Chuyện nhà văn lạc chốn thương trường

Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) chúc mừng tác giả “Giấc mơ sông Thương”
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (phải) chúc mừng tác giả “Giấc mơ sông Thương”
TP - Sau hơn 20 năm khai sinh và miệt mài nuôi dưỡng Thành Hưng thành thương hiệu hàng đầu trong lĩnh vực vận tải nhẹ tại Việt Nam, mới đây ông chủ taxi tải Thành Hưng tuyên bố: Rút lui khỏi thương trường. 

Vài giờ trước khi buông bỏ vị trí Tổng giám đốc Cty CP Tập đoàn Thành Hưng, một quyết định “không hề dễ dàng, không hề dịu ngọt” (theo lời của anh), Nguyễn Phúc Lộc Thành lên trang cá nhân  “báo cáo” với anh, chị, em, bạn bè gần xa lý do rút về hậu trường: Để quay lại văn chương. Anh gọi thời khắc được trở lại với niềm đam mê văn chương là “thời khắc huy hoàng”, gọi ngày nghỉ việc là “sự kiện trọng đại” trong đời: “Sau hai mươi năm thu mình trong bộn bề mưu sinh, trong lo toan thường nhật, trong thân phận một người lao động chân chính, lấy cần lao để vui sống, giờ là lúc tôi quay trở lại với văn chương, quay trở về đúng với tên gọi của mình. Nguyễn Phúc Lộc Thành- Cái tên mà thập kỷ 90 thế kỷ trước, khi còn học khóa 5 Trường viết văn Nguyễn Du, đã vinh hạnh được đời chấp nhận cho in trên bìa của vài tập tiểu thuyết, truyện ngắn. Cái tên có bốn chữ nhưng trong  đời người, đã bị công cuộc tiền bạc, mưu sinh cướp đi chữ Lộc, để hai mươi năm qua, vất vưởng nơi đầu đường, góc chợ, chỉ còn lại chơ vơ ba chữ Nguyễn Phúc Thành”.

Chuyện nhà văn lạc chốn thương trường ảnh 1 Cuốn thơ “Giấc mơ sông Thương” mới ra mắt của Nguyễn Phúc Lộc Thành

Ông chủ của thương hiệu taxi tải Thành Hưng vốn dĩ là người của văn chương. Anh đã tốt nghiệp khóa 5 Trường viết văn Nguyễn Du (1993-1997), là tác giả của cuốn tiểu thuyết gây chú ý một thời,  “Cõi nhân gian”, từng lọt tới vòng chung khảo giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam. Mới đây, một nghiên cứu viên của Trường ĐH Harvard mang đến cho Nguyễn Phúc Lộc Thành  tin vui: Cuốn tiểu thuyết “Cõi nhân gian” (xuất bản lần đầu năm 1994) được người Mỹ trang trọng lưu giữ từ rất lâu ở  Harvard-Yenching, Viện nghiên cứu về Đông Á, thuộc trường ĐH Harvard. Ít ai biết rằng, “Cõi nhân gian” được Nguyễn Phúc Lộc Thành sinh nở chỉ trong 33 ngày, từ hầm cầu thang cao 1,3 m. Anh viết miệt mài, ăn uống tại chỗ do vợ phục vụ, đến đêm mới mò ra khỏi hầm cầu thang để trở về sinh hoạt đời thường. Sau “Cõi nhân gian”, anh viết tập truyện ngắn “Táo vàng tục lụy” nhưng sách bị thu hồi sau khi xuất bản.

Từ đó, cho đến hơn 20 năm sau, Nguyễn Phúc Lộc Thành lặng im trên văn đàn Việt. Anh lao vào thương trường với cái tên Nguyễn Phúc Thành. Dần dần, người ta quên đi một Nguyễn Phúc Lộc Thành của văn chương, chỉ còn nhớ Nguyễn Phúc Thành, Chủ tịch HĐQT của Cty CP Tập đoàn Thành Hưng. Nhưng đang độ chín muồi trong sự nghiệp kinh doanh, anh viết đơn xin nghỉ việc. Chưa đầy nửa tháng sau tuyên bố rút khỏi thương trường, Nguyễn Phúc Lộc Thành lại khiến cả làng văn xôn xao vì sự kiện ra mắt tập thơ “Giấc mơ sông Thương”. Thì ra suốt một năm qua, bên cạnh việc kinh doanh, anh vẫn dành không gian cho sáng tác, âm thầm chuẩn bị cho ngày trở lại. 365 ngày sinh nở 3 tập thơ, gộp chung thành một cuốn dày dặn “Giấc mơ sông Thương”, tuyển 108 bài lục bát. Tất nhiên, sinh nở cả “đàn con” như thế cũng khó toàn bích, ít nhiều có sự lặp lại trong phong cách nhưng nói như một nhà thơ từng học với anh ở Trường viết văn Nguyễn Du: Không nhiều người viết được như Nguyễn Phúc Lộc Thành. 

Chuyện nhà văn lạc chốn thương trường ảnh 2 Cuốn tiểu thuyết “Cõi Nhân gian” được gìn giữ trang trọng 23 năm nay tại Trường ĐH Harvard, Hoa Kỳ

Phải lâu lắm văn đàn Việt mới có cuộc ra mắt sách hoành tráng đúng nghĩa,  từ địa điểm tổ chức tới lực lượng tham dự,  quy tụ hầu hết các gương mặt văn chương hàng đầu hiện nay, nhất là sự xuất hiện của tất cả các “quan văn”: Từ Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, tới Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam. Ngay cả những cây bút không mấy khi chịu lui tới “chốn lao xao” như Bảo Ninh, Nguyễn Huy Thiệp cũng góp mặt.  Nhưng Nguyễn Phúc Lộc Thành không bất ngờ vì sự ưu ái của những tên tuổi làng văn dành cho mình, một người viết đã lưu lạc trên 20 năm nay. Anh lý giải sức hút của cái tên Nguyễn Phúc Lộc Thành: “Bởi vì tôi quá trong sáng, quá sạch sẽ và... vô hại. Tôi không lao sâu vào các “công cuộc” trong văn chương”. 

Cuộc trở lại với văn chương lần này, Nguyễn Phúc Lộc Thành khẳng định,  không màng tới “lộc lá”, không cố gắng để trở thành Hội viên Hội nhà văn Việt Nam, không phấn đấu để giành giải nọ, giải kia... “Tôi tận hiến cho văn chương, giống như người ta ký vào cam kết hiến xác cho y học vậy”, anh nhấn mạnh. Bởi vì, ngoài đam mê, anh còn biết ơn văn chương: “Nhờ chất văn có sẵn trong người tôi mới làm kinh doanh tốt”. Thoạt nghe có vẻ thiếu hợp lý song Nguyễn Phúc Lộc Thành chứng minh hùng hồn: Văn chương có tính phiêu lưu và có rất nhiều sáng tạo. Anh lấy dẫn chứng: Mô hình taxi tải Thành Hưng là mô hình taxi tải đầu tiên ở Việt Nam, cũng là mô hình hiếm gặp trên thế giới, hiện nay rất phát triển ở Hà Nội và Sài Gòn. “Chỉ có Việt Nam mới có “ngõ nhỏ, phố nhỏ, nhà tôi ở đó”, nhà cửa san sát nhau, cửa hàng nhỏ xíu, nên mô hình taxi tải Thành Hưng phù hợp với tập quán tiêu dùng của người Việt Nam. Khi tôi khai trương được 3 tháng đã nhận được thư của một tập đoàn vận tải nước ngoài khen ngợi mô hình này. Họ nói rằng nó rất phù hợp với Việt Nam nhưng không phù hợp với các nước”, anh khoe. Một thành tựu khác khiến ông chủ taxi tải Thành Hưng tự hào chính là mô hình “xe gia đình- xe của nhà mình”, bắt đầu vào năm 1999: “Đây là mô hình giống hệt grab bây giờ, xe không biển, không mào, đánh vào tâm lí của người Hà Nội thích rẻ nhưng phải sang. Khách thuê xe về quê mà người ở quê lại tưởng là xe của họ nên thích lắm”. Tuy nhiên, cũng có khi dự đoán của ông chủ Thành Hưng đi trước thời đại: “Chúng tôi là đơn vị đầu tiên mở ra dịch vụ cho thuê xe tự lái trên phạm vi cả nước. Bạn có thể thuê xe ở Hà Nội, trả xe ở Sài Gòn. Nhưng hồi đó nhu cầu không cân, xe cứ vào đến Sài Gòn lại nằm tại chỗ, khiến chúng tôi phải đưa xe lên tàu hỏa chở ngược từ Sài Gòn ra Hà Nội. Chi phí lớn quá. Có lẽ mô hình này mở ra hơi sớm so với điều kiện kinh tế xã hội nước ta lúc đó. Nếu mở ra ở thời điểm này tôi tin sẽ thành công. 

Chuyện nhà văn lạc chốn thương trường ảnh 3 Nhà thơ Nguyễn Phúc Lộc Thành say sưa kể chuyện văn chương ảnh: HD

Trong cuộc sống đời thường, Nguyễn Phúc Lộc Thành là một người đàn ông nghiện con, thương vợ và mau nước mắt. Anh khóc như một đứa trẻ khi biết anh trai mình không thể qua khỏi căn bệnh hiểm nghèo. Anh lo lắng đứng ngồi không yên khi cô con gái thứ hai quay trở lại nước Mỹ học tập. Nguyễn Phúc Lộc Thành thích nói như đứa trẻ mới tập nói, nhất là khi đụng đến văn chương. Anh thấy ngạc nhiên khi nhiều người vẫn mặc định nhà văn, nhà thơ nhất định phải tỏ ra thiếu thốn một chút, phải có dáng vẻ bùi bụi, mặc quần rách, tóc để dài… Còn Nguyễn Phúc Lộc Thành không thế, anh là một nhà thơ ngồi ô tô, mặc đồ hiệu, đầu tóc gọn gàng nhưng mơ một giấc mơ kỳ ảo, giấc mơ sông Thương: “Sông Thương/Ai giận để cho/Câu quan họ khép cửa tò vò đêm/Then trời/Đã đóng chưa em/Cho ta mở yếm/Lụa mềm buộc nhau”. 

Cuốn thơ “Giấc mơ sông Thương” được in đẹp và cầu kỳ, với phụ bản là nhiều bức tranh sơn dầu được nhà văn Nguyễn Quang Thiều tự nguyện vẽ  tặng suốt 10 tháng từ cảm hứng đọc 108 bài  lục bát của Nguyễn Phúc Lộc Thành. Có người nói: “Đây là cuốn sách đẹp nhất Việt Nam trong 100 năm nay”. Chắc cũng không ngoa vì mấy nhà thơ, nhà văn chịu chơi như Nguyễn Phúc Lộc Thành? Đó cũng là ưu thế của một nhà thơ kiêm doanh nhân. 

MỚI - NÓNG