Chiếm dụng

Chiếm dụng
TP - Cơ chế thị trường và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ đã kéo theo nhiều kiểu chiếm dụng tinh vi gây không ít phiền toái, thiệt hại cho xã hội.

Chiếm dụng - theo từ điển Tiếng Việt tức là chiếm và sử dụng như là của mình. Có thể nói, đây là một tệ nạn “nói rồi - khổ lắm - viết mãi” nhưng dường như cơ chế thị trường và sự phát triển ngày càng mạnh mẽ đã kéo theo nhiều kiểu chiếm dụng tinh vi gây không ít phiền toái, thiệt hại cho xã hội.

Hiện nay, ở hầu hết các thành phố, thị xã đều tồn tại tình trạng dùng vỉa hè vào việc công. Đó là một kiểu chiếm dụng “phổ biến” và “rộng rãi” nhất. Người dân vô tư đặt biển quảng cáo “chiêu” khách ra vỉa hè, dùng vỉa hè làm nơi buôn bán đủ thứ hàng hoá, dịch vụ...gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị.

Một số cán bộ tha hoá biến chất, lợi dụng chức quyền và các mối quan hệ, tìm khe hở lách luật biến đất nhà nước thành của cá nhân gây mất lòng tin đối với nhân dân.

Gần đây, báo chí nói nhiều về một vụ chiếm dụng nhà vắng chủ mà nạn nhân là một cụ già không còn sức đấu tranh đòi lại tài sản. Vốn là khi còn trẻ, cụ có 3 sào đất và một ngôi nhà cổ làm bằng gỗ. Do hoàn cảnh, cụ phải “tha phương cầu thực” kiếm sống. Ba sào đất và ngôi nhà gỗ cụ phải nhờ hàng xóm trông nom hộ.

Thế rồi, khi trở về thì ngôi nhà và mảnh vườn không biết người hàng xóm có “phép” gì mà biến thành của họ với đầy đủ giấy tờ, sổ đỏ.

Lại còn kiểu chiếm dụng vốn ở các ban ngành, đoàn thể, công ty, ngân hàng...gây nhiều tổn thất, bất bình trong dư luận mà không ít lần báo chí đã phanh phui, vạch trần bộ mặt kẻ phạm pháp.

Thôi thì có 1001 kiểu chiếm dụng nhưng khẳng định rằng không có kiểu chiếm dụng nào đem lại lợi ích cho xã hội, mà ngược lại chỉ vì sự ích kỷ và lòng tham không đáy của không ít người đã đưa lại những tác động xấu cho xã hội.

Tiếc rằng, việc xử lý những kẻ có hành vi chiếm dụng chưa được kịp thời và triệt để.

Trần Thế Hoà
Lớp Báo chí 2F, CĐ Phát thanh - Truyền hình TW 1
Phủ Lý, Hà Nam

MỚI - NÓNG