Chuyện Mùi Chèo 'chịu chơi'

Chuyện Mùi Chèo 'chịu chơi'
TP - Chuyên đảm trách vai trò tổng đạo diễn hầu hết những sự kiện ca nhạc lớn của thành phố Hà Nội từ năm 2013 đến nay. Làm chương trình ca nhạc phục vụ chính trị mà khiến khán giả khóc rưng rức. Sẵn sàng bỏ tiền túi bù 80 triệu một lần để mời một ca sĩ ngôi sao làm vedette… Ðó là những câu chuyện ít người biết của NSND Thúy Mùi, còn có tên gọi tắt gắn với nghiệp của chị là Mùi Chèo.

Chương trình đặc biệt về Bác

Năm 2015, NSND Trịnh Thúy Mùi được giao cho làm chương trình ca nhạc kỷ niệm 125 năm sinh nhật Bác. Đề bài tưởng dễ mà khó. Người “ra đề” vốn cũng chỉ hy vọng chị làm một chương trình tròn vai.

Chị Mùi kể, từ lúc nhận lệnh đã nghĩ phải làm sao cho thật đặc biệt, không vì gì khác mà vì cả thế hệ chị đối với Bác đều “vô cùng kính yêu”. Bắt tay vào làm, cảm thấy cái gì cũng như “sẵn nong sẵn né”. Chị vốn yêu dân ca Nghệ Tĩnh, là cây hát ví dặm đinh của nhà hát Chèo, những câu chuyện đời thường về Bác cũng nghe đầy qua năm tháng. Một câu chuyện nhẹ nhàng cứ thế xâu chuỗi với nhau, bắt đầu từ câu hò ví dặm dặt dìu trong không gian làng Sen. Cho đến khi Bác ra đi tìm đường cứu nước. Kháng chiến thành công, đọc tuyên ngôn độc lập. Và giây phút trước lúc Người lâm chung. Trước đó, Thúy Mùi được một cảnh vệ từng phục vụ Bác kể lại: trước khi Người mất, muốn nghe một câu hò ví dặm. Đi hỏi tất cả mọi người trong Phủ Chủ tịch nhưng không ai biết hát. Chỉ có một cô bé con cán bộ hát được một đoạn “Người ơi người ở đừng về”. Chị Mùi quyết định lấy câu hát này làm đinh cho chương trình.

Cho đến hôm tổng duyệt, một cán bộ cấp cao bảo, phải bỏ đoạn này bởi xưa nay người ta chỉ biết “Người ở đừng về” là quan họ Bắc Ninh, nói về tình yêu trai gái, nó không hợp với không khí đau thương trước khi Bác mất. “Lúc nghe tin phải bỏ khúc hát này tôi sốc lắm. Tiếc vô cùng, vì nó là tiết mục tôi đầu tư rất kỹ. Sau tôi nghĩ, phải đấu tranh để giữ lại, bằng mọi cách. Tôi đi gặp vị quan chức nọ, thuyết phục cả buổi rằng, nếu đặt câu “Người ở đừng về” trong văn cảnh này, ở hoàn cảnh này, đảm bảo sẽ không ai nhầm sang tình cảm trai gái, người ta sẽ chỉ nghĩ rằng đó là niềm tiếc thương, luyến tiếc Bác của người dân Việt Nam. Tôi lấy kinh nghiệm mấy chục năm làm nghề để đảm bảo điều đó. Mãi sau cũng được thông qua”, chị Mùi kể.

Đúng như dự đoán, khi Trần Mạnh Tuấn thổi saxophone (không lời) bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” và ngừng nửa chừng, một giọng hát trẻ con trong vắt vang lên (không nhạc) “Người ơi người ở đừng về” đã khiến cả khán phòng lặng đi vì thổn thức. Trường đoạn này sau đó được đánh giá là một “nốt lặng tuyệt đẹp” của cả chương trình.

Không dừng ở đó, bởi như đạo diễn Thúy Mùi chia sẻ “một chương trình ca nhạc không thể quá bi”, chị nối đoạn sang “Con ở miền Nam ra thăm lăng Bác” và kết thúc bằng “Bài ca Hồ Chí Minh” của Hồ Quỳnh Hương nhưng khán giả vẫn không ngừng lau nước mắt. Mãi sau này có người kể lại, bởi tất cả bài hát của chương trình đó đều “chạm đến trái tim người nghe” và rằng “ca sĩ hát theo một kiểu mà tôi không thể không nghẹn ngào”. Về sau, chị Thúy Mùi tổng kết, đó cũng là một cố tình của chị. Chị chọn ca sĩ không phụ thuộc vào kỹ thuật hay hát hay, chị chỉ chọn người hát có cảm xúc, dù đắt bao nhiêu cũng phải mời bằng được.

Ðạo diễn chịu chơi

Chuyện Mùi Chèo 'chịu chơi' ảnh 1

NSND Thúy Mùi.

