Danh hiệu và danh dự

TP - Cô ấy nói rằng: “Tôi không nói mình xứng đáng với vương miện hay không nhưng tôi tham gia cuộc thi với sự đầu tư về kỹ năng, độ quyết tâm như các thí sinh. Tôi tin ban giám khảo có lý do khi chọn tôi. Trong trường hợp xấu nhất, nếu bị tước vương miện, tôi sẽ rất đau lòng, hụt hẫng. Tôi mong cơ quan chức năng điều tra, xem xét lại kết quả công bằng cho bản thân. Tôi mong có cơ hội để chứng minh vai trò của mình với cộng đồng”.
Danh hiệu và danh dự ảnh 1

Trong khi Lê Âu Ngân Anh (ảnh) có những lời tha thiết mong giữ lại vương miện trên đầu thì có những độc giả bình luận: “Tước danh hiệu làm cái gì, ai quan tâm tới cái danh hiệu đó chứ, vớ vẩn”. Thực ra, đây là một trong những bình luận thể hiện sự “dỗi” cao độ với những cuộc thi nhan sắc kiểu như “Hoa hậu Đại dương” vừa qua. Có những người “dỗi” nhẹ hơn thì đặt câu hỏi ngược lại với Lê Âu Ngân Anh: “Em có nghĩ tới cộng đồng đau lòng ra sao khi em là hoa hậu? Họ có cảm giác bị lừa xem một trò hề của ban tổ chức”. Nhiều người khuyên cô nên buông bỏ: “Danh hiệu” nếu đem so với “danh dự” thì nó chả có ý nghĩa gì, nếu như em không xứng đáng với nó trong suy nghĩ và đánh giá của phần lớn dư luận. Mong em có suy nghĩ và có một quyết định đúng đắn”.

Tại sao các cô gái đều muốn thành hoa hậu, dù cuộc thi chất lượng ra sao, bị cày xới ồn ào ra sao cũng không muốn “nhả” vương miện? Trước đó người ta cũng nói nhiều tới vài cuộc thi “hoa hậu ao làng” nơi Ngọc Trinh đăng quang hoa hậu, danh hài Thúy Nga tiếng tăm trong sự nghiệp cũng cố vớt vát danh hiệu á hậu… để rồi tất cả chỉ thành trò cười cho người ta. Đến hôm nay, “Hoa hậu Đại dương” với bao lùm xùm khiến những người quản lí ở cấp độ cao nhất cũng phải lên tiếng, nhưng cô gái  vẫn cố gắng níu giữ vương miện đến cùng. Nghĩ ra cũng tội. Một độc giả bình luận: “Vương miện không giống như con búp bê hồi nhỏ em thích là đòi mẹ mua cho bằng được”. Phải chăng, cô gái đã 22 tuổi vẫn nghĩ mình chưa qua vòng thơ bé? 

MỚI - NÓNG