Cuộc sống khốc liệt phía sau 'đẹp-thơ-mơ'

TP - Bỏ công việc ổn định tại viện nghiên cứu để theo học nghề làm phim, Phạm Thu Hằng không nghĩ mình liều, chỉ đơn giản thấy hợp hơn với công việc liên quan đến sáng tạo “không làm phim thì tôi chẳng biết làm gì khác”. “Đẹp, thơ, mơ” là bình luận thường gặp của khán giả yêu thích phim tài liệu của Phạm Thu Hằng.
Cuộc sống khốc liệt phía sau 'đẹp-thơ-mơ' ảnh 1

Tranh: Nguyễn Văn Hổ

Giành giải “Đạo diễn xuất sắc” tại Liên hoan phim (LHP) Quốc tế Singapore Silver Screen Award, Phạm Thu Hằng thổ lộ tâm trạng buổi tối ngày 9 tháng 12 hôm đó “trong tôi lẫn lộn những buồn vui, nặng nề xen nhẹ nhõm”. Vui vì hành trình bốn năm ròng của bộ phim “The Future Cries Beneath Our Soil” (tên tiếng Việt “Mùa cát vọng”) đã được giám khảo quốc tế ghi nhận. Nữ đạo diễn hạnh phúc vì mời được mẹ từ Thái Bình và hai nhân vật nam trong phim từ Quảng Trị đến Singapore dự LHP. Buồn vì trong quá trình làm phim có tới ba nhân vật mất do bệnh. Người thứ ba, nhân vật đặc biệt truyền cảm hứng cho nữ đạo diễn đã đột ngột mất trước khai mạc LHP có hai ngày. “Tôi đã lo mua vé cho ba nhân vật mà cuối cùng chỉ có hai người đi được”.

Tâm hồn của kẻ thất bại

Ban đầu Thu Hằng định đến làng liều Tân Hiệp (huyện Cam Lộ, Quảng Trị) chuyên cưa bom để làm một bộ phim về những người thu gom phế liệu. Ý định làm phim thất bại vì người dân nơi đây không hợp tác. Họ từ chối gặp nhà báo, không cho quay phim chụp ảnh công việc mà họ biết là bất hợp pháp. Qua ông Phương, một người từng có thời dẫn đường cho dân dò “phế liệu thần chết” dọc biên giới Việt-Lào, Thu Hằng gặp thêm được ông Thanh, ông Hoàng và anh Lộc… tại xã An Hưng (cách Tân Hiệp 4 km). Gặp gỡ tiếp xúc với bốn người đàn ông lớn tuổi, từng bôn ba, nghiện rượu nhưng tâm hồn nghệ sĩ khiến Thu Hằng nảy ra hướng khác cho bộ phim. Những người bạn rượu thường tụ tập ở căn nhà chật chội của ông Thanh, người độc thân mê đàn hát. Ông Thanh tóc dài bạc trắng, ông Hoàng nhỏ thó mặt ngầu găngxtơ, ông Phương từng trải, anh Lộc giọng ca ngọt… “khi say họ nói chuyện hay và hát có vẻ đẹp”. Trong mắt người thân, họ là những kẻ thất bại, vô dụng nhưng nữ đạo diễn lại thấy “họ là nguyên do để tôi sẽ còn làm phim về những người như vậy”.

Cuộc sống khốc liệt phía sau 'đẹp-thơ-mơ' ảnh 2 Phạm Thu Hằng cùng hai nhân vật mang “Mùa cát vọng” đi dự LHP Singapore đầu tháng 12 vừa qua
Bộ phim hơn 90 phút xoay quanh cuộc sống và tình bạn của bốn người đàn ông trong ngôi làng chứa đầy chứng tích chiến tranh và phim không liên quan lắm đến nghề thu gom bom mìn. Cũng chính từ ý này mà đạo diễn đặt tên phim tiếng Anh là “Tương lai khóc dưới lòng đất của ta”. “Nhưng tôi thấy tên tiếng Việt “Mùa cát vọng” sát nghĩa hơn. Nó cũng đúng tinh thần của phim, tuy có vẻ buồn và dường như tuyệt vọng nhưng thực ra rất đẹp và tích cực. Với lại cái từ “mùa cát” nghe thơ và hay, còn từ “vọng” thì muốn hướng đến tương lai, dù khi xem phim thì lại có vẻ không như thế”, Thu Hằng lý giải.

Trong nhóm nhân vật, ông Thanh có số phận sóng gió nhất. Ông sinh ra trong gia đình khá giả, sau biến cố chạy loạn năm 1972 nhà ông phá sản. Ở tuổi gần 60 ông Thanh không nghề nghiệp, không gia đình. Cảm nhận đầu tiên khi nữ đạo diễn bước vào nhà ông Thanh là “căn nhà như cảnh mở đầu trong tiểu thuyết và phim cao bồi xa xưa nào đó. Nó nhỏ xíu, không cửa chính, cửa sổ xiêu vẹo nhưng có đàn guitare và một bức tranh treo trên tường. Vẻ mặt chú ấy như bị cuộc đời huỷ hoại mà vẫn phảng phất thần thái lơ mơ nghệ sĩ”.

Khán giả xem phim không khỏi ám ảnh làng quê nghèo cằn cỗi trên cát, âm điệu những bài hát nao lòng của nhóm nhân vật qua những khung hình đẹp chậm rãi. Đẹp- thơ - mơ là cách mà nữ đạo diễn 8X nhìn và muốn nhìn về đời sống. Hằng muốn truyền tải nỗi ám ảnh mà người trong cuộc không thể diễn thành lời. Trạng thái đó có lúc như bị đóng băng, có lúc trôi nổi bồng bềnh, hư vô. Còn khán giả cảm nhận nó như một nỗi buồn đẹp và có thật.

“Tôi thấy, kết nối quá khứ giống như một cái cớ diễn đạt cho cái suy nghĩ hư vô về đời sống của chính tôi”. Hằng kể, việc chú Thanh mất đột ngột trước LHP là một cú sốc với đoàn làm phim và nhóm bạn rượu “giống như tiểu thuyết của tôi tưởng đã dừng, lại nối thêm một đoạn nữa”.

Lãng đãng, lì lợm, cần cù

Làm “Mùa cát vọng” kéo dài tới bốn năm là vì trong quá trình đó Hằng vừa quay vừa viết kịch bản để xin kinh phí. “Quảng Trị cũng xa quá, không thể cứ muốn là đi nên tôi phải chuẩn bị nhiều, rồi mỗi lần đến thì lại chỉ ở đó nhiều nhất là một tháng chứ không ở lâu hơn được. Ở lâu quá sẽ rất chán, cần phải nghỉ một tí rồi quay lại làm tiếp”.

Giải thưởng này xin dành cho các nhân vật của tôi, những người mà cuộc sống, tinh thần, tính cách và tâm hồn họ đã làm nên câu chuyện"

Đạo diễn Phạm Thu Hằng

Khó khăn đầu tiên là để nhân vật biết “cái cô này làm gì?”. “Tôi cứ phải lì lợm rồi đến lúc họ quen với máy quay, rồi thì mình muốn quay gì thì quay. Thời tiết cũng là một trở ngại vì có những đợt ngày nào cũng mưa ròng rã, cả tháng trời luôn”. Vợ con của anh Lộc (người đã mất trong năm cuối làm phim) ban đầu rất lạ vì “cô làm phim” có thể ngồi cả ngày để quay phim đám đàn ông uống rượu. Sau khi anh Lộc mất, vợ anh luôn khóc khi xem lại ảnh và cảnh phim có mặt chồng mình. 

Bộ phim trông vào kinh phí từ ba quỹ chính ở Hàn quốc là Docspost Incheon, AND (Asian network of Documentary), DMZ film festival ngoài ra có quỹ Ford và Dare to dream ở Indonesia. Hỏi Hằng “phim độc lập, xin tiền khắp nơi, mất nhiều thời gian công sức, ít cơ hội ra rạp sao vẫn theo đuổi?”. Cô nói: “Tôi từng ước mơ trở thành nhà văn, rồi từng định thi tuyển làm diễn viên, sau này làm nghiên cứu văn hóa tôi không thấy cơ hội nào cho mình ở đó cả. Tôi thấy mình được tự do diễn đạt suy nghĩ, mộng mơ khi làm phim. Người làm phim theo Hằng ngoài một chút tố chất thiên bẩm cần có thêm phẩm chất lì lợm và cần cù. Tôi chẳng giỏi gì đâu, mà lấy cần cù bù thông minh, Hằng cười. Trong mắt đồng nghiệp Hằng là cô gái với nhiều đối cực, xông xáo mà lãng đãng, phù phiếm; lì, xốc vác mà
đa cảm.

Ngay sau LHP Singapore Hằng bay thẳng sang trại tị nạn Nakivale ở Uganda (châu Phi). Tại trại tị nạn lâu đời và lớn nhất thế giới, Thu Hằng định tìm kiếm ý tưởng  cho bộ phim sắp tới nhưng chứng kiến cảnh sống dật dờ vô vọng của người tị nạn (chủ yếu đến từ Congo) nữ đạo diễn 8X đã sốc. “Tôi mất ngủ và chỉ muốn rời khỏi đó luôn”. Ở đây cuộc sống tồi tệ hơn mức bạn có thể hình dung, đất nước của người tị nạn không có cơ hội ngừng nội chiến, họ không có một tí ánh sáng hy vọng thoát khỏi nó. Những người mở trại không muốn cải thiện tình trạng sống nơi đây đề moi thêm tiền cứu trợ quốc tế. “Ở một nơi như thế, bạn cảm thấy mọi việc bạn định làm sẽ thừa thãi và vô nghĩa”. Cũng may những ngày sau đó tâm trạng Hằng đã thăng bằng trở lại nhờ tiếp xúc được với một số bạn trẻ tị nạn trong dự án sáng tạo.

Năm tới, bộ phim tiếp theo của Thu Hằng sẽ là về các bệnh nhân tại một trại phong. Lại vào guồng viết kịch bản, đề án xin tiền, có khi ngồi cả ngày bên những người bệnh im lặng. “Số tiền tiết kiệm từ học bổng châu Âu tôi đã tiêu gần hết. Giờ tôi phải dịch thêm, làm thuê video ngắn theo đặt hàng… để có tiền trang trải cuộc sống trong lúc làm phim mới”.

Với bộ phim vừa được giải, nữ đạo diễn hy vọng sẽ lọt vào mắt xanh của công ty phát hành uy tín, “may mắn thì nó sẽ được ra rạp giống như “Chuyến đi cuối cùng của chị Phụng” và “Đi tìm Phong”.

Cuộc sống khốc liệt phía sau 'đẹp-thơ-mơ' ảnh 3 Ông Thanh (bìa phải) và bạn rượu trong một cảnh phim “Mùa cát vọng”
MỚI - NÓNG