Trong giới nghệ sĩ Chèo, Thúy Mùi có tiếng là người giỏi làm bi. Việc lấy nước mắt người xem là một “bảng hiệu kiếm cơm” của chị. Điều đó lý giải vì sao các chương trình quốc gia chị Mùi từng làm như: kỷ niệm 85 ngày thành lập Đảng, 70 năm quốc hội, 70 năm toàn quốc kháng chiến, 125 ngày sinh nhật Bác, 70 năm thương binh liệt sĩ… đều được đánh giá là “nhiều cảm xúc”. Giới nghệ sĩ vốn rất khó khâm phục người khác, nhưng họ vẫn phải công nhận, đạo diễn có thể làm chương trình chính trị mà lấy được nước mắt khán giả đếm đi đếm lại ở Hà Nội cũng không có mấy người.

Trong hầu hết những chương trình này, Thúy Mùi thường phải bỏ tiền túi để được dàn dựng như ý. Một trong những câu chuyện được kể công khai là trong ngân sách phê duyệt của Nhà nước mà chị Mùi nhận được, ngôi sao hạng A cũng chỉ có mức cát-xê là 40 triệu, trong khi giá thị trường thấp nhất cũng phải là 120 triệu. Thuyết phục, kiến nghị đủ kiểu không được, trong khi rất nhiều đạo diễn khác chọn giải pháp xuống nước, mời ca sĩ hạng B thì Thúy Mùi quyết định bỏ tiền riêng bù 80 triệu mời bằng được Tùng Dương, Hồ Quỳnh Hương… là những người mà chị đánh giá là “hát vô cùng cảm xúc”. Bù lại, Tùng Dương khiến cho “cả chương trình của chị bị cắt ngang vì tiếng vỗ tay”. Hồ Quỳnh Hương mới chỉ vào đầu “Hồ, Hồ, Hồ Chí Minh” người nghe đã phải lặng đi vì xúc động. Giám đốc Sở Văn hóa Hà Nội Tô Văn Động sau đó có một nhận xét nổi tiếng trong giới biểu diễn ở Hà Nội là “chỉ có Thúy Mùi mới chịu chơi như thế”!

Trong chương trình lễ hội đường phố kỷ niệm 10 năm điều chỉnh địa giới Thủ đô diễn ra cuối tháng 7, 100% kinh phí đều là vốn xã hội hóa, tổng đạo diễn Trịnh Thúy Mùi đã “không dùng một đồng tiền nào của Nhà nước”. “Tự lực cánh sinh” là cách chị vẫn dùng khi còn đương nhiệm Giám đốc Nhà hát Chèo Hà Nội. Cho đến khi chị về hưu, đây vẫn được coi là Nhà hát ăn nên làm ra nhất trong khối các Nhà hát ở Thủ đô, kể cả so với nơi có tiếng là đắt show như Nhà hát Tuổi trẻ.

Lòng còn nặng với Chèo          

Trước đây, NSND Trịnh Thúy Mùi có một đề án về Chèo rất được chú ý: đưa Chèo vào trường học để xây dựng đội ngũ khán giả mới! Chị nhấn mạnh: “đưa Chèo vào học đường chứ không phải sân khấu học đường. Chị chỉ đưa ra mục tiêu mỗi một cấp học, học sinh được một lần tiếp xúc với Chèo, nghe, xem Chèo. Theo đó, cấp 1 chị xây dựng tích cổ, truyện cổ để dụ các bạn nghe. Các trích đoạn hài sẽ dành cho cấp hai bắng nhắng hiếu động. Cấp ba biết lãng mạn rồi, chị làm những vở có tình yêu đôi lứa và nói sâu nhất về nghệ thuật Chèo. Theo dự tính, ba lần trong đời nghe Chèo như thế, ít nhiều các em sẽ quan tâm, yêu mến và ủng hộ Chèo”.

Dự án ấy không được duyệt kinh phí, chị vẫn nỗ lực vận động bạn bè, anh em ở tỉnh lẻ, tự làm được đến đâu hay đến đó. Từng chút một, chương trình bắt đầu có ảnh hưởng, những dự án nhỏ lẻ như “Chèo 48h” đưa Chèo vào trường đại học đã bắt đầu có kết quả, rất nhiều sinh viên ĐH Quốc gia đã biết Chèo. Có người còn hát được Chèo, rèn luyện chuyên tâm như là một lợi thế cộng điểm để du học.

Chị Mùi cho biết: “Bao nhiêu năm nay những người làm Chèo chỉ quan tâm đến học thuật, không quan tâm người xem hôm nay cần gì, nghĩ gì, họ đã bỏ qua nhiều năm và khán giả bị đứt quãng. Giới trẻ không được tiếp xúc với Chèo, chỉ thấy nó xa vời, huyễn hoặc, rề rà. Chúng tôi đang dò dẫm làm lại nhưng cứ thấy những việc của mình lọt thỏm”.

Nhà hát Chèo nơi chị Mùi từng chèo lái đã chủ động mang Chèo đến với nhiều trường học trên địa bàn thành phố như: Lương Thế Vinh, Marie Curie, Lê Quý Ðôn… Song như thế vẫn chưa thỏa mãn được ước mơ của chị. Ðể tìm kiếm khán giả cho Chèo, chị đặt mục tiêu kết hợp với nhiều nghệ sĩ khác, đem sân khấu di động đến từng trường, và nếu cần, quy tụ toàn những ngôi sao để tăng hiệu quả thu hút và giảng dạy. Chính chị Mùi từng nhiều lần trực tiếp đứng diễn ở lớp, tung hứng với Quốc Anh và “học sinh nghe về Chèo hào hứng như chơi game”. 
MỚI - NÓNG