Đạo diễn Úc “soi” giới trẻ

Đạo diễn Úc “soi” giới trẻ
Đầu tháng 5 vừa qua, đạo diễn nổi tiếng người Úc David Bradbury đã có dịp trở lại Hà Nội khi đang thực hiện một phim tài liệu nói về giới trẻ trên thế giới, trong đó có Việt Nam.

Trong mắt ông, Hà Nội sau hơn 20 năm đã đổi khác rất nhiều. “Hà Nội trước kia nhiều xe đạp lắm, bây giờ thì lại nhiều ô tô và xe máy” - ông cười. David Bradbury cho rằng, nhiều bạn trẻ được sinh ra trong điều kiện vật chất đầy đủ đôi khi không nhớ tới quá khứ khó khăn hay lịch sử của đất nước. Đó là lý do David Bradbury muốn thực hiện một phim tài liệu nói về giới trẻ. Ông muốn biết các bạn trẻ nghĩ về thế giới như thế nào, cũng như việc giới trẻ Việt Nam gìn giữ văn hóa, truyền thống của mình ra sao. Ông cho rằng: “Nhiều bạn trẻ Việt Nam không hiểu, không biết tới văn hóa, truyền thống của đất nước mình mà bị thu hút nhiều hơn bởi văn hóa của nước ngoài qua tivi hay internet”.

Lần đầu tiên David Bradbury tới VN là năm 1981, khi đó ông thực hiện bộ phim tài liệu Public enemy number one nói về Wilfred Burchett (1911-1983) - nhà báo phương Tây đầu tiên tới Hiroshima sau vụ nổ bom nguyên tử. Burchett vô cùng ngưỡng mộ và là người bạn thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh. “Tôi thấy thật tuyệt vời về những gì ông ấy đã làm, đã viết, đã mang lại cho thế giới. Nhờ ông mà nhiều người trên thế giới hiểu thêm về cuộc cách mạng tại Việt Nam” - David Bradbury nói.

Tôi nghĩ, đó là một thách thức cho Việt Nam. Các bạn trẻ cần biết tự hào mình là người Việt Nam. Tuy vậy, giới trẻ rất khó hiểu được những điều này, họ gặp khó khăn trong việc phân biệt ranh giới giữa những mặt tốt và mặt chưa tốt của việc tiếp thu văn hóa từ những nước khác. Các bạn trẻ cần biết mình đến từ đâu” - ông nói.

Trước khi trở thành nhà làm phim tài liệu, David Bradbury từng là phóng viên đài phát thanh. Nhưng sức mạnh biểu đạt của hình ảnh đã quyến rũ ông. “Một hình ảnh có giá trị hơn ngàn lời nói. Tôi có thể biểu đạt từng ánh mắt, sự hạnh phúc, nỗi buồn, nước mắt, tất cả những gì nhân vật đang nghĩ... Hình ảnh, âm thanh và cả âm nhạc sẽ khiến những điều tôi muốn nói trở nên mạnh mẽ hơn. Đó là lý do tôi hạnh phúc khi trở thành đạo diễn phim tài liệu”, ông nói.

David Bradbury quan tâm nhiều tới các đề tài về chiến tranh hay môi trường. Ông cảm nhận sâu sắc về những thảm họa, nỗi bất hạnh cho cuộc sống của con người do chiến tranh gây ra. “Tôi muốn cho thế hệ của tôi, thế hệ những người trẻ, những người chưa từng trải qua chiến tranh, biết được những nỗi bất hạnh mà chiến tranh mang lại. Tôi muốn họ hãy tránh xa điều đó, họ cần biết giải quyết mọi việc bằng những cách khác”.

Môi trường đang bị hủy hoại, sự sống của các sinh vật đang bị đe dọa cũng là bức thông điệp David chuyển tải trong nhiều bộ phim đã thực hiện. Gần 30 năm làm phim tài liệu, ông đã từng hai lần được đề cử giải thưởng Oscar với bộ phim Front Line (1979) - bộ phim đầu tay nói về nhà quay phim thời sự dũng cảm người Úc Neil Davis, và Chile, Hasta Cunado? (1986).

Theo Minh Ngọc
Thanh Niên

MỚI - NÓNG
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
Đại tướng Phan Văn Giang: Phải có cơ chế, chính sách thúc đẩy công nghiệp quốc phòng phát triển
TPO - Chiều 23/4, Đại tướng Phan Văn Giang - Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cùng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Nguyên, đã tiếp xúc cử tri chuyên đề lấy ý kiến vào dự thảo Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên trước Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XV.