phát huy được lợi thế hình thể, giọng nói, cũng như năng khiếu trời cho. Vậy là từ đó tôi đóng hài.

Tôi không thích cụm từ "nghệ sĩ hài", hãy gọi đơn giản là nghệ sĩ. Chẳng qua trong thời điểm này, hài hút khách hơn, nói vui là "bán" được nên cái danh "nghệ sĩ hài" được nhắc đến nhiều như vậy. Khi nào khán giả thích “khóc” không thích “cười” nữa, thì tôi sẽ lại là người làm những vở bi kịch.

Chí Trung: 'Sau tiếng cười của tôi có cả nước mắt' ảnh 1 "Tôi là một người thức thời. Khán giả cần gì, tôi đáp ứng cái đó''.
So sánh diễn hài với các thể loại khác, anh thấy thế nào?

Diễn hài khó hơn diễn bi. Những ai bảo diễn hài dễ, đó là do họ chỉ mới xem những vở hài nhạt nhẽo trên TV hay vài tiểu phẩm hài nhỏ lẻ của các nhóm.

Với cá nhân tôi, đóng bi dễ hơn hài. Diễn bi chỉ kể lể hoàn cảnh, đòi hỏi nhiều cảm xúc. Còn diễn hài không hề đơn giản. Người diễn phải có tố chất, bao gồm cái duyên diễn hài và trải nghiệm cuộc sống. Tất cả được thể hiện qua một ngôn ngữ đặc biệt là ngôn ngữ hài. Đã có rất nhiều người diễn hài thất bại. Với hài kịch, cố gắng mãi vẫn không đạt hiệu quả thì đó chính là bi kịch của người nghệ sĩ.

Chất hài của anh là gì?

Chất hài của tôi luôn luôn có sự ẩn ý trong các câu từ. Do đó, mọi người tạm gọi là hài trí tuệ, chứ không phải tôi tự phong. Hài của tôi là sau tiếng cười luôn có nước mắt, có những ẩn ý mà có khi phải xem xong, ngẫm nghĩ một lúc khán giả mới ngộ ra bản chất sâu xa của tiếng cười ấy.

Hiện nay, thể loại hài có nước mắt này khá kén khán giả. Họ cần đến cái hài trực tiếp, hài cười ngay, thậm chí là hài dễ dãi.

Với tư cách một biên kịch kiêm nhà quản lý, anh sẽ dựng những vở hài như thế nào để có thể “bán” được?

Thực tế, khán giả cần gì, nghệ sĩ nên đáp ứng điều đó. Tôi cho rằng, một vở diễn thành công là vở bán vé được, được khán giả công nhận.

Thể loại hài thâm thúy, sâu cay đang dần được thay thế bằng những vở hài mang tính nhân văn, có số phận con người và có sự suy ngẫm. Trong vở Nước mắt đàn ông rơi của Nhà hát Tuổi Trẻ vừa rồi có nói đến sự không đơn giản trong quan hệ vợ chồng. Cuộc sống vợ chồng không chỉ có những hiểu lầm, còn có những éo le khác. Không cẩn thận trong mối quan hệ vợ chồng sẽ dẫn đến tan vỡ, để lại những đứa con ngơ ngác ở ngã ba đường. Tôi quan tâm đến thể loại hài có số phận.

Sắp tới, dịp 2/9, Nhà hát sẽ ra một loạt hài kịch với chủ đề Ao làng, nói về sự thoát ly nông thôn. Người nông dân tràn lên thành phố kiếm sống, khiến cho thành phố chật chội và mang một diện mạo văn hóa đa phong cách. Từ đó, nhiều tình huống, nhiều câu chuyện dở khóc dở cười được bộc lộ. Nhưng đọng lại vẫn là tình người, nhân cách sống của những con người đó trên chính mảnh đất họ đang sống.

Anh nghĩ sao về "số phận Kép Tư Bền", khi so sánh với thực trạng cuộc sống hiện nay của diễn viên hài?

Đấy là câu chuyện đặc biệt và nó chỉ xảy ra trong hoàn cảnh đặc biệt. Tuy nhiên hiện nay, nhiều nghệ sĩ, đặc biệt là các nghệ sĩ phía Bắc, đã và đang là Kép Tư Bền trong cuộc sống. Họ rất nghèo, vất vả, cả gia đình cực kỳ khó khăn để mưu sinh, nhưng trên sân khấu, họ vẫn là ông hoàng, bà chúa. Ai cũng nghĩ họ giàu, nhưng thực ra họ cũng chả khác gì Kép Tư Bền. Chẳng cần đến bố chết mới phải khóc, rất nhiều nghệ sĩ đã khóc giữa đời thường vì mưu sinh. Sau cái chết của nghệ sĩ Văn Hiệp, khán giả mới biết ông từng sống rất khó khăn. Những người còn sống như NSND Trần Hạnh cũng đang sống rất chật vật... Đấy cũng chính là một trong nhiều bi kịch của diễn viên hài.

Theo Châu Mỹ
Theo VnExpress
MỚI - NÓNG