Nhạc hội của người Việt ở nước ngoài đâu chỉ có Thúy Nga Paris…

Đã nghe J-VOX chưa?

Trần Đình Nam Anh và J-VOX trình diễn Giáng sinh tuyệt vời
Trần Đình Nam Anh và J-VOX trình diễn Giáng sinh tuyệt vời
TP - Đi qua một quãng tái nạm gầu gân, thêm đoạn giòn rền bánh xèo nem rán, vượt tiếp cao trào cay cay men say mới tiến đến sân khấu. Còn chán chê chưa hát đâu. Giao đãi cũng cả tỉ quãng tám nữa. Tôi ngại đi xem các đại nhạc hội của người Việt ở nước ngoài vì thế. Đang băn khoăn chẳng lẽ chỉ có Thúy Nga, bỗng gần đây, một người bạn Việt ở Pháp nhắn “Đã nghe J-VOX chưa?”.

Lúc đó còn chưa biết mặt mũi giọng điệu J-VOX ra sao, để nói sau. Nên kể công của Thúy Nga với bà con Việt kiều trước đã. Không có họ, lấy ai hát tiếng Việt cho nghe. Ngay khán giả trong nước, hai chục năm cuối thế kỷ 20 cho đến cả chục năm đầu thế kỷ 21, xem băng đĩa Thúy Nga mới biết công nghệ sân khấu đèn đóm làm da em lụa là tóc em xõa mềm chứ.

Tôi cũng vài lần vừa ăn vừa uống vừa xem rồi. Phần nhạc kém, kéo lại phần hội. Cũng vui. Sống xa quê, đi con xe sang có khi còn dễ hơn đi con sợt (concert). Vé siêu VIP lên tới 100- 120 EUR, chưa kể tiền ăn uống. Trong khi mua vé chỗ ngồi tốt xem Brian Adams hồi tháng 6/2018 tại Brussels cũng chỉ 80 EUR. Vì người tổ chức đại nhạc hội phải mời ca sĩ đinh của Thúy Nga, điệu thêm giọng ca đang hót hòn họt từ quê nhà sang nữa. Không bán kèm đồ ăn thức uống sao gồng nổi. Chưa kể, cộng đồng có khi lẩn nhẩn vài kẻ chơi khó nhau. Đồ ăn thức uống đã nấu, hội trường đã đặt, vé đã in, thế mà tung tin đồn kiểu “Ngọc Sơn hủy sô, Bằng Kiều trễ chuyến bay”... Thế có khổ người ta không cơ chứ.

Đã nghe J-VOX chưa? ảnh 1

J-vox Khiêm tốn tự nhận bán chuyên nghiệp vì các thành viên không chuyên thanh nhạc, không sống nhờ thu nhập biểu diễn mà mưu sinh bằng nghề khác như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhân viên văn phòng, chuyên viên địa ốc...

Các hoạt động năm 2019 của J-VOX: Đại diện cho Phái đoàn Việt Nam diễn trong Tiệc chiêu đãi ngoại giao đầu năm mới 2019 của Chính phủ Pháp dành tặng cộng đồng 4 nước châu Á tại Pháp (Việt Nam, Trung Quốc, Lào và Campuchia). Concert kỷ niệm Cuộc đời và sự nghiệp nhạc sĩ Cung Tiến. Thu âm CD Con đường cái quan, phát hành cuối 2020 nhân kỷ niệm 10 năm thành lập nhóm. Tổ chức concert Giáng sinh 2019.

Nhưng thỉnh thoảng muốn nghe chay thôi, có được không. Nghe hát mà không ăn không uống ấy. Như thế đời sống âm nhạc hải ngoại mới phong phú. Người bạn ở Pháp lại nhắc “J-VOX hát cho khán giả nghe chứ không hát cho khán giả ăn”. Còn chuyện này phải kể thêm. Châu Âu vào đông, có khi cả tháng trời xầm xì mưa rả rích. Cái kiểu rét gọi xuân này ở quê thời xưa bà nội tôi hay chống gậy chỉ huy lũ cháu ngâm gạo, cắt lá chuối đổ bánh đúc, mẹ tôi giục bóc lạc nấu kẹo. Còn bây giờ ở trời Tây, tôi và mấy người bạn Việt ngồi bó gối lẩm nhẩm theo Hồng Nhung “Hà Nội mùa này vắng những cơn mưa. Cái rét đầu đông khăn em bay hiu hiu gió lạnh”. Càng buồn càng thấm thía cái hay cái đẹp của Gọi nắng trên vai em gầy, đường xa áo bay, quay ra gật gù với nhau “Công nhận, nhớ đến một người để nhớ mọi người”.

Trần Đình Nam Anh (trưởng nhóm J-VOX) bỗng nhắn “Cho em xin địa chỉ để gửi tặng CD vừa phát hành. Tuyển các bài hát chọn lọc, chuyển soạn riêng và độc quyền của J-VOX”. Mới ngắm bìa đĩa Vol 3 “The best of ensemble vocal J-VOX”, giản dị những tên bài thân quen Bên thềm chim én bay, Dáng đứng Bến Tre, Ru con, Tổ quốc tươi đẹp, Bình minh ca... đã thấy xúc động. Từ từ, tôi nhập vai lữ khách trên Con đường cái quan của J-VOX. Bắt đầu hiểu ra tại sao người bạn cứ nhắc “Đã nghe J-VOX chưa”.

J-VOX, tức Jeunes Voix- Những giọng ca trẻ là nhóm vocal bán chuyên nghiệp do Trần Đình Nam Anh (học Nhạc viện TP HCM, năm 2005 sang Pháp học chuyên ngành piano, thanh nhạc, chỉ huy hợp xướng) thành lập từ 2010. Nhóm duy trì 15- 20 người, tuồi đời 20- 60, đều gốc Việt. Thời đầu cũng trải qua khá nhiều khó khăn trong tập hợp và tập luyện một cách nghiêm túc để có phong cách riêng và kỹ thuật tốt, để tạo được uy tín trong cộng đồng người Việt ở Pháp. Khiêm tốn tự nhận bán chuyên nghiệp vì các thành viên không chuyên thanh nhạc, không sống nhờ thu nhập biểu diễn mà mưu sinh bằng nghề khác như bác sĩ, kỹ sư, giáo viên, nhân viên văn phòng, chuyên viên địa ốc... Nhưng khi họ tụ lại, tập luyện dưới sự hướng dẫn của Trần Đình Nam Anh để hát cho thỏa đam mê và tình yêu với âm nhạc, nên hiểu chữ “bán chuyên nghiệp” kia cũng có ba bảy đường.

Suốt 8 năm qua, J-VOX chững chạc tổ chức và tham gia nhiều chương trình ca nhạc thính phòng như The First Noel, J-VOX Gala 1, Mười năm Trịnh Công Sơn, Tiếng thu... chủ yếu tại Paris, cũng như các buổi hòa nhạc, liên hoan âm nhạc quốc tế tại một số thành phố khác ở Pháp. Có đối tượng khán giả riêng, bán từ 30- 35 Euro/vé, không gian thuần âm nhạc, ánh sáng và nến, không lẫn mùi vị món ăn cổ truyền. Quá giỏi. Đêm 11/11/2018 ra mắt A musical night với các trích đoạn nhạc kịch nổi tiếng The sound of music, Mama Mia, Phantom of the Opera, New York! New York! Cats, Singing in the rain... còn lọt mắt xanh Mạnh Thường Quân. Người này trực tiếp đề nghị tài trợ J-VOX diễn thêm một đêm A musical night và thu CD luôn. Nam Anh kể “Tới giờ nhóm vẫn tự lực mọi hoạt động nhờ quỹ riêng. Thù lao biểu diễn và bán CD đủ trang trải chi phí tổ chức chương trình, thu âm, phát hành CD, đồng phục, trang thiết bị, liên hoan... Nhưng thật may mắn khi biết vẫn có những tấm lòng vàng sẵn sàng hỗ trợ nhóm khi cần thiết. Mạnh Thường Quân của J-VOX đều người Việt, là khán giả trung thành, nhiệt tâm của nhóm nhiều năm nay. Tất nhiên, để nhận được bảo trợ quý giá như thế không dễ. Cách duy nhất thuyết phục họ là chất lượng”.

Đã nghe J-VOX chưa? ảnh 2 J-VOX trong một đêm nhạc Trịnh
Chất lượng, theo tôi suy đoán từ khán giả trung thành của J-VOX và mong muốn cá nhân, chắc chắn không thể thiếu tiêu chí hát tiếng Việt phải hay trước đã. Nam Anh cũng thừa nhận vì yêu tiếng Việt nên nhóm hát tiếng Việt và biểu cảm khi hát tiếng mẹ đẻ vẫn hay nhất. Thêm thử thách cho người đang sống và làm đúng nghề giữa Paris như Nam Anh: chuyển soạn lời Việt cho tác phẩm thanh nhạc nước ngoài. Nghe J-VOX thêm thú vị nữa: một phiên bản mới lạ được chuyển soạn lại cho hợp xướng, nghe bằng tiếng Việt càng hiểu rõ tinh thần tác phẩm hơn, cảm nhận sâu hơn. Làm sao để tối ưu hóa những âm vần khi biểu diễn mà không xa rời ý nghĩa câu chữ? “Tôi có thêm nguồn tham vấn và hợp tác về mặt ý tưởng từ em gái là họa sĩ, nhà thơ Turine Trần Ngọc Việt Tú”. Nam Anh đã chuyển soạn cho hợp xướng các tác phẩm Dã Tràng ca (Trịnh Công Sơn), Con đường cái quan (Phạm Duy), Bài ca hi vọng (Văn Ký), Dáng đứng Bến Tre (Nguyễn Văn Tý)... và chuyển soạn lời Việt trích đoạn nhạc kịch The sound of music (Richard Rodgers), Bình minh ca (Jerry Goldsmith), Bên thềm chim én bay (Eva Dell’Acqua), Giáng sinh tuyệt vời (Leroy Anderson)...

Ngay cả chương trình biểu diễn chọn lọc riêng, ít khi ngẫu hứng tại chỗ như J-VOX, vẫn có một bài khán giả thường yêu cầu hát thêm, Dáng đứng Bến Tre. Có lẽ tâm lý chung của người xa xứ là nhớ nhung các làn điệu ngọt ngào, trữ tình. Người ta hát Dáng đứng Bến Tre theo nhiều cách, càng xa Hàm Luông bến, càng chuyển hướng bolero. Thế mà giờ đây, giữa trời đông châu Âu chuẩn bị sang xuân, còn gì sành hơn khi được ngồi nghe Dáng đứng Bến Tre do J-VOX trình bày hợp xướng bằng giọng Nam bộ. Cũng là điều thú vị hiếm thấy trong biểu diễn thanh nhạc thính phòng. Cũng là lúc bóng quê hương tỏa xuống thân mật êm ấm lòng.

MỚI - NÓNG