Có nên “sát hạch” trình độ giám khảo ở showbiz?

Hồ Ngọc Hà.
Hồ Ngọc Hà.
Nếu là một người làm việc chuyên nghiệp, các giám khảo có lẽ nên nghiên cứu về cuộc thi mình sẽ ngồi chấm - nếu nó nằm ngoài chuyên môn - hoặc chí ít cũng là nên lắng nghe đồng nghiệp của mình nói gì để có thể nói đừng quá "lệch trọng tâm".

Mới đây đã có một cuộc thi sát hạch về khả năng của những "ông đồ" cho chữ tại Văn Miếu Quốc Tử Giám, để từ đó chọn ra những ai có khả năng để vào Hồ Văn cho chữ người dân ngày xuân. Đây là một hoạt động văn hoá ý nghĩa mang nhiều nét truyền thống của người dân Việt đầu năm. Nhìn rộng ra, chuyện "sát hạch" cũng nên có ở một số hoạt động, lĩnh vực khác nữa, chứ chẳng riêng gì mỗi ông đồ không thôi.


Cứ nổi tiếng là đủ khả năng làm giám khảo?

Điều này chắc chắn sai. Đơn giản thôi, bởi không chắc cứ nổi tiếng là người đó sẽ nhận được sự "tâm phục khẩu phục" từ thí sinh cũng như khán giả truyền hình. Hơn nữa, giữa một thị trường giải trí còn nhiều bất cập như hiện nay thì việc nổi tiếng cũng không quá khó, nhất là nổi tiếng theo kiểu "tai tiếng" thì lại càng dễ. Chỉ cần phát ngôn gây sốc, chụp ảnh "bảo vệ môi trường", bảo vệ động vật, mặc quần áo có những slogan táo bạo, hình ảnh đi chơi phóng túng, v.v... là đảm bảo ngày hôm sau tên tuổi người đó sẽ ngay lập tức được đưa lên các trang báo mạng. Angela Phương Trinh là một ví dụ tiêu biểu.

Việc cô được mời ngồi giám khảo một cuộc thi chấm điểm hot-boy, hot-girl đã gần như ngay lập tức nhận được những phản ứng trái chiều từ dư luận, bởi suy cho cùng, cô gái này chưa hẳn đã có một sự nghiệp lẫy lừng về thành tựu nhưng lại quá dư thừa về scandal. Vậy nên, nếu ai đó nói rằng, cứ nổi tiếng là được mời làm giám khảo là chưa chắc.

Còn nhớ ở năm đầu tiên của cuộc thi "Giọng hát Việt" khi Đàm Vĩnh Hưng được mời ngồi ghế huấn luyện viên thì gần như đã có những ồn ào xung quanh quyết định của BTC. Nó ồn ào đến độ chính những người trong nghề đã phải lên tiếng và cuối cùng cách đối mặt với sự cố đó của Đàm Vĩnh Hưng đã bị chê trách nhiều. Thanh Lam lên tiếng hồ nghi về kĩ năng chỉ dạy của Hồ Ngọc Hà và Đàm Vĩnh Hưng thì Đàm Vĩnh Hưng đã "từ mặt", còn Hồ Ngọc Hà thì "xách mé" bằng cách dạy con.

Duy chỉ có Thu Minh là điềm đạm khi nói dù chị Lam nói gì cũng phải nghe. Trần Lập thì im lặng trung lập. Đến một ngôi sao lớn của thị trường giải trí âm nhạc như Đàm Vĩnh Hưng và cho đến "nữ hoàng giải trí" như Hà Hồ còn nhận được những sự hồ nghi thì còn nói gì những giám khảo khác khi được "chọn mặt gửi vàng". Bởi vậy, cứ nổi tiếng là đảm bảo được lượng khán giả, thí sinh tham gia cuộc thi nhưng chưa chắc đã nhận được sự đồng tình từ số đông.

Có nên “sát hạch” trình độ giám khảo ở showbiz? ảnh 1 Phương Mỹ Chi.
Gần đây, việc mời cô bé Phương Mỹ Chi làm giám khảo cho chương trình "Cùng nhau tỏa sáng" cũng gây nhiều bất bình cho công chúng. Ðành rằng, đây là chương trình dành cho thiếu nhi, một ngôi sao nhí vừa trưởng thành từ một sân chơi âm nhạc tương tự như Phương Mỹ Chi được mời làm giám khảo để chia sẻ, góp ý cho các bạn về kinh nghiệm, cách trình diễn là điều hoàn toàn hợp lý. Song, đặt vai trò của Phương Mỹ Chi ngang bằng những giám khảo đã "chín" về tuổi đời, tuổi nghề như đạo diễn Việt Trinh, ca sĩ Phương Thanh, nhạc sĩ Ðức Huy, danh hài Tấn Beo thì lại là chuyện khó chấp nhận, nhất là khi phần điểm của cô bé này cũng góp phần quyết định thắng - bại ở từng tiết mục.

Nhiều người đã lên án về tính nhân văn của nhà sản xuất khi lợi dụng tên tuổi của một cô bé đang sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo làm "phương tiện" để hút khán giả. Tương tự, vừa qua, việc mời cặp đôi Ðông Nhi - Ông Cao Thắng ngồi ghế giám khảo cùng các cặp giám khảo vợ chồng như Cẩm Vân - Khắc Triệu, Cẩm Ly - Minh Vy trong chương trình "Vợ chồng hát" - sân chơi vốn dành cho những cặp vợ chồng tham gia, cũng khiến công chúng có cái nhìn lệch về đội hình giám khảo.

Giám khảo có phải "học nói"?

Sự kiện Hồ Ngọc Hà làm giám khảo của cuộc thi "Hoà âm Ánh sáng" (tên tiếng Anh là: The Remix) cũng đang vướng phải sự lên án của dư luận từ chính sự "mập mờ mơ hồ" của cô trong vai trò giám khảo. Ngay từ số đầu tiên của The Remix, nhiều người đã phản đối việc đơn vị sản xuất chương trình này mời Hồ Ngọc Hà ngồi vào ghế giám khảo. Lý do họ đưa ra là The Remix đòi hỏi giám khảo phải am hiểu và cập nhật được các xu hướng về âm nhạc Remix để chỉ ra cho các thí sinh những điểm mạnh và điểm yếu trong mỗi phần trình diễn.

Riêng Hồ Ngọc Hà, mặc dù đã đi hát từ lâu và từng được đào tạo bài bản về âm nhạc, nhưng qua 2 số phát sóng, cô lại có những phần nhận xét rất "mơ màng". Những lời nhận xét này không chỉ ra cho thí sinh thấy được cái gì cần khắc phục, cái gì cần phát huy trong cách phối bài hoặc trình diễn, mà thường chung chung, nhang nhác cách cô thể hiện trên sân khấu The Voice. 

Có nên “sát hạch” trình độ giám khảo ở showbiz? ảnh 2 Sơn Tùng trong cuộc thi The Remix.
Đỉnh điểm của chuyện phản đối làm giám khảo cuộc thi này chính là những diễn biến của đêm thi thứ 2 với phần nhận xét của Hồ Ngọc Hà dành cho Sơn Tùng. Trong đêm diễn, Hồ Ngọc Hà giải thích rằng, cộng thêm cho Sơn Tùng 0,5 điểm ưu tiên vì bài hát tự sáng tác "Thái Bình, mồ hôi rơi". Với Hồ Ngọc Hà thì dù các thí sinh khác của The Remix có hay đến mấy nhưng nếu không hát bài hát mình tự sáng tác thì cũng chưa "đủ đô" để nhận điểm 10 từ cô. Rõ ràng ở đây, Hồ Ngọc Hà không hiểu hết ý nghĩa của chương trình The Remix. Nói nhạc Remix nghĩa là làm mới các ca khúc cũ. Ca khúc của Sơn Tùng trong đêm liveshow vừa qua hoàn toàn mới thì làm sao gọi là ca khúc cũ?

Một người làm trong ngành truyền thông đã ngay lập tức viết lên Facebook những lời "cảm thán" rất chính xác với những trích dẫn cụ thể để thấy Hồ Ngọc Hà đã không hiểu rõ về tính chất, thể lệ cuộc thi: "Theo từ điển Oxford: Remix là tạo nên một phiên bản khác của 1 bản ghi âm cũ! Tên chương trình là The Remix mà Hà Hồ đòi ê-kíp sáng tác bài mới thì mới cho 10 điểm (đoạn này nhấn mạnh khen Sơn Tùng có một tuần mà viết ra được một bài hát)!

Chả hiểu theo Hà Hồ, Remix là như nào? Chứ theo mình, Sơn Tùng hôm nay mới là người lạc đề nặng nề khi đem một bài mới tinh ra thi. Hà Hồ từ tuần sau cất luôn 10 điểm ở nhà vì Remix, ai đem bài mới sáng tác đi Mix bao giờ!". Với những phần nhận xét không có chút gì liên quan đến chuyên môn của cả nhóm thí sinh sẽ không tránh được cảm giác của nhiều người rằng, Hồ Ngọc Hà không hiểu gì về chương trình The Remix''.

Hồ Ngọc Hà không phải nữ giám khảo đầu tiên và duy nhất bị lên án bởi những nhận xét "vô duyên" của mình. Trước cô, Hà Tăng cũng đã nhận phải sự chỉ trích đó khi loại một thí sinh tại một cuộc thi nấu ăn chỉ bởi lí do anh chàng đó đi thì vì giải thưởng hấp dẫn. Lí do đi thi như thế nào là quyền của người thi, miễn sao họ đáp ứng được các yêu cầu của cuộc thi nên việc loại thí sinh chỉ bởi một câu nói có phần thật thà của họ thì kể ra cũng hơi oan uổng cho thí sinh đó. Sau sự việc trên, Hà Tăng im lặng và có lẽ từ giờ cô sẽ cân nhắc rất nhiều về việc có nên ngồi ghế giám khảo hay không.

Có nên “sát hạch” trình độ giám khảo ở showbiz? ảnh 3 Tăng Thanh Hà.
"Sát hạch" ban giám khảo - điều bất khả thi?

Ban giám khảo đương nhiên là những nhân vật luôn nhận được sự kính trọng lẫn sợ hãi. Đơn giản, họ là những người có thành tựu, có danh tiếng, có sự nghiệp và có cả sự ảnh hưởng tới đám đông. Sẽ có rất nhiều thí sinh đi thi là vì nhìn vào dàn giám khảo để đăng kí, hẳn nhiên, cũng không ít người trong số đó mơ ước một ngày nào đó có được vị trí như những vị giám khảo đang có. Thế nhưng, bên cạnh việc truyền cảm hứng, nuôi dưỡng ước mơ lẫn tạo sức mạnh cho thí sinh thì điều khó khăn hơn mà các giám khảo phải đảm đương, đó là chinh phục được khán giả truyền hình lẫn khán giả số đông đại chúng. Đó mới là sự khó khăn lớn của các giám khảo.

Nếu là một người làm việc chuyên nghiệp, các giám khảo có lẽ nên dành thời gian, công sức và tiền bạc để nghiên cứu về cuộc thi mình sẽ ngồi chấm - nếu nó nằm ngoài chuyên môn - hoặc chí ít cũng là nên lắng nghe đồng nghiệp của mình nói gì để có thể nói đừng quá "lệch trọng tâm". Cuộc thi "Sao Việt toàn năng" vừa kết thúc gần đây cũng cho thấy, dàn giám khảo của cuộc thi ở mấy số đầu tiên thiên về khen thí sinh đẹp, lộng lẫy, cuốn hút, mà quên đi rằng đó là một cuộc thi hát.

Vậy nên, để làm giám khảo đâu có dễ và sẽ càng thuyết phục hơn nếu có một ngày nào đó, có thông tin cho rằng, BTC của một cuộc thi nào đó vừa tổ chức một "cuộc thi" dành cho các ứng cử viên được chọn ngồi ghế giám khảo và sẽ tuyệt vời hơn nếu họ công bố được số người vượt qua thử thách, như cách mà BTC cuộc thi sát hạch chất lượng ông đồ ở Hà Nội công bố 70% thí sinh tham gia thi... trượt. Ngày đó nếu đến, giám khảo hẳn nhiên là những người xứng đáng làm... giám khảo.

Theo Theo Cảnh Sát Toàn Cầu
MỚI - NÓNG