'Của chó và người'

Minh họa: Ðỗ Phấn.
Minh họa: Ðỗ Phấn.
TP - Mic - chú chó bốn mắt của bố mẹ tôi vốn trầm lặng, xa cách chủ, không cho tắm hay vuốt ve, vẫy đuôi vừa phải khi được ăn. Rồi bố tôi mất. Mic từ chối đồ ăn, nằm bẹp cạnh bàn thờ ông cả ngày lẫn đêm, nước mắt lưng ròng. 

Nếu bạn nhìn kỹ khuôn mặt, đôi mắt loài vật trung thành này khi chúng khóc, sẽ thấy vẻ buồn chân thật đến giới hạn cuối cùng của thống khổ, giới hạn tối đa có thể chịu đựng, đến mức con người phải giấu mặt mà tự vấn chính mình. Chú chó của gia đình tôi mang vẻ mặt đó trong hai tuần, đến tận phút cuối cùng. Không ai biết Mic đã nghĩ gì những ngày đó, nhưng tất cả đều dễ dàng nhận ra cảm giác của nó. Thứ cảm giác rất người, hơn người.

Vài ba chục năm trước, ở nhà quê chúng tôi, khoảnh khắc hớn hở đầu tiên của năm mới lại có khi là giờ lâm chung đau đớn của lũ chó nhà. Chó vốn sợ tiếng động mạnh. Pháo nổ đùng đùng rung làng, chúng không biết lấy tay bịt tai như người, càng không biết tức giận la lớn: dừng lại. Chúng giấu mình run rẩy trong xó hoặc lao ra đường, chạy tới nơi nào xa tiếng pháo. Chúng chạy ra cánh đồng. Cánh đồng lúa mới cấy èo uột yếu đuối. Rầm rập đuổi theo chúng là đám thanh niên cả năm thiếu đạm, là hội đàn ông nông dân đói rượu đang kỳ ngồi không vì chiến tranh đã xong, vì ruộng đã khoán, vì chưa biết đường ra thành phố làm thuê. Tay gậy gộc tay cuốc xẻng, hừng hực khí thế họ tìm kiếm, tấn công. Rồi trong đêm tối, họ hồ hởi kéo lê về làng những xác chó máu me, thui, chặt, ướp, nấu. Có khi cháu ăn chó của ông, nhà em xơi chó nhà anh mà giả vờ không biết.

Trong ký ức tuổi thơ của thế hệ lớn lên thời bao cấp, nhất là trẻ con nhà quê, thể nào cũng lưu giữ hình ảnh người lớn trói nghiến bạn chó yêu mang bán cho lái buôn hay tệ hơn nữa là chọc tiết mổ thịt giữa sân nhà. Thường thì hình ảnh không mấy nhân ái đó đóng vạng thành sẹo lồi xấu xí giữa vách tiềm thức. Không có thủ phạm cụ thể cho vết thương. Bán chó lấy tiền đong gạo không sai. Mổ chó nạp chất đạm không sai. Chỉ tại con nít yêu thương thật lòng, con nít thấy mình đồng cảnh ngộ với những chú cún ở sự phụ thuộc, bị phụ thuộc, phải phụ thuộc vào người lớn.

Ở lớp vỡ lòng của con tôi, ngoài cô giáo và học sinh còn có một nhân viên đặc biệt. Chú chó to khỏe, sạch, thông minh có nhiệm vụ canh chừng, giúp đỡ em bé ốm yếu mắc chứng bệnh về xương và tự kỷ. Người phụ nữ huấn luyện nói rằng chó gần như là bạn tốt nhất cho trẻ em tự kỷ, có khi hơn cả bố mẹ. Spat, tên chú chó đáng yêu mặc áo xanh ghi dòng chữ "tôi đang làm nhiệm vụ, không vuốt ve", đĩnh đạc đi cùng em bé đến trường mỗi ngày. Mặc nhiên những cô cậu nhỏ khác xem Spat như bạn, một thành viên trong lớp. Chú khiến mạch máu khô nào đó trong tôi vốn được kết nên từ thịt chó đã ăn động đậy, sưng phồng, rỉ nước đục.

Tôi khóc, chúi mặt vào góc buồng  khóc để tránh ánh mắt van lơn ai oán của chó vàng khi mẹ bán bạn cho người ta, rồi chập tối lại thèm thuồng háo hức hít hà nồi rựa mận mẹ đang ninh.

Vâng, tất nhiên, tôi đã ăn thịt chó. Tôi khóc, chúi mặt vào góc buồng  khóc để tránh ánh mắt van lơn ai oán của chó vàng khi mẹ bán bạn cho người ta, rồi chập tối lại thèm thuồng háo hức hít hà nồi rựa mận mẹ đang ninh. Một đứa trẻ không phải đức phật, một đứa trẻ sống chưa đủ dài mà hiểu chuyện nghĩa tình, chưa nhiều tội lỗi phải rùng mình lo sợ kiếp trước kiếp sau. Nhưng người lớn, người lớn thì sao? Người lớn cũng chẳng sai. Ăn gì không ăn gì phần lớn phụ thuộc vào cảm giác. Cảm giác lại vô hình. Chỉ có thượng đế mới phân xử nổi đúng sai.

Suy luận phương tây cho rằng người Việt có thể ăn bất cứ con gì do lịch sử đói kém lâu dài. Nói cách khác thời kỳ nguyên thủy săn bắn hái lượm của chúng ta kéo dài, kéo đến tận giờ, biến tướng thành gen lặn, thi thoảng quẫy trồi lên, đi bổ đầu khỉ hút não, chặt tay gấu gặm xương. Nhưng Hàn Quốc giàu có, văn minh vẫn xơi chó hàng ngày đấy thôi, xơi đến tận hai triệu con một năm, xấp xỉ một nửa Việt Nam. Vậy có phải tập quán, thói quen, sở thích mới chính là nguyên nhân? Gì thì gì, cả người và chó đang thay đổi. Phố thịt chó sầm uất ngày nào ở Hồ Tây giờ xóa sổ. Kinh tế phát triển, người ta mua chó hàng chục triệu về nuôi, chăm bẵm như con. Ngay những chú vàng hay mực chân chất ở nhà quê ngày trước vốn chỉ được vứt cho miếng xương, bát cơm thiu nay đàng hoàng tô to tô nhỏ, cá này thịt kia. Số người thản nhiên giết rồi xơi con vật trung thành chính tay mình nuôi mình thương không còn nhiều. Có lẽ người ta đã bắt đầu "gai gai", cảm giác tôi từng trải qua mười mấy năm trước.

Hồi mới đến Mỹ, thấy dân da trắng bụm mặt khi nghe chuyện người Việt xơi chó, uống máu rắn, tôi thầm lầm rầm: gớm, gì mà ghê, chó cũng như gà vịt ngan ngỗng ông bà chén hàng ngày thôi. Rồi tôi thấy bà này khóc hết nước mắt vì mất chó, chó kia cẩn thận canh giấc ngủ cô chủ nhỏ, chó ngồi trong lòng người xem ti vi, người kể chuyện chó ốm mà mắt rưng rưng... Về lại Việt Nam, tôi bắt đầu ngần ngại lắc đầu khi bạn rủ nhậu thịt cầy. Có gì đó từ mao mạch thần kinh gửi tín hiệu cho bộ não, làm ra thứ cảm giác buồn nôn. Nhưng chuyện khiến tôi kiên quyết nói không với thịt chó xảy ra sáu năm trước, trong chính gia đình mình.

Quá thương chó, mẹ chồng tôi có lúc nghĩ quẩn hay lén đem thả Boston vào rừng để nó được quyền sống. Khóc lên khóc xuống, một ngày bà cũng phải giao Boston cho người ta mang đi.

Bố mẹ chồng tôi sống cùng Boston, chú chó giống chăn cừu đen trắng hiếu động ở một ngôi làng du lịch đẹp như mơ miền đông bắc nước Mỹ. Khỏi phải kể ông bà chăm chút, yêu thương Boston thế nào. Chú rất đáng yêu, mỗi tội thừa năng lượng, gặp ai cũng rủ chơi cùng, lập tức tỏ thái độ nếu bị từ chối. Tôi đã xơi trọn cú cào rách áo ngay lần đầu tiên ra mắt nhà chồng chỉ vì chưa kịp ném bóng cho chú. Chả vấn đề gì với tôi bởi hồi nhỏ chui vô vườn người ta vặt trộm ổi đã bị chó đớp dăm lần. Nhưng người Mỹ trong cái làng Mỹ đẹp như mơ ấy thì khác. Rách ống tay áo, sợt da, bà nọ kiện đòi bốn mươi ngàn đô la bồi thường. Thương thảo lên xuống, giá cuối gần ba mươi ngàn cùng lệnh từ tòa bắt cách ly Boston khỏi xã hội.

Quá thương chó, mẹ chồng tôi có lúc nghĩ quẩn hay lén đem thả Boston vào rừng để nó được quyền sống. Khóc lên khóc xuống, một ngày bà cũng phải giao Boston cho người ta mang đi, đến nơi chú sẽ nhận mũi tiêm mà nằm ngủ mãi mãi, để lại người bạn già phát ốm bởi nhớ thương. Sáu năm qua, bà vẫn nhớ Boston, vẫn giữ lại quả bóng chú từng chơi, khúc xương chú từng gặm.

Gần đây, bằng cách tế nhị, bà thăm dò qua tôi xem kinh tế phát triển, thái độ của người Việt với chó có thay đổi. Tôi kể rằng nhiều quán bán thịt chó đã đóng cửa, rằng người nuôi chó rồi bán không còn nhiều nên xuất hiện trộm chó, và không ít tên trộm chó bị đánh chết hoặc thương vong.

Ăn thịt chó không xấu, không sao. Nhưng giá như đừng ăn chính chú chó mình nuôi như một thành viên trong gia đình, canh nhà cho mình, mừng vui liếm tay khi gặp mình, nằm bên mình an ủi buổi chiều buồn nào đó,  biết đâu đời sống nhẹ hơn, những đứa trẻ sẽ không còn mang vết thương đóng vạng để rồi trồi lên rỉ nước đục ở tương lai. Chuyện chó mà không đơn thuần chó.

(Mượn cách đặt tít của chuột và người (Of Mice And Men) - tiểu thuyết nổi tiếng của John Steinbeck, Nobel Văn học 1962)

MỚI - NÓNG
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi nhận thêm nhiệm vụ
TPO - Ông Phan Văn Mãi giữ nhiệm vụ Chủ tịch Hội đồng đánh giá Đề án thí điểm chính sách khuyến khích và bảo vệ cán bộ năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung thực hiện Kết luận 14 của Bộ Chính trị